Có hai dự án, Trà Vinh vẫn nhờ tỉnh khác ‘giải cứu’ rác thải

Dù đã triển khai hai dự án, công trình xử lý rác, nhưng đến nay, những dự án, công trình này đang bộc lộ nhiều bất cập và có nhiều sai sót trong quá trình đầu tư. Lượng rác thải ùn ứ ngày càng lớn đã buộc tỉnh Trà Vinh phải gửi văn bản qua các địa phương lân cận nhờ ‘giải cứu’ lượng rác khổng lồ lên tới 30 nghìn tấn đã tồn ứ hàng chục năm qua. Tuy nhiên, lời đề nghị này đã bị từ chối…

Dù đã triển khai hai dự án, công trình xử lý rác, nhưng đến nay, những dự án, công trình này đang bộc lộ nhiều bất cập và có nhiều sai sót trong quá trình đầu tư. Lượng rác thải ùn ứ ngày càng lớn đã buộc tỉnh Trà Vinh phải gửi văn bản qua các địa phương lân cận nhờ “giải cứu” lượng rác khổng lồ lên tới 30 nghìn tấn đã tồn ứ hàng chục năm qua. Tuy nhiên, lời đề nghị này đã bị từ chối…

Nhờ “giải cứu” 30 nghìn tấn rác

Mới đây, ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Cần Thơ cho biết, cơ quan này đã có báo cáo tham mưu cho UBND TP Cần Thơ không đồng ý yêu cầu của UBND tỉnh Trà Vinh trong việc hỗ trợ xử lý 30 nghìn tấn rác thải. Lý do là hiện nay, nhà máy đốt rác điện ở Cần Thơ vẫn đốt chưa hết rác trên địa bàn thành phố và Cần Thơ có chủ trương không nhận rác từ địa phương khác.

Trước đó, ngày 13-10-2020, ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã ký văn bản gửi UBND TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long về việc hỗ trợ tuyến đường vận chuyển rác thải sinh hoạt từ tỉnh Trà Vinh đến TP Cần Thơ để xử lý.

Theo văn bản này, tỉnh Trà Vinh đã thống nhất cho Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại và Đầu tư IDV hỗ trợ cho Vina Encorp bốc dỡ 30 nghìn tấn rác từ bãi rác TP Trà Vinh vận chuyển đến Nhà máy xử lý rác thải EB T Cần Thơ (xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ). Toàn bộ lượng rác nói trên sẽ được chuyển về Cần Thơ, nhưng trong quá trình vận chuyển sẽ đi qua địa phận Vĩnh Long và Hậu Giang bằng phương tiện xe đầu kéo sơ-mi rơ-moóc tự đổ có trọng tải lớn (40-50 tấn); nên tỉnh Trà Vinh nhờ các địa phương nói trên hỗ trợ.

Lâu nay, tình trạng rác thải ùn ứ đang là một vấn đề bức xúc ở Trà Vinh. Toàn tỉnh hiện có 18 bãi rác, bãi trung chuyển trên địa bàn các huyện, cụm xã. Mỗi ngày, lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 401,15 tấn/ngày, được thu gom khoảng 294,07 tấn/ngày đạt tỷ lệ 73,31%.

Lớn nhất là bãi rác TP Trà Vinh (trước đây là bãi rác Hợp tác xã Trà Vinh) hoạt động từ năm 1998 ở ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành. Ban đầu, bãi rác này có diện tích 10.690 m2, sau mở rộng lên 21.040 m2, tiếp nhận và xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp tự nhiên, đốt rác vào mùa khô, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tháng 4-2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 64 về phê duyệt “kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”; trong đó, có bãi rác TP Trà Vinh. Hình thức xử lý là mở rộng, cải tạo, nâng cấp để hạn chế ô nhiễm môi trường, thời gian xử lý từ 2003-2006. Tuy nhiên từ đó đến nay, bãi rác này vẫn tiếp tục gây ô nhiễm, khiến người dân chung quanh bức xúc trong thời gian dài. Theo ước tính, tổng lượng rác hiện nay hơn 200 nghìn tấn, đã quá tải, không còn sức chứa, buộc tỉnh Trà Vinh phải đóng cửa bãi rác này từ ngày 25-9-2018.

Dự án ách tắc vì sai phạm

Nhằm đưa bãi rác TP Trà Vinh ra khỏi danh mục cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, năm 2016, UBND tỉnh Trà Vinh đã phê duyệt “Dự án Xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác TP Trà Vinh”, tổng kinh phí hơn 97 tỷ đồng, chủ đầu tư là Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh. Mục đích của dự án là đốt lượng rác cũ 120 nghìn tấn tồn đọng 27 năm qua tại bãi rác TP Trà Vinh; 80 nghìn tấn rác còn lại không thể đốt được sẽ tiến hành chôn lấp.

Một góc dự án Nhà máy xử lý rác thải Trà Vinh trong quá trình xây dựng năm 2019.

Quá trình triển khai, Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghiệp năng lượng môi trường Việt Nam (Vina Encorp) là đơn vị trúng thầu, thi công bằng phương pháp đốt (công suất 100 tấn/ngày và chôn hợp vệ sinh); giá trị trúng thầu là 49.522.212.000 đồng (đơn giá bốc dỡ 26.900 đồng/tấn, đơn giá đốt rác 384.100 đồng/tấn).

Quy mô dự án gồm các hạng mục công trình, trạm xử lý nước thải, nhà xưởng tiếp nhận rác (nhà bao bao che lò đốt, phân loại, tiếp nhận), đường nội bộ, khối văn phòng, cây xanh, hệ thống điện, hệ thống cấp – thoát nước, san lấp mặt bằng, hàng rào tạm, bãi chôn lấp rác.

Cuối năm 2017, Sở TN-MT ký hợp đồng với nhà thầu thực hiện phần dịch vụ đốt rác, thời gian thực hiện 30 tháng, đến ngày 27-6-2020 là kết thúc hợp đồng (theo giấy cam kết của nhà thầu thì thời gian mua sắm, lắp đặt thiết bị xử lý rác là sáu tháng, thời gian hoạt động xử lý rác 23 tháng).

Tuy nhiên, qua kiểm tra, UBND tỉnh Trà Vinh đã phát hiện nhiều sai phạm. Tiến độ thực hiện gói thầu không bảo đảm theo hợp đồng. UBND tỉnh Trà Vinh dẫn chứng: “Từ ngày 2-12 đến ngày 31-12-2019, nhà thầu tiến hành xử lý đốt rác, khối lượng được xử lý: 2.967 tấn (chỉ đạt 2.5% khối lượng hợp đồng); đã bốc dỡ, vận chuyển rác đạt 15.460,18 tấn (chỉ đạt 13% khối lượng hợp đồng)”. Sau đó, chủ đầu tư là Sở TN-MT đã tiến hành xử phạt nhà thầu vi phạm hợp đồng với số tiền hơn 37 triệu đồng.

Ngoài ra, Vina Encorp cũng chưa thực hiện theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được duyệt, khí thải chưa bảo đảm đạt chuẩn theo quy định, nhà thầu có lập thủ tục nhưng chưa bảo đảm điều kiện nên chưa được xác nhận.

Đặc biệt, ban đầu, Vina Encorp dự thầu bằng năm lò đốt SH7-1000, công suất 5 tấn/giờ; nhưng sau đó, đã tự ý thay đổi thiết bị, công nghệ đốt thành 11 lò hiệu Sankyo – Nafci, công suất 500 kg/giờ và bổ sung một lò đốt HTB 100 công suất 100 tấn/ngày. Theo báo cáo kiểm tra, việc thay đổi này không phù hợp với việc đốt rác cũ nên không hiệu quả kinh tế dẫn đến phải điều chỉnh phương án gây kéo dài thời gian, dự án đã hết thời gian hiệu lực.

Rác cũ ùn ứ, rác mới cũng xử lý không xong

Ngoài việc phải xử lý lượng rác cũ tồn đọng hơn 200 nghìn tấn, tỉnh Trà Vinh còn phải đối mặt với lượng rác thải mới phát sinh hằng ngày. Tháng 7-2017, tỉnh này đã cho khởi công “Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt” (tại ấp Sâm Bua, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành), cũng do Vina Encorp làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 có công suất xử lý 150 tấn/ngày đêm, chủ yếu là xử lý lượng rác thải mỗi ngày trên địa bàn TP Trà Vinh, tổng mức đầu tư khoảng 80 tỷ đồng.

Báo cáo kiểm tra của UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án này. Đến nay, tiến độ thực hiện dự án không đúng với quyết định chủ trương đầu tư và đã hết thời hạn đầu tư theo quy định của pháp luật. Vina Encorp chỉ thực hiện đầu tư các hạng mục có nhu cầu cần thiết cho việc vận hành nhà máy (như nhà xưởng cơ khí, nhà xưởng xử lý rác…); chưa đầu tư các hạng mục khác theo giấy phép xây dựng. Đặc biệt, nhà đầu tư có thay đổi, điều chỉnh quy trình công nghệ xử lý rác so với hồ sơ dự án và báo cáo ĐTM. Hệ thống xử lý nước thải không đúng theo công suất, từ thiết kế 100 m3/ngày đêm đã giảm xuống còn 50 m3/ngày đêm; chưa thi công các bãi chôn lấp tro xỉ…

Ông Dương Hiền Hải Đăng, Chủ tịch UBND TP Trà Vinh cho biết, chỉ riêng trên địa bàn thành phố bình quân mỗi ngày có 85-90 tấn rác (cao điểm là 110 tấn) tập kết về nhà máy từ tháng 9-2018. Do nhà máy chậm tiến độ, chưa thể vận hành chính thức, nên khối lượng rác xử lý được là rất ít, dẫn đến lượng rác tồn đọng chung quanh rất lớn.

Theo UBND tỉnh Trà Vinh, cả hai dự án đang chậm tiến độ, dẫn đến chuyện rác cũ đốt không xong, còn rác mới thì xử lý không được. Nguyên nhân chính là do nhà thầu thực hiện cùng lúc hai dự án dẫn đến việc huy động nguồn tài chính, nhân lực gặp nhiều khó khăn. Đối với Sở TN-MT Trà Vinh (chủ đầu tư dự án đốt rác) đã lựa chọn công nghệ, thiết bị lò đốt không phù hợp với việc đốt rác cũ, nội dung hợp đồng không quy định tiến độ chi tiết để kiểm tra, giám sát thực hiện hợp đồng.

QUỐC DŨNG – PHƯỚC LƯU – Báo Nhân Dân

Theo Nhân Dân

Ảnh: Bãi rác TP Trà Vinh đang là cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng vì hàng trăm nghìn tấn rác thải ùn ứ hàng chục năm.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nhandan.com.vn/vi-moi-truong-xanh/co-hai-du-an-tra-vinh-van-nho-tinh-khac-giai-cuu-rac-thai-623750/