Các nhà chức trách Ấn Độ đã biến điều kiện khắc nghiệt trên sa mạc Thar thành công viên điện mặt trời Bhadla – lợi thế cho cuộc cách mạng năng lượng tái tạo của đất nước.
Công viên điện mặt trời Bhadla nằm ở bang Rajasthan thuộc miền tây Ấn Độ, là bang lớn nhất về diện tích nhưng có mật độ dân cư rất thưa thớt, do phần lớn lãnh thổ là sa mạc khô cằn với trung bình 325 ngày nắng mỗi năm. Ngày nay, ước tính khoảng 10 triệu tấm pin mặt trời đã được lắp đặt ở rìa sa mạc Thar, tạo nên một công viên điện mặt trời kéo dài hết tầm mắt. Đây là một trong những công viên điện mặt trời lớn nhất trên thế giới.
Ấn Độ với 1,3 tỷ dân được dự đoán sẽ sớm vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, đồng nghĩa với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Hiện nay, điện than vẫn chiếm tới 70% sản lượng điện của đất nước, khiến họ trở thành một trong những nguồn phát thải khí nhà kính hàng đầu.
Tại hội nghị COP26 đang diễn ra ở Glasgow, Thủ tướng Narendra Modi cam kết rằng Ấn Độ sẽ tăng công suất năng lượng không hóa thạch lên 500 GW và đến năm 2030, 50% nhu cầu năng lượng của quốc gia sẽ đến từ các nguồn tái tạo như điện gió và điện mặt trời.
Tuy nhiên, việc định hình lại toàn bộ mạng lưới điện cần rất nhiều thời gian và tiền bạc. Khoảng 80% pin mặt trời của Ấn Độ hiện nay vẫn được nhập khẩu từ Trung Quốc, nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Trong bài phát biểu tại COP26, Thủ tướng Modi mong đợi các quốc gia phát triển cung cấp hỗ trợ tài chính cần thiết để nước này đạt được những mục tiêu đề ra.
Với công viên điện mặt trời Bhadla lớn nhất trên thế giới đã góp phần làm cho lĩnh vực năng lượng xanh ở Ấn Độ đã tăng gấp 5 lần chỉ trong hơn một thập kỷ qua, và tăng lên mức 100 GW vào năm nay, nhưng lĩnh vực này vẫn cần phải tăng trưởng hơn nữa để Ấn Độ có thể đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Bắc Lãm
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Một góc công viên điện mặt trời Bhadla ở Ấn Độ