Cơ chế, chính sách trong phân loại rác tại nguồn

Năm 2020, tỷ lệ chất thải rắn (CTR) được thu gom xử lý tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 92%; tính chung đô thị khoảng 87%; ở nông thôn khoảng 63%.

1. Thực trạng phát sinh, quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH)

1.1. Thực trạng về phát sinh chất thải rắn sinh hoạt ở việt nam

• Ước tính cả nước phát sinh hơn 23 triệu tấn CTRSH năm 2019.

• Năm 2019, lượng CTRSH phát sinh tại khu vực đô thị là 35.624 tấn/ngày (~13 triệu tân năm) chiếm khoảng 55% tổng lượng CTRSH phát sinh, trong đó TPHCM & HN lên tới 12.000 tấn/ngày, chiếm 33,6% tổng lượng CTRSH đô thị.

• Tổng khối lượng CTRSH nông thôn cả nước là 28.394 tấn/ngày (~10,3 triệu tấn/năm).

• CTRSH đô thị có tỷ lệ hữu cơ khoảng 54-77%, chất thải có thể tái chế (nhựa và kim loại) chiếm 8 – 18%.

• Lượng CTRSH phát sinh 2016-2020 tiếp tục gia tăng nhanh. Ước tính lượng CTRSH ở các đô thị tăng trung bình 10÷16%/năm.

tm-img-alt
Lượng CTRSH phát sinh ở việt nam (Nguồn Bộ TNMT 2021)

1.2. Thực trạng về quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở việt nam

• Phần lớn CTR sinh hoạt đô thị chưa được phân loại tại nguồn, tại một số đô thị lớn như TP HCM mới chỉ triển khai thí điểm tại một số phường, quận.

• Năm 2020, tỷ lệ CTR được thu gom xử lý tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 92%; tính chung đô thị khoảng 87%; ở nông thôn khoảng 63%.

• Tại các đô thị, việc thu gom, vận chuyển CTRSH do công ty môi trường đô thị hoặc DNTN thực hiện. Tại khu vực nông thôn, việc thu gom, vận chuyển CTRSH phần lớn là do các hợp tác xã, tổ đội thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận với người dân.

• Hiện nay chủ yếu là chôn lấp (70% lượng CTR sinh hoạt chôn lấp), trong đó nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh gây ô nhiễm nước ngầm, nước mặt, ô nhiễm không khí (mùi) ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng xung quanh.

• Ngoài ra, trên cả nước hiện có khoảng 35 cơ sở xử lý chất thải thành phân mùn hữu cơ (compost); Một số cơ sở áp dụng phương pháp đốt (gần 300 lò đốt, chủ yếu là lò đốt rác cỡ nhỏ, quy mô cấp xã).

Nguồn: Bộ TNMT (2021), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016- 2020

2. Dự báo phát sinh chất thải rắn sinh hoạt ở việt nam

tm-img-alt
Nguồn: Ngân hàng thế giới (2018), Đánh giá công tác quản lý CTRSH và CTCN nguy hại

3. Chính sách, phát luận liên quan phân loại tại nguồn và tái chế

tm-img-alt

4. Các quy định liên quan đến CTRSH

4.1. Quy định về phát triển KTTH trong luật Bảo vệ môi trường 2020

• KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

• Thực hiện lồng ghép KTTH ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải.

• Doanh nghiệp có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối.

tm-img-alt

4.2. Quy định về phân loại chất thải rắn tại nguồn

• Quy định bắt buộc phân loại tại nguồn thành 3 loại, thu gom, vận chuyển và xử lý riêng biệt. Các tỉnh, TP bắt buộc phải thực hiện trước 31/12/2024.

• Khuyến khích áp dụng giải pháp chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số để thúc đẩy giảm thiểu phát sinh, tái sử dụng, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý CTR.

4.3. Quy định về thu phí theo lượng CTR phát sinh

• Nguyên tắc thu phí: Chi phí xử lý CTRSH được tính đúng, tính đủ cho một đơn vị khối lượng để thực hiện xử lý. Rác tái chế được thu gom miễn phí thúc đẩy người dân giảm phát sinh CTR.

• Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được tính theo nguyên tắc có sự bù đắp thông qua ngân sách địa phương.

• UBND cấp tỉnh quyết định hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử  lý CTRSH theo một trong các trường hợp sau:

  • Thông qua giá bán bao bì đựng CTRSH, bao gồm giá thành sản xuất bao bì  và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt
  • Thông qua thể tích thiết bị chứa đựng chất thải rắn sinh hoạt;
  • Thông qua việc cân xác định khối lượng CTRSH (đối với các cơ quan, tổ chức)
  • Hoặc các hình thức khác.

4.4. Quy định về cơ chế mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR)

• Trách nhiệm thu hồi, tái chế sản phẩm, bao bì thải bỏ (EPR). Các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thu gom và tái chế 6 nhóm bao bì và sản phẩm thải bỏ. Có ba phương án để các nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn: (i) tự tái chế, (ii) ký hợp đồng

với công ty tái chế hoặc (iii) uỷ quyền cho tổ chức trung gian thực hiện thu gom  và tái chế.

• Công bố danh sách các đơn vị tái chế và được ủy quyền tổ chức tái chế. Bộ TNMT công bố danh sách tổ chức, đơn vị tái chế và được ủy quyền tổ chức tái chế để nhà sản xuất, nhập khẩu biết, lựa chọn. Nhà sản xuất, nhâp khẩu không thuê đơn vị tái chế hoặc bên được ủy quyền khi không bảo đảm các yêu cầu theo quy định của pháp luật. (Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Điều 79).

tm-img-alt

5. Quy định về đóng góp tài chính để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải

• Nhà sản xuất, nhập khẩu có 6 nhóm sản phẩm khó thu hồi, tái chế phải đóng góp kinh phí để hỗ trợ xử lý chất thải. Mức đóng góp kinh phí tính theo sản phẩm hoặc tỷ lệ doanh thu.

tm-img-alt

6. Quy định về hạn chế chôn lấp CTR

Quy định hạn chế công nghệ chôn lấp trực tiếp CTRSH, từ đó khuyến khích đầu tư các cơ sở tái chế, cơ sở xử lý CTRSH hiện đại.

• Các địa phương khi đầu tư mới hoặc đưa vào vận hành các cơ sở xử lý CTRSH ưu tiên đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; bảo đảm giảm dần tỷ lệ CTRSH được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đáp ứng mục tiêu về quản lý tổng hợp chất thải rắn.

• Các cơ sở chôn lấp phải thực hiện ký quỹ để phục hồi bãi chôn lấp; thúc đẩy giảm phát sinh CTR và tái sử dụng, tái chế.

7. Quy định về lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa

• Từ 01/01/2026, không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 µm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.

• Sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch.

• Sau năm 2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

7.1. Quy định về ưu đãi, hỗ trợ đối với DN tham gia quản lý CTRSH

Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ về ưu đãi, hỗ trợ (Điều 141, Luật BVMT 2020):

• Hỗ trợ về đất đai:

Được ưu tiên bố trí quỹ đất gắn với các công trình, hạng mục công trình hạ tầng  kỹ thuật; nếu không, được hưởng chính sách như hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy định của pháp luật về đầu tư;

Được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai như các đối tượng thuộc dự án, ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư (Nghị định 08/2022/NĐ- CP, Điều 132).

• Ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư:

Ưu đãi từ Quỹ BVMT Việt Nam, quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh: Nếu dự án có tỷ lệ chất thải phải chôn lấp dưới 30% tính trên tổng lượng CTR thu gom thì được vay vốn với lãi suất ưu đãi tối đa không quá 50% mức lãi suất tín dụng đầu tư của nhà nước do cơ quan có thẩm quyền công bố tại thời điểm cho vay, tổng mức vay vốn không quá 80% tổng mức đầu tư xây dựng công trình.

Các dự án quản lý CTRSH khác được vay vốn với lãi suất ưu đãi tối đa không quá 50% mức lãi suất tín dụng đầu tư của nhà nước do cơ quan có thẩm quyền công bố tại thời điểm cho vay, tổng mức vay vốn không quá 70% tổng mức đầu tư xây dựng công trình; được ưu tiên hỗ trợ sau đầu tư từ nguồn chênh lệch thu chi hàng năm.

Ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam được thực hiện theo quy định của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước (Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Điều 133).

• Ưu đãi về thuế, phí và lệ phí:

Doanh nghiệp đầu tư quản lý CTRSH được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp;

Ưu đãi các chính sách thuế, phí, lệ phí khác được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí (Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Điều 134).

7.2. Quy định hỗ trợ doanh nghiệp tham gia quản lý CTRSH

• Trợ giá sản phẩm, dịch vụ về bảo vệ môi trường: Sản phẩm, dịch vụ công ích về BVMT, trong đó bao gồm cả dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH được trợ  giá theo quy định của Chính phủ về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Điều 135).

• Mua sắm xanh: Hạng mục mua sắm hoặc đầu tư công trong các dự án đầu tư, nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ ưu tiên sử dụng, tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam (Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Điều 136).

• Tín dụng xanh và trái phiếu xanh. Các dự án quản lý chất thải được thuộc danh mục được cấp tín dụng xanh và có thể cấp trái phiếu xanh. Luật BVMT 2020 khuyến khích các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tài trợ, cho vay ưu đãi đối với dự án thuộc danh mục phân loại xanh (Luật BVMT Điều 149).

8. Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện từ CTR

Quyết định 31/2014/QĐ-TTg ngày 05/05/2014

• Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng CTR quốc gia.

• EVN có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các nhà máy điện từ CTR; thời gian hợp đồng là 20 năm;

• Giá mua điện:

 Đối với các dự án phát điện đốt CTR trực tiếp là 10,05 UScents/kWh;

 Đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp CTR là 7,28 UScents/kWh.

• Nhà nước hỗ trợ thông tin, ưu đãi về vốn, thuế; về đất đai.

9. Một số rào cản chính trong phân loại tại nguồn và tái chế CTRSH

• Các quy định pháp luật về phân loại tại nguồn và EPR mới được hướng dẫn, các địa phương và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn trong triển khai. Luật BVMT 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP mới được ban hành, các địa phương, doanh nghiệp hiện đang chuẩn bị thực hiện với nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ sở hạ tầng, nhận thức và ý thức trách nhiệm, nguồn lực.

• Chưa có sự đa dạng trong công nghệ xử lý CTRSH, thiếu sự đồng bộ của các khâu trong quản lý chất thải, do đó khó có thể thúc đẩy việc PLTN một cách hiệu quả. Nếu PLTN xong lại xử lý chung thì việc phân loại không có nhiều ý nghĩa.

• Chưa có ngành công nghiệp tái chế CTRSH chính thức, hiện đại, quy mô lớn, năng lực của các doanh nghiệp tái chế còn hạn chế : Việc sản xuất compost còn găp nhiều khó khan; tái chế vật liệu từ CTRSH chủ yếu ở các cơ sở phi chính thức làng nghề; việc thu hồi năng lượng từ xử lý CTRSH chưa phổ biến.

• Ngân sách dành cho quản lý CTRSH còn khó khăn ở nhiều địa phương, quy mô phát sinh CTR nhỏ trong khi việc liên kết vùng hạn chế, nên khó thu hút các DN  tư nhân với công nghệ hiện đại.

• Việc tổ chức lựa chọn các DN cung ứng dịch vụ QLCTRSH còn hạn chế, còn chưa được công khai, minh bạch, tạo sự công bằng, bình đẳng giữa các DN nhà nước và tư nhân; thời hạn hợp đồng ngắn không khuyến khích đầu tư; chưa có mẫu hợp đồng cho dự án đầu tư PPP.

• Việc tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ còn khó khăn: Các quy trình, thủ tục hành chính để được ưu đãi, hỗ trợ còn phức tạp, gây nhiều khó khăn; mức ưu đãi, hỗ trợ còn thấp so với mức đầu tư của các dự án lớn; cơ chế hỗ trợ phát triển dự án phát điện từ CTR còn bất cập (chưa quy định dự án bioga phát điện).

10. Các giải pháp

10.1. Một số giải pháp chung

• Nâng cao nhận thức, hiểu biết về các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về quản lý CTRSH, đặc biệt là về phân loại tại nguồn và EPR. Thay đổi nhận thức, tư duy về phát triển kinh tế tuần hoàn trong các ngành, lĩnh vực.

• Tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, phổ biến pháp luật về khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia quản lý CTRSH.

• Tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp về khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số trong quản lý CTRSH.

• Thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp trong quản lý CTRSH, ví dụ giữa các doanh nghiệp xử lý với các doanh nghiệp thu gom, vận chuyển; giữa các doanh nghiệp Nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI. Phát triển các dự án PPP.

10.2. Giải pháp với địa phương – UBND cấp tỉnh

• Xây dựng phương án quản lý CTRSH trong quy hoạch tỉnh, trong đó đưa ra phương án PLTN, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh; công bố công khai, minh bạch đến các DN quản lý chất thải.

• Ban hành quy định chi tiết về quản lý CTRSH; quy định giá cụ thể, hình thức thu, mức phí đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại theo hướng dẫn tại Thông tư 02/2022/TT- BTNMT. Mức giá xử lý cần khuyến khích các công nghệ hiện đại, hạn chế chôn lấp, thu hồi năng lượng.

• Tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch, tạo lập sự cạnh tranh bình đẳng trong đấu thầu để lựa chọn đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Xây dựng và thực hiện các mô hình hợp tác công tư PPP trong đầu tư xử lý CTRSH.

• Đơn giản hóa thủ tục hành chính, hướng dẫn, tạo điều kiện để doanh nghiệp được vay vốn, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; tài trợ, đồng tài trợ và hỗ trợ khác từ quỹ BVMT tỉnh (Điều 132, Nghị định 08/2022/NĐ-CP).

• Kiện toàn và phát triển quỹ BVMT cấp tỉnh với vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng, để có nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia quản lý CTRSH. (Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Điều 158-159).

• Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

10.3. Giải pháp đối với Bộ Tài nguyên Môi trường

• Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH tại nguồn; xây dựng quy hoạch BVMT quốc gia, định hướng đầu tư các dự án quản lý chất thải rắn liên vùng, liên tỉnh; các giải pháp thúc đẩy xã hội hóa.

• Đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính trong việc cho vay vốn, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; tài trợ, đồng tài trợ và hỗ trợ khác từ Quỹ BVMT Việt Nam.

• Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam theo cơ chế để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Điều 82, 85). Công bố tiêu chí xác định dự án được hỗ trợ, hướng dẫn cơ quan, tổ chức có nhu cầu được hỗ trợ tài chính cho hoạt động xử lý chất thải theo cơ chế EPR lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ (Nghị định 08/2022/NĐ- CP, Điều 82, 85). Thiết lập hệ thống giám sát, theo dõi, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế phải công khai, minh bạch, đúng mục đích.

• Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (danh mục phân loại xanh) (Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Điều 154).

10.4. Giải pháp đối với Bộ, ngành

• Bộ Công Thương rà soát, đánh giá chỉnh sửa, bổ sung trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển dự án phát điện từ CTR.

• Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tập trung, bố trí nguồn vốn phù hợp để cho vay ưu đãi khuyến khích chủ đầu tư thực hiện dự án thuộc danh mục phân loại xanh (Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Điều 156).

• Bộ KHĐT tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ lãi suất đối với dự án thuộc danh mục phân loại xanh sau khi kết thúc hợp đồng vay vốn trung, dài hạn tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

• Bộ KHĐT hướng dẫn phân loại dự án thuộc danh mục phân loại xanh để tổng hợp trong danh mục đầu tư công khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hàng năm làm căn cứ để Chính phủ, chính quyền địa phương lựa chọn khi phát hành trái phiếu xanh (Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Điều 157).

– 3,5 triệu lít nước,

– 1,9 triệu cây xanh, 500.000 KW/h,

– giảm 3 tấn chất làm ô nhiễm không khí và

– 1.300m3 đất để chôn lấp.

11. Các loại hình tái chế chất thải rắn sinh hoạt

11.1. Mô hình tái chế theo phương thức 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế)

tm-img-alt

11.2. Các loại hình tái chế chất thải rắn sinh hoạt

Tái chế nilon, nhựa, cao su

Nilon, nhựa và cao su phế liệu tái chế được có thể có 2 phương án tái chế sau:

– Phương pháp tạo ra bán thành phẩm nhựa hoặc cao su: phương pháp này hiện không được xã hội tán thành, ủng hộ, vì sản phẩm tái chế, dễ dàng sản xuất ra các sản phẩm đựng thực phẩm hoặc các đồ dùng sinh hoạt khác.

– Phương pháp nhiệt phân thiếu khí nhựa, cao su thành dầu đốt dạng FO, khí cháy (CH4, C2H6,…) và than hoạt tính – đây là 1 hướng giải thoát lớn cho bài toán năng lượng bù thêm cho quá trình đốt rác thải trong lò đốt.

Thu gom kim loại để tái chế

Theo thống kê Lượng kim loại có trong rác thải sinh hoạt từ 0,03 ÷ 0,2%; có nơi nhiều hơn, thu gom kim loại có 2 phương pháp:

  • Từ tính với kim loại sắt, thép vụn.
  • Nhặt thủ công với các lon, vỏ đồ hộp bằng nhôm.
  • Hóa rắn các chất thải rắn trở thành gạch không nung
  • Gạch không nung từ hỗn hợp đất, đá, cát, tro đốt lò và xi măng:

Các nhà máy gạch không nung từ các phế thải xây dựng (tro, xỉ, phế thải xây dựng và xi măng,…) đang được khuyến khích để thay thế cho các lò nung gạch thủ công ngày một tạo sự ô nhiễm và bất cập về năng lượng

Sản xuất phân compot từ mùn hữu cơ

– Mùn hữu cơ từ rác được lọc hết các phẩm vật khó phân hủy bằng phương pháp tách lọc trọng lượng (đất, cát, nilon, nhựa, …)

– Ủ lần 2, lần ủ này sẽ được điều chỉnh theo hướng diệt sạch mầm bệnh và tăng tỷ lệ mùn hữu cơ để làm nguyên liệu sản xuất phân bón theo đúng quy định về quản lý và sử dụng phân bón của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

– Mùn sau khi tách lọc được ủ xử lý từ 20 ÷ 25 ngày là đạt yêu cầu (mùn hữu cơ để làm phân bón ; có thể trộn thêm dinh dưỡng N, P, K , các nguyên tố trung lượng, vi lượng để đạt tiêu chuẩn phân theo yêu cầu của khách hàng.)

Tái chế rác thải nhựa

Theo báo cáo “Nghiên cứu Thị trường cho Việt Nam – Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa” do IFC vừa công bố, mỗi năm,

– Khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ tại Việt Nam.

Trong số này, chỉ 1,28 triệu tấn (33%) được thu gom tái chế (CFR).

– Do vậy, có tới 2,62 triệu tấn nhựa bị thải bỏ, dẫn đến mất 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương từ 2,2 – 2,9 tỷ USD mỗi năm.

– Nếu tất cả được thu gom và tái chế thành các sản phẩm có giá trị, tổng giá trị vật liệu giải phóng được nhờ tái chế sẽ tương đương 3,4 tỷ USD mỗi năm.

3 lợi ích về việc tái chế rác thải nhựa

– Tái chế rác thải nhựa giúp tiết kiệm năng lượng hơn nhiều so với sản xuất vật liệu nhựa mới nhờ giảm bớt được các hoạt động như khai thác, chế biến, vận chuyển …

– Tái chế rác thải nhựa giúp giảm thiểu số lượng rác thải sẽ phần nào giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường

– Sử dụng tái chế rác thải nhựa là phương pháp thân thiện với môi trường, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế lớn.

11.3. Đánh giá chung và những khuyến nghị

Tái chế: Các yếu tố sản xuất đã tác động đến quá trình chuyển hóa vật liệu và năng lượng, do vậy có sự đòi hỏi đến môi trường – nơi cung cấp tài nguyên thiên nhiên. Đó là:

– Đặc tính tái tạo của vật liệu và nhiên liệu, do vậy cần phân biệt giữa: – vật liệu, nhiên liệu tái tạo lại được vàvật liệu, nhiên liệu không tái tạo lại.

– Tái chế có thể ở dạng tái sinh hoặc tái tạo lại giá trị hoặc tiếp tục tận dụng giá trị

– Khuyến khích giảm sử dụng nhựa (vd: loại bỏ dần những sản phẩm nhựa không cần thiết) và các hệ thống tái sử dụng (vd: chai có thể nạp lại, mô hình phân phối mới, và mô hình kinh doanh)

– Quy định và điều chỉnh hài hòa các tiêu chuẩn và mục tiêu phân loại tại nguồn và thu gom riêng

– Hoàn thiện khung tài trợ xanh hiện tại để có chính sách ưu đãi và hỗ trợ cụ thể cho chuỗi giá trị tái chế nhựa

– Quy định tiêu chuẩn quốc gia về thiết kế để tái chế cho bao bì nhựa

– Khuyến khích tăng năng lực tái chế PE/PP chính thức; phát triển tái chế PET chất lượng cao hơn

– Xây dựng các tiêu chuẩn rõ ràng đối với việc nhập khẩu nhựa phế liệu có chất lượng để sản xuất hạt, bán thành phẩm và/hoặc thành phẩm nhựa; tránh việc cấm hoàn toàn nhập khẩu phế liệu nhựa

– Xây dựng các quy trình thực tế để tài trợ cho các doanh nghiệp tuần hoàn nhựa

– Xây dựng và triển khai các chính sách ưu đãi cho việc sử dụng hàm lượng tái chế

– Thiết lập mục tiêu/tiêu chuẩn hàm lượng tái chế cho các ngành lớn sử dụng sản phẩm nhựa cuối

– Các Bộ, Ngành, cơ quan quản lý Nhà nước cần: (i) thiết lập cơ sở dữ liệu có thể truy cập rộng rãi về xuất/nhập khẩu nhựa; (ii) cải thiện mức độ chính xác của nhập liệu; và (iii) xây dựng danh mục toàn diện các đơn vị tái chế trong nước

Ngoài ra, vì khu vực không chính thức đã tham gia khá sâu và mạnh mẽ vào công việc tái chế nói chung và tái chế nhựa và giấy/thùng carton … nói riêng, trong điều kiện môi trường và sức khỏe không phù hợp

Điều này sẽ đòi hỏi cần có sự tham gia và hợp tác chặt chẽ với khu vực không chính thức.

TS.Nguyễn Trung Thắng
Phó Viện trưởng

Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ TN&MT