Thời gian gần đây, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về ứng dụng, chuyển giao, phát triển công nghệ lĩnh vực năng lượng đã được ban hành, khuyến khích thúc đẩy đầu tư công nghệ xanh, công nghệ năng lượng tái tạo.
Tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Hành lang pháp lý để thúc đẩy đầu tư công nghệ xanh, phát triển công nghệ năng lượng tái tạo tương đối đầy đủ. Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược, nghị quyết và cơ chế chính sách khuyến khích sự phát triển của năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Tính đến hết tháng 9/2021 năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, không kể thủy điện) đã đạt 22,68 tỷ KWh, chiếm đến 11,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng các chương trình khoa học và công nghệ về năng lượng phù hợp với giai đoạn 2021-2030. Trong dự thảo Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2030, sắp tới sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt, việc tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia được Bộ chú trọng đến các chương trình khoa học và công nghệ để phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, dành nguồn lực xứng đáng, tập hợp được đội ngũ nhà khoa học và có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Quy hoạch Điện VIII cũng đã chú trọng nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai như điện gió, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời…
Với các chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo hiện nay, dự kiến tổng công suất điện sạch gồm điện khí, năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 75% điện hệ thống, đóng góp sản lượng khoảng 70% trong tổng sản lượng điện…
Việt Nam đang ở trong giai đoạn đầu của chuyển dịch năng lượng từ hóa thạch sang “điện sạch”, đây cũng là định hướng phát triển trong tương lai ngành năng lượng của Việt Nam. Trong đó, năng lượng gió được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa yêu cầu “xóa bỏ dần điện than.” Hiện chúng ta đang đặt ra mục tiêu dài hạn trong phát triển năng lượng tái tạo, phù hợp với chiến lược năng lượng quốc gia, đồng thời đóng góp chung vào nỗ lực giảm thiểu khí hậu toàn cầu.
Diệp Anh
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)