Chuyện lạ ở SCIC và Tổng giám đốc đấu giá 800.000 tấn quặng ‘chui’

Ông Nguyễn Tiến Dũng (SN 1981), người dính đến lùm xùm âm thầm đấu giá 800.000 tấn quặng bị phản ánh chuyển từ SCIC sang VEIC sau 1 năm mới chuyển sinh hoạt Đảng.

Câu chuyện Giám đốc Công ty TNHH Khoáng sản và luyện Kim Việt – Trung “âm thầm” tổ chức đấu giá 800.000 tấn quặng giữa lúc cả nước đang thực hiện cách ly xã hội phòng chống dịch Covid-19 khiến dư luận bức xúc. Sau đó, ngày 5/4, chính công ty này đã khẳng định kết quả cuộc đấu giá 800.000 tấn quặng của Công ty vào ngày 21/4 sẽ bị hủy bỏ.

Thông tin mới nhất, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cục Cảnh sát kinh tế-C03, Bộ Công an) đã có văn bản gửi Tổng Công ty Thép Việt Nam về việc đề nghị cung cấp tài liệu để làm rõ.

Được biết, giám đốc của Công ty TNHH Khoáng sản và luyện Kim Việt – Trung là ông Nguyễn Tiến Dũng, người dính đến lùm xùm chuyển công tác 1 năm mới chuyển sinh hoạt Đảng.

Theo tài liệu mà PV Môi trường và Đô thị Việt Nam có được, ông Dũng từng giữ chức vụ Phó trưởng ban Tài chính Kế toán của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Tháng 7/2017, ông Dũng được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (VEIC). Tuy nhiên, đến tháng 7/2018, sau một năm, ông Dũng mới chuyển sinh hoạt Đảng về VEIC.

Ông Dũng từng giữ chức vụ Phó trưởng ban Tài chính Kế toán của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Ảnh: Báo NNVN.

Theo quy định tại Điểm 8.1, Mục 8, Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25/7/2016 của Ban chấp hành Trung ương về thi hành điều lệ Đảng thì: “Chi bộ xem xét đề nghị cấp ủy có thẩm quyền quyết định xóa tên trong danh sách đảng viên đối với các trường hợp sau: Đảng biên bỏ sinh hoạt Đảng hoặc không đóng Đảng phí 3 tháng trong năm mà không có lý do chính đáng…”.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc ông Dũng chậm chuyển sinh hoạt Đảng một năm đồng nghĩa với bỏ sinh hoạt Đảng trong thời gian đó. Vậy, tại sao đến tháng 7/2018, ông này vẫn được SCIC chuyển sinh hoạt Đảng sang VEIC.

Sáng 14/5, trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước cho biết: “Thông tin ông Dũng được biệt phái sang VEIC tháng 7 năm 2017 mà đến 7/2018 mới chuyển hồ sơ sinh hoạt Đảng là đúng. Tuy nhiên, đầu tiên chúng tôi định cử ông Dũng sang VEIC một thời gian ngắn rồi lại rút về”.

Ông Chi nói rằng, ông Dũng mặc dù công tác tại VEIC nhưng vẫn phải thực hiện song song công tác tại SCIC, vẫn phải thực hiện KPI của SCIC. SCIC vẫn phải trả lương và giao việc cho ông Dũng.

“Khi đó, ông Dũng có đơn báo cáo Bí thư chi bộ là cho phép sinh hoạt Đảng tại SCIC. Bí thư chi bộ SCIC đã đồng ý vì nghĩ rằng sẽ rút ông Dũng về SCIC sớm. Chúng tôi nghĩ ông Dũng biệt phái sang VEIC chỉ 3-6 tháng không ngờ lại lâu thế. Ông Dũng sinh hoạt Đảng ở SCIC là vì vẫn công tác tại đây chứ không phải sinh hoạt nhờ”, ông Chi nói.

Tiếp đó, sau 1 năm công tác tại VEIC, ông Dũng đã đề xuất chuyển sinh hoạt Đảng sang Tổng công ty này và SCIC cũng chủ động chuyển cho ông Dũng.

Đúng là câu chuyện lạ, trả lời như ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC như vậy là không trung thực, lấp liếm, bao biện cho những sai phạm của cả ông Dũng và người có trách nhiệm của SCIC. Việc SCIC cử cán bộ biệt phái là không giữ chức vụ và chuyển sang công tác, ăn lương ở đơn vị chuyển đến chứ không thể một người một lúc làm hai đơn vị được. Theo quy chế của SCIC, cán bộ biệt phái mà đơn vị cử đến công tác trả lương thấp hơn thì SCIC sẽ trả bù. Trong khi ông Dũng chỉ ăn lương duy nhất tại Tổng công ty VEIC kể từ tháng 7/2017.

Trước đó, ngày 21/4, tại Nhà văn hóa Tổ dân phố Tân Xuân 1 (P.Xuân Đỉnh, Q.Tây Hồ, Hà Nội), Công ty đấu giá hợp danh quốc gia đã tổ chức cuộc đấu giá lô hàng quặng sắt với khối lượng 800.000 tấn. Đây là lô quặng của Công ty TNHH khoáng sản và luyện kim Việt – Trung (VTM), một liên danh giữa các bên của Việt Nam với đối tác Trung Quốc, trong đó Tổng công ty thép VN góp 46,85% vốn. VTM cũng là doanh nghiệp (DN) nằm trong danh sách 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương, đang được Chính phủ tập trung chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn.

Ông Nguyễn Tiến Dũng là Tổng giám đốc VTM.

Điều đáng nói, tuy số lượng quặng mang ra đấu giá không hề ít, lên đến 800.000 tấn. Sau 3 vòng trả giá, Công ty cổ phần đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Việt Phát đã giành được quyền mua lô hàng với giá khoảng trên 400 tỉ đồng.

Mới đây, Tổng công ty thép Việt Nam – đơn vị nắm gần 47% cổ phần tại VTM cho hay, doanh nghiệp đã chỉ đạo người đại diện vốn của mình tại VTM thực hiện các quy trình cần thiết để hủy kết quả vụ đấu giá 800.000 tấn quặng nói trên.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin ở kỳ sau

Nhóm PV

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Nguồn Internet