Cần phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tổ chức liên quan đến tình trạng ô nhiễm trầm trọng tại lưu vực sông Đáy, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt, sức khỏe của người dân 6 tỉnh thành…
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, PGS. TS Bùi Thị An – nguyên Đại biểu Quốc Hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, khẳng định vấn đề ô nhiễm tại lưu vực sông Đáy đã đến giai đoạn “báo động đỏ”. Theo bà An, cốt lõi của vấn đề nằm ở việc các cơ quan chức năng chưa xử lý triệt để các nguồn xả thải hai bên bờ sông.
“Thực tế, việc ô nhiễm tại lưu vực sông Đáy đã được Chính phủ quan tâm từ rất lâu, bởi đây là một vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân 6 tỉnh thành”, bà Bùi Thị An nhấn mạnh.
Theo bà Bùi Thị An, từ năm 1997, Chính phủ đã thành lập một ban chỉ đạo để giải quyết vấn đề này. Nhưng cho đến nay, cac giải pháp vẫn chưa thực sự hiệu quả bởi cách thức tổ chức thực hiện còn chưa tốt, hay thậm chí nói thẳng là yếu kém.
Bà An cho rằng nên có một lãnh đạo trực tiếp đứng ra chỉ đạo, đôn đốc, phân rõ trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là các địa phương ở đầu nguồn: “Cần phải có phương thức chỉ đạo, giám sát cụ thể, thậm chí đưa nội dung cụ thể vào kế hoạch kinh tế hàng năm của từng địa phương, giao chỉ tiêu rõ ràng. Theo tôi cốt lõi vẫn là phải thu gom, xử lý triệt để các nguồn xả thải, nếu tổ chức, doanh nghiệp nào không tuân thủ thì sẽ có hình thức xử phạt”.
Cùng nói về vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) cho biết vấn đề ô nhiễm tại lưu vực sông Đáy đã có từ rất lâu. Theo ông Tùng, các cơ quan chức năng đã lập ra Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy. Qua nhiều cuộc họp, các tác nhân gây ô nhiễm đều đã được nêu ra, chủ yếu do nước thải sinh hoạt của Hà Nội, cũng như các cơ sở công nghiệp, làng nghề xả thẳng xuống dòng sông.
Những tác nhân trên đã biến lưu vực sông Nhuệ – Đáy trở thành dòng sông “chết”: “Nước bẩn quá làm cá chết, người dân vẫn phải lấy nước đó để tưới tiêu, thậm chí để sinh hoạt vì chẳng còn cách nào khác ”, ông Tùng cho biết.
Theo ông Tùng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã họp rất nhiều với các địa phương nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp nào thực sự mạnh để giải quyết nguồn thải. Một vấn đề nữa là quy hoạch sử dụng nước của hai dòng sông này cũng chưa rõ. Phân tích thêm, theo ông Tùng cho biết theo thống kê, tác nhân gây ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ – Đáy chiếm 60% là do nước thải sinh hoạt. Đây không chỉ là trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp & PTNT và còn có trách nhiệm của Thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội.
Được biết, năm 2010, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 4927 phê duyệt “Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, TP Hà Nội”, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư.
Đến nay, ngoài những vướng mắc do điều kiện khách quan trong quá trình thi công, thì nhiều hạng mục công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Do để, để “cứu” sông Đáy, đơn vị thi công là Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh đã có văn bản đề xuất cho mở thông nước từ sông Đà vào sông Tích tiếp cho sông Đáy để phục vụ TP Hà Nội, tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình. Liên quan đến đề xuất này, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 1048 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND TP Hà Nội “khẩn trương nghiên cứu, giải quyết kiến nghị” của đơn vị thi công, đồng thời “xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện “Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, TP Hà Nội” đảm bảo đúng pháp luật và đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư dự án, góp phần cải thiện môi trường nước sông Tích, sông Đáy…
Mặc dù Phó Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo như vậy, nhưng thực tế, các vướng mắc của dự án hiện nay vẫn chưa được tháo gỡ. Vì thiếu sự quyết liệt, phối hợp của các đơn vị liên quan nên nhiều hạng mục công trình bị đình trệ, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, chậm tiến độ thông dòng mà người dân có quyền được hưởng nguồn nước sạch và môi trường sạch. Trong khi đó, do nguồn nước sông Đáy vẫn ngày một ô nhiễm nghiêm trọng nên người dân tại Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình hàng ngày vẫn phải sống chung với dòng nước đục bẩn, bốc mùi hôi thối, đối diện với nguy cơ bệnh tật và tương lai có thể sẽ xuất hiện những “làng ung thư” hai bên dòng sông này.
PGS, TS Bùi Thị An khẳng định, có thể nhận thấy việc thực thi chỉ đạo của Chính phủ là chưa đạt hiệu quả khi mà tình trạng ô nhiễm lại theo chiều hướng nghiêm trọng hơn. “Người dân ở hạ nguồn ở các tỉnh như Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình đang phải gánh chịu từng ngày, từng giờ. Nước bẩn, ô nhiễm sẽ dẫn đến bệnh tật, không chỉ những bệnh ngoài da thông thường và còn cả những căn bệnh nghiêm trọng khác. Nguồn nước ô nhiễm khi tưới tiêu cho cây trồng cũng dẫn đến việc mất mùa, canh tác kém hiệu quả… Hơn nữa, việc ô nhiễm cũng ảnh hưởng trực tiếp tới việc quy hoạch, phát triển hạ tầng dọc sông… Như vậy có thể thấy, tình trạng ô nhiễm sông Đáy dẫn đến những hậu quả khôn lường và rất nghiêm trọng”, bà An cho biết.
Theo bà An, để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm của sông Đáy thì cần phải coi đây là vấn đề “nóng”, vô cùng cấp bách. Cần xem xét trách nhiệm cá nhân và Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt các địa phương có biện pháp xử lý, chế tài xử lý cụ thể.
UBND TP Hà Nội cũng cần phải quyết liệt vào cuộc làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của chủ đầu tư. Nếu có sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh người đứng đầu để làm gương, nhanh chóng đưa nước sông Đà “hòa” vào sông Đáy để giảm thiểu nguồn nước ô nhiễm, sớm đem lại cuộc sống trong lành và bình an cho người dân sống quanh dòng sông hiền hòa này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh vấn đề này…
Hiếu Nguyễn – Tạp chí ĐS&PL
Theo Đời sống & Pháp luật
Ảnh: Rác thải tràn ngâp hai bên bờ sông Nhuệ.
Xem bài viết gốc tại đây: