Chuẩn bị sản xuất lúa vụ đông xuân

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, từ đêm 27 đến 29-1, các tỉnh Bắc Bộ có mưa nhỏ vài nơi, trời rét, nhiệt độ cao nhất 17 đến 20oC (riêng Ðiện Biên và Lai Châu 22 đến 25oC), nhiệt độ thấp nhất 11 đến 14oC. Khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa vài nơi (riêng các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa rải rác), nhiệt độ cao nhất 17 đến 20oC, nhiệt độ thấp nhất 14 đến 17oC, trời rét. Khu vực Nam Bộ, đêm không mưa, ngày nắng; nhiệt độ cao nhất 32 đến 34oC; nhiệt độ thấp nhất 21 đến 24oC.

* Ngày 27-1, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên cho biết, các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra trong dịp Tết Nguyên đán, đồng thời tiếp tục thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại cụ thể để có phương án xử lý kịp thời. Trước đó (trong ngày 24 và 25-1) tại các huyện Ðại Từ, Võ Nhai, Ðịnh Hóa, TP Thái Nguyên đã xảy ra mưa vừa đến mưa to, một số nơi xuất hiện mưa đá, dông sét và gió mạnh, làm 185 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng…

* Sau Tết, nông dân các tỉnh khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ chuẩn bị lấy nước đợt hai (bắt đầu từ ngày 5-2) để phục vụ khoảng 250 nghìn ha lúa đông xuân. Theo Tổng cục trưởng Thủy lợi, đợt hai lấy nước sẽ thực hiện trong tám ngày (từ ngày 5-2 đến 12-2). Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) sẽ tăng cường phát điện trước khoảng hai đến ba ngày. Ðây là đợt lấy nước chính, dòng chảy duy trì ở mức cao nên các công trình thủy lợi sẽ có điều kiện thuận lợi để lấy nước. Dự kiến, kết thúc đợt hai, hầu hết các địa phương sẽ cơ bản hoàn thành kế hoạch lấy nước. Trường hợp tiến độ lấy nước vượt dự kiến, đợt hai có thể được xem xét điều chỉnh linh hoạt.

* Tổng cục Thủy lợi cho biết, kết thúc đợt một lấy nước, diện tích có nước ở các tỉnh khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ là 286.100 ha, đạt 54% diện tích gieo cấy, cao hơn kế hoạch từ 15 đến 25% (cao hơn khoảng 20 đến 30% so với một số năm gần đây và tương đương năm 2019). Việc vượt tiến độ lấy nước đợt một sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành sớm kế hoạch lấy nước chung của toàn vùng.

* Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông xuân năm nay khó khăn rất lớn, do dung tích nước ba hồ chứa lớn thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang thiếu hụt từ 40 đến 60% so với trung bình nhiều năm. Do vậy, tại các khu vực khó khăn về nguồn nước, các địa phương đã chủ động chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa sang cây trồng cạn như ở Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ… qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất vụ đông xuân.

* Hiện nay, để chủ động nguồn nước phục vụ hơn 48.000 ha trà lúa đông xuân các lứa, tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc mở và vận hành cống để đưa nước ngọt vào các trục kênh nội đồng phục vụ nông dân bơm tát. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền để người dân không tiếp tục xuống giống trà lúa vụ ba, do năm nay, được dự báo sẽ hạn gay gắt và nước mặn xâm nhập sâu vào các vùng nội đồng.

* Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Bình, đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 400 ha mạ được gieo. Mưa lớn kèm dông lốc xảy ra vừa qua ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích mạ đã gieo. Ngành nông n ghiệp tỉnh chỉ đạo các địa phương tích cực xuống giống, bảo vệ diện tích mạ đã được gieo để bảo đảm sản xuất vụ xuân đúng thời vụ.

* Ngày 27-1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, toàn tỉnh đã có 11 huyện và 377 xã đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), dịch bệnh không tái phát và 51 xã đã qua 30 ngày không phát sinh lợn ốm chết do DTLCP nên đang làm thủ tục công bố hết dịch. Như vậy, hiện nay tỉnh còn 29 xã thuộc 16 huyện có DTLCP chưa qua 30 ngày.

Theo Nhân Dân

Ảnh: Làm đất gieo cấy lúa vụ đông xuân tại Hợp tác xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm (Hà Nam). Ảnh: MẠNH HÙNG

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/43057002-chuan-bi-san-xuat-lua-vu-dong-xuan.html