Chu Giang: Giải mã Nguyễn Nhật Ánh – Kỳ 1

Trong mấy chục năm qua Nguyễn Nhật Ánh nổi lên như một tác giả huyền thoại văn học thiếu nhi.

Có năm cho ra ba, bốn tác phẩm. Cuốn Cây chuối non đi giày xanh, in lần đầu tới 150.000 bản. Cuốn Bảy bước tới mùa hè đã in tới lần thứ 9. Tôi là Bêtô in tới lần thứ 23. Cô gái đến từ hôm qua in tới lần thứ 28. Rất nhiều giải thưởng và nhiều tác phẩm chuyển thể thành phim. Rất nhiều lời ngợi ca hết cỡ như của GS. Phong Lê, nhà văn Lê Minh Khuê, Phạm Xuân Nguyên; được Quĩ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) tài trợ cho một công trình nghiên cứu của PGS.TS Lã Thị Bắc Lý cũng với nội dung khen ngợi hết lời. Được bầu chọn là nhà văn yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1985) và 30 năm (1975-2005). Vừa rồi, trong tháng 11-2018, cuốn sách mới của Nguyễn Nhật Ánh Cảm ơn người lớn được quảng bá rầm rộ và còn phát hành ra cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Nếu tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh tương xứng với giá trị tôn vinh – danh bất hư truyền – sẽ là một thành tựu lớn lao của văn học thiếu nhi Việt Nam đương đại và cũng là của lý luận – phê bình về văn học thiếu nhi đương đại – của việc đánh giá – bình xét – tôn vinh – trao tặng giải thưởng, một mặt khác, rất quan trọng của lý luận – phê bình.

Nếu ngược lại, hữu danh vô thực, hay còn xộc xệch, giá trị thực dao động xung quanh tỉ lệ 50/50, 80/20 hoặc 30-20/70-80… sẽ là một vấn đề nghiêm trọng, rất nghiêm trọng; thậm chí cực kỳ nghiêm trọng về lý luận – phê bình văn học thiếu nhi, về xét tặng và tôn vinh tác giả, tác phẩm và cuối cùng, cơ bản, quyết định nhất là biên tập – xuất bản tác phẩm văn học thiếu nhi nói riêng và văn học – nghệ thuật nói chung.

Trong bối cảnh đó, tập tiểu luận – phê bình Suy ngẫm về chức năng giáo dục trong 8 truyện thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh – NXB Thuận HóA, Huế – 2018 – Phùng Thanh Vân – là một phản biện kịch liệt, quyết liệt, là lật ra mặt trái của tấm bằng giải thưởng (Huy chương, như thường nói), mà nói cho trung tính, là Giải mã tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh – cũng tức là Giải mã Nguyễn Nhật Ánh.

Vì vậy phải xem xét nghiêm túc các luận điểm và luận cứ của Phùng Thanh Vân, tác giả tập tiểu luận – phê bình nói trên.

Phùng Thanh Vân sinh năm 1940, quê gốc Hà Nam, định cư ở Yên Định – Thanh Hóa từ ngày còn thơ. Hiện ở quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Nguyên là giáo viên Tiểu học. Rất yêu thích văn học thiếu nhi. Đã xuất bản 7 tập truyện về thiếu nhi (từ 1973 đến 2017). Đã học khóa 7 – Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Đồng môn với các nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, Nguyễn Quang Hà, Thạch Quỳ, Đỗ Bảo Châu… Như thế, Phùng Thanh Vân không phải là ngoại đạo với văn học thiếu nhi. Và tên sách của ông là có cơ sở trải nghiệm của một nhà giáo trực tiếp giảng dạy cho học sinh ở lứa tuổi thiếu niên. Cũng là một phần để tin tưởng vào các luận điểm và luận cứ của Phùng Thanh Vân.

Có thể tóm tắt luận điểm của Phùng Thanh Vân về 8 truyện của Nguyễn Nhật Ánh như sau:

– Phản văn hóa.

– Phản nhân văn.

– Phản giáo dục.

– Vô luân vô đạo.

Văn hóa và Nhân văn có nội hàm khác nhau nhưng trong lĩnh vực văn học và giáo dục có thể gọi chung là văn hóa nhân văn hay văn hóa giáo dục. Văn hóa nhân văn là xây dựng, khẳng định những phẩm chất người và truyền cho nhau (cùng thời) hay truyền lại cho các thế hệ kế tiếp. Đây gọi là chức năng giáo dục và nhà trường – nhất là nhà trường cấp sơ học, tiểu học có vai trò quyết định. Trẻ em ở giai đoạn này chủ yếu là tiếp nhận thế giới xung quanh, về mọi phương diện. Do đó phương pháp chủ yếu để nuôi dạy trẻ thơ là nêu gương, làm mẫu cho các em tiếp nhận, noi theo (thường gọi là bắt chước). Toàn bộ phương pháp này nằm ở 2 câu tục ngữ:

– Bé không vin cả gãy cành.

– Gần mực thì đen gần đèn thì rạng.

Một lời nói, một việc làm, miếng ăn, tấm mặc trao cho trẻ không đúng, không mang tính văn hóa nhân văn hay văn hóa giáo dục sẽ mang hậu quả xấu, có thể lập tức, có thể chậm, kéo dài.

Lý thuyết như thế. Nhưng thực tiễn vô cùng.

Truyện của Nguyễn Nhật Ánh chỉ đưa ra những mẫu mực, hình ảnh, tiền lệ rất xấu, phản nhân văn, phản đạo đức và luân lý. Tác giả Phùng Thanh Vân đã dẫn chứng và phân tích cặn kẽ nhiều trường hợp. Dưới đây là một số tiêu biểu:

Trong truyện Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ: Cu Mùi, nhân vật chính trong truyện, mới 8 tuổiđã nhận xét “cuộc sống thật là buồn chán và tẻ nhạt” (Suy ngẫm… Sđd. Trg.12). Từ trường về nhà chỉ thấy là “rời khỏi một nhà giam này để đến một nhà giam khác, y như người ta chuyển trại cho các tù nhân, có gì hay ho đâu” (Sđd. Trg.16). Mùi và các bạn chơi trò đóng làm ba và mẹ. “Ba” Mùi dạy con thế này: – Không học bài làm bài gì hết. Con ngoan là phải chạy nhảy, trèo cây, tắm sông, đánh lộn… Đánh nhau mà không rách áo, trầy chân, bầm mặt mà cũng gọi là đánh nhau… Sách vở không cần giữ gìn… Giờ ăn cơm thì phải đi chơi, đi bơi, đi bi-da, đi câu cá hoặc đánh nhau… nghĩa là làm mọi chuyện để người khác phải đợi cơm trừ cái việc hết sức vô văn hóa là ngồi vô ăn (Sđd. Trg.21). Còn “mẹ” thì dạy để con không thèm nghe theo bản cửu chương 2×4 = 8, mà con sẽ không nghe theo bất cứ ai nữa, dù đó là bản cửu chương hay thầy cô giáo (Sđd. Trg.22). Và điều đó được “coi như tuyên bố chung của cả bọn, kết thúc một thời kỳ tăm tối chỉ biết dựa vào sự bảo ban của người khác. Ôi, cuộc sống kể từ lúc đó mới thật là đáng sống làm sao!” (Sđd. Trg. 22).

Đến đây cũng đủ hiểu được tư tưởng của Nguyễn Nhật Ánh. Nếu thế thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem lại chương trình Đạo dức và Giáo dục công dân ở các bậc học TH CS và THPT. Chỉ còn Mầm non – Mẫu giáo với chức năng giữ trẻ, và Đại học để Đào tạo nguồn nhân lực. Nhưng Đại học sẽ tuyển sinh từ đâu? Từ đám vị thành niên vô học, vô lễ, vô đạo, từ đám bụi đời hay sao? Đây là câu hỏi mà Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, Tổng đội phụ trách thiếu niên của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, của Ủy ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em, của Hội Liên hiệp Phụ nữ, của hàng triệu bà mẹ trong đó có những người đã trót mua và đọc truyện Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ cần phải đặt ra đối với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và NXB Trẻ và Hội đồng Giải thưởng Văn học ASEAN 2010? Cái giải thưởng này có khi cũng giống các giải thưởng ở nước ngoài tặng cho Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp và Nỗi buồn chiến tranh hay Bên thắng cuộc!

Đến truyện Tôi là Bêtô. Cuốn này đã in 23 lần. Giáo sư Phong Lê khen “Đã lâu lắm, tôi lại mới được đọc một truyện thú như thế”. Còn Phạm Xuân Nguyên thốt lên tự nhận: Tôi là Bêtô (Suy ngẫm… Sđd. Trg.62).

Bêtô là một con chó cảnh của nhà chị Ni, nó có đủ nết hư tật xấu rất quái đản: “… xé rách 8 quyển tập, 12 quyển sách, làm hỏng 4 chiếc đồng hồ, 5 đôi giày, 6 đôi dép, làm biến mất hàng chục đôi vớ…; biến chiếc điện thoại của ba chị Ni là thứ rất thích hợp vứt vào thùng rác…”.

Là con chó nhưng Bêtô triết lý như con người rất chính trị: “Còn ở tuổi hắn (chó bạn) và của tôi nữa, muốn gì là làm ngay (…). Đó không chỉ là tính cách của tuổi trẻ mà còn là phẩm chất của các Nhà thơ và các Nhà cách mạng ! (Sđd. Trg.57).

Con chó – Nhà thơ – Nhà cách mạng đều… muốn gì là làm ngay. Phải chăng Phong Lê, Phạm Xuân Nguyên đều thú vị ở đây!

Và truyện nữa về tuổi trẻ học đường: Cô gái đến từ hôm qua, in đến 28 lần. Đây là chuyện về một cậu “Sở Khanh” hay “Đông Joăng” choai choai tuổi học trò. Mọi suy nghĩ hành động chỉ nhằm ve vãn các bạn gái, không hơn không kém. Và rất vũ phu, thô bạo. Trẻ choai choai đọc truyện này dĩ nhiên là rất thích, tuổi chớm yêu mà! Nhưng đấy là cái thích đi đến chỗ tan nát tuổi trẻ học đường, tan nát cuộc đời.

Về đề tài này, cũng cần nói đến truyện Ngày xưa có một chuyện tình, dày 342 trang, in 20.000 cuốn, năm 2017: một chuyện tình tay ba của các cô cậu học sinh. Cuối cùng thì cô gái ngây thơ đã có chửa, cha của cái thai cao chạy xa bay… Cách viết có thể là rất hay đối với một người nước ngoài. Nhưng việc chính của học sinh là đi học, là học. Tình bạn dù đẹp, hay đến đâu cũng phải đặt sau việc học. Ba nhân vật trong truyện này, khi cô nữ sinh thành người mẹ trẻ… thì sự học của ba cô cậu, sự nuôi nấng chờ đợi của ba gia đình, sự giáo dục của nhà trường, của các thầy cô giáo… sẽ thành ra cái gì???

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết: “… Nếu đã tin cậy, trẻ em sẵn lòng nghe nhà văn kể bất cứ câu chuyện gì” (Sđd. Trg.113).

Vấn đề là nhà văn phải kể câu chuyện gì để nuôi dưỡng tâm hồn các em sao cho trong sáng tươi đẹp chứ không phải như cu Mùi, như chó Bêtô, như “Sở Khanh” và “Thị Mầu” choai choai.

Và chúng tôi tán thành với luận giải của tác giả Phùng Thanh Vân: “Trẻ em hồn nhiên, ngây thơ như thế đó. Xin đừng lạm dụng sự ngây thơ, sự hồn nhiên của trẻ em mà kể bất cứ chuyện gì khi câu chuyện đó không góp phần thúc đẩy sự tiến lên của lớp trẻ mà ngược lại, câu chuyện đó còn kìm hãm sự phát triển lành mạnh của lớp trẻ; biến lớp trẻ thành tín đồ của thần tình ái, thành những kẻ vô dụng, lười nhác, chỉ thích nghịch ngợm, đánh nhau; không chịu học hành; còn nhỏ mà đã chán đời…” (Sđd. Trg.114).

Trong Lời giới thiệu, nhà văn Vũ Hạnh nhận xét: “Tôi thật không ngờ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh lại có quá nhiều sự quái gở như thế…” (Sđd. Trg.7).

Một sự quái gở được lên ngôi. Nhiều sự quái gở được lên ngôi. Tại sao thế? Chúng tôi sẽ giải mã tiếp.

Bệnh viện Hữu Nghị – Hà Nội (7-11-2018)

Theo Môi trường & Đô Thị Việt Nam. 

Ảnh: minh họa