Chủ động triển khai giải pháp chống hạn, xâm nhập mặn

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô, các địa phương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chủ động triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó, nhằm đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Hạn, mặn diễn biến phức tạp

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tình trạng xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng Nam bộ đang ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, cao hơn năm 2018. Độ mặn cao nhất trên các sông ở Nam bộ phổ biến xuất hiện trong tháng 3. Riêng hệ thống sông Vàm Cỏ và vùng bán đảo Cà Mau – Kiên Giang, độ mặn cao nhất xuất hiện vào tháng 5.

Tại An Giang, tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn đang diễn ra phức tạp, đe dọa khoảng 254.000ha lúa Đông Xuân. Hiện nước mặn đã lấn sâu vào nội đồng, chủ yếu tại 2 huyện Thoại Sơn và Tri Tôn. Trong khi đó, khu vực bị ảnh hưởng của khô hạn tập trung chủ yếu ở các xã vùng cao của huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, có khả năng thiếu nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, với diện tích khoảng 7.000ha.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, nhằm kịp thời chống hạn cho vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu năm 2019, ngành Nông nghiệp tỉnh kết hợp với các địa phương cùng Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang, chủ động lập kế hoạch triển khai chống hạn và tình trạng xâm nhập mặn, nhằm bảo vệ sản xuất đối với diện tích gieo trồng lúa và hoa màu.

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có 146 công trình kênh mương gặp khó khăn về nguồn nước do mực nước xuống thấp. Theo “kịch bản”, tỉnh sẽ triển khai đắp 20 đập tạm để dự phòng ở huyện Thoại Sơn và Tri Tôn, nếu bị xâm nhập mặn sâu vào nội đồng từ các nhánh sông giáp với tỉnh Kiên Giang, để bảo vệ cho gần 7.500ha sản xuất nông nghiệp. Riêng 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên, dự kiến bơm nước cho khoảng hơn 4.250ha lúa khi xảy ra khô hạn.

Tại Hậu Giang, độ mặn được dự báo đang tăng cao bất thường chỉ trong thời gian ngắn. Theo đó, độ mặn đo được ở cống Kênh Lầu, cống Ba Cô… đang ở mức từ 5,9-7,5‰. So với cùng kỳ, độ mặn năm nay cao hơn từ 3-4‰ và tăng cao đột ngột, thậm chí có những ngày độ mặn chênh lệch so với hôm trước đến 2‰.

Nhằm hạn chế xâm nhập mặn gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống người dân, tỉnh Hậu Giang thực hiện đắp mới và nâng cấp, sửa chữa 120 cống đập thời vụ; nạo vét 71 kênh cấp 2, cấp 3 để trữ nước ngọt ở những vùng bị hạn, xâm nhập mặn, tổng kinh phí thực hiện khoảng 67,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngành Thủy lợi tỉnh cũng chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra nồng độ mặn và hệ thống cống đập để phát hiện kịp thời, khắc phục các sự cố nước mặn rò rỉ hoặc tràn từ các sông lớn vào các kênh, rạch. Tại các trạm sẽ tiến hành quan trắc độ mặn 2 lần một ngày để có kế hoạch đóng, mở cống hợp lý, đảm bảo lưu thông đường thủy của người dân cũng như trữ được nước ngọt phục vụ cho sản xuất.

Đảm bảo nước sản xuất nông nghiệp

Theo Chi cục Thủy lợi Kiên Giang, lưu vực sông Mê Kông đang ở thời kỳ mùa khô năm 2019. Hiện trữ lượng nước Biển Hồ (Campuchia) đã xuống ở mức thấp và dòng chảy về đồng bằng ở mức hạn chế. Trong khi đây là những yếu tố thượng lưu quan trọng, ảnh hưởng đến nguồn nước và xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL. Mực nước nội đồng từ tháng 12/2018 đến nay hầu hết ở mức thấp hơn cùng kỳ từ 5-25cm. Có thời điểm mực nước tại vùng Tây sông Hậu xuống rất thấp, gần mức thấp nhất của tháng 1 và 2/2016 (thời điểm khô hạn rất khốc liệt).

Trước tình hình khô hạn và xâm nhập mặn, ngay từ đầu mùa khô, tỉnh Kiên Giang đã chủ động đóng các cống ngăn mặn trên tuyến đê ven biển; triển khai đắp đập tạm trên kênh Rạch Giá – Hà Tiên tại xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp; đồng thời đắp đập tạm trên kênh Nhánh (TP Rạch Giá), kết hợp vận hành cống Sông Kiên, Kênh Cụt, đảm bảo ngăn mặn.

Ngoài ra, để đảm bảo đủ nguồn nước ngọt phục vụ cho xuống giống vụ Hè Thu 2019, ngành Nông nghiệp tỉnh Kiên Giang và An Giang đã tính toán lịch thời vụ xuống giống xen kẽ giữa 2 tỉnh, luân phiên lấy nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, nhằm tránh tình trạng khai thác cùng lúc sẽ khiến nước trên các sông xuống mức quá thấp.

Còn tại Vĩnh Long, ngay từ cuối năm 2018, tỉnh đã có kế hoạch ngăn mặn, cấp nước tưới cho hơn 30.000ha lúa Hè Thu và hơn 3.200ha rau màu ở các huyện bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn như Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít. Đồng thời, chú trọng cấp nước sinh hoạt cho hơn 62.000 hộ ở nông thôn hiện chưa có nước máy sử dụng và các hộ ở trong nội đồng, xa kênh rạch lớn, hiện đang gặp khó khăn do nguồn nước bị cạn kiệt, nhiễm mặn.

Theo ông Hà Thành Thặng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Vĩnh Long, tỉnh đã dự phòng 3 “kịch bản” chống hạn và xâm nhập mặn, với cấp độ ảnh hưởng tăng dần cùng các giải pháp ứng phó. Trong đó, sẽ xử lý 78 công trình thủy lợi, hỗ trợ bơm tát với kinh phí khoảng 53 tỷ đồng. Tổng vốn cần có để thực hiện kế hoạch chống hạn hán, xâm nhập mặn toàn tỉnh ước tính khoảng 115 tỷ đồng.

Tại một số địa phương khác ở khu vực ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh… cũng đã xuất hiện tình trạng mặn bắt đầu xâm nhập vào một số kênh, rạch. Riêng tại huyện Càng Long và Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, độ mặn đo được một số trạm đã tăng lên đến 2‰.

Ông Lê Quang Răng, quyền Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Trà Vinh cho biết, toàn tỉnh đang tập trung nạo vét hệ thống kênh chính cấp 2, thường xuyên kiểm tra, vận hành chặt chẽ các cửa cống. Đối với vùng canh tác cây ăn trái như Càng Long, Cầu Kè, chủ yếu cải tạo, nạo vét kênh cấp 2 tạo nguồn dẫn nước. Còn tại các khu vực ven biển như Duyên Hải, Cầu Ngang thì chủ động ứng phó, nhằm đảm bảo nguồn nước cho tưới tiêu nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Cảnh Nhật – Báo Thanh Tra

Theo Thanh Tra

Ảnh: Khô hạn, xâm nhập mặn tại ĐBSCL diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Ảnh: CN

Xem bài viết gốc tại đây:

http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/moi-truong/chu-dong-trien-khai-giai-phap-chong-han-xam-nhap-man_t114c1143n146150