Chống ùn tắc tại Hà Nội: Dời cây, xén dải phân cách hàng loạt tuyến đường

Sở Giao thông – Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết từ nay đến Tết Nguyên đán 2019 sẽ hoàn thiện việc xén dải phân cách giữa đường và vỉa hè để mở rộng 4 tuyến đường nhằm giải quyết ùn tắc giao thông với tổng kinh phí hơn 125 tỷ đồng.

Nỗ lực giảm ùn tắc giao thông

Trao đổi với Báo GD&TĐ, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có xén dải phân cáchmở rộng mặt đường trên một số tuyến phố như Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh. Kết quả bước đầu đã khắc phục được tình trạng ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm. Mới đây, UBND thành phố đã cho phép triển khai thực hiện xén dải phân cách trên nhiều tuyến phố, trong đó có tuyến đường vành đai 2 và 3.

Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội sẽ cho xén dải phân cách, mở rộng mặt đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm và quận Cầu Giấy). Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 3,22 km, điểm đầu tại nút giao Trần Duy Hưng – Khuất Duy Tiến; điểm cuối tại nút giao Mai Dịch. Trên cơ sở mặt bằng hiện trạng, xén dải phân cách giữa mở rộng mặt đường, đảm bảo phần xe chạy mỗi hướng chiều rộng khoảng 17 m với tổng mức đầu tư hơn 24 tỷ đồng.

Dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân có chiều dài 1,895km, điểm đầu tuyến tại nút giao Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi; điểm cuối tuyến tại nút giao Khuất Duy Tiến – Trần Duy Hưng. Theo đó, dải phân cách giữa sẽ bị xén đều mỗi bên từ 1 – 5 m để bảo đảm bề rộng phần xe chạy mỗi hướng rộng từ 12 – 20 m.

Cùng với đó, dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường Nghiêm Xuân Yên – Nguyễn Xiển, huyện Thanh Trì, quận Thanh Xuân có tổng chiều dài hơn 3,16km; điểm đầu tuyến thuộc Cầu Dậu, điểm cuối tuyến thuộc nút giao Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi. Tổng mức đầu tư hơn 27 tỷ đồng. Sau khi xén, bề rộng phần xe chạy mỗi hướng sẽ rộng khoảng 17m, chiều rộng dải phân cách là 18m.

Dự án xén hè mở rộng mặt đường trên tuyến đường vành đai 2 đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở, tổng chiều dài là 4km; điểm đầu tuyến là Cầu Giấy; điểm cuối tuyến là Ngã Tư Sở. Hè bên phải tuyến từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở sẽ được xén để mở rộng mặt đường thêm trung bình 3,5m; xây mới mặt đường bê tông nhựa rộng 4m cho người đi bộ, đi xe đạp kết hợp với lan can đặt trực tiếp trên tường chắn bê tông cốt thép sát mép bờ sông Tô Lịch.

Để thực hiện dự án này, sẽ phải di chuyển 476 cây xanh các loại, trong đó dịch chuyển 371 cây, chặt hạ 105 cây (cây chặt hạ là những cây sâu, rỗng thân, nghiêng, cong queo phát triển không bình thường hoặc cây đã chết), với tổng mức đầu tư hơn 64 tỷ đồng.

Hiện tại, cả 4 dự án xén dải phân cách, vỉa hè để mở rộng đường vành đai 2, vành đai 3 đều đã được thi công đồng loạt.

Việc xén dải phân cách giữa đường Nguyễn Chí Thanh trước đó đã đem lại hiệu quả trong việc chống ùn tắc

Bảo đảm cảnh quan

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, một trong những vấn đề nóng của Hà Nội là ùn tắc giao thông trong đó có một số nguyên nhân như phương tiện giao thông tăng quá nhanh, ý thức người tham gia giao thông, thiếu hệ thống mạng lưới đường. Thông thường một đô thị phải dành 20 đến 25% diện tích đất tự nhiên cho giao thông nhưng tỉ lệ này của Hà Nội chỉ đạt được khoảng 10%.

Mặc dù Hà Nội đã rất cố gắng trong việc giải tỏa áp lực giao thông như mở đường trên cao, hoàn thiện các mạng đường… nhưng ùn tắc vẫn xảy ra thường xuyên và có dấu hiệu ngày càng trầm trọng. Một trong số giải pháp cho tình trạng này là cải tạo lại các trục đường cũ trong đó có việc tổ chức lại luồng giao thông trên các trục đường chính, các trục xuyên tâm nối vào trung tâm thành phố. Đây là một yêu cầu, thực tiễn mà có khả năng giải quyết được.

Bà Trần Thị Lan trú tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) cho rằng, việc mở rộng đường vành đai 3 là cần thiết, bởi thời gian qua tình trạng ùn tắc triền miên không kể giờ cao điểm diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Hoan nghênh giải pháp cắt xén dải phân cách để giải quyết “vấn nạn” ùn tắc giao thông, song nhiều người cũng cho rằng, việc duy trì dải phân cách một cách hợp lý không chỉ tạo luồng giao thông thuận lợi, mà còn liên quan đến cảnh quan môi trường, nhất là việc trồng cây xanh, thảm cỏ, bù đắp cho những khu vực đã bị giải tỏa phục vụ giao thông.

Đăng Chung – Báo GD&TĐ

Theo Giáo dục & Thời đại

Ảnh: Cơ quan chức năng dự kiến xén dải phân cách hơn 8 km với chi phí khoảng 100 tỷ đồng và hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2019

Xem bài viết gốc tại đây:

https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/chong-un-tac-tai-ha-noi-doi-cay-xen-dai-phan-cach-hang-loat-tuyen-duong-3973995-b.html