Trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa toàn cầu, một câu hỏi đặt ra đó là: Nên lựa chọn giải pháp phát triển các loại nhựa tự phân huỷ hay nên cắt giảm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhựa?
Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Communications cho biết các nhà khoa học đã phát triển thành công loại nhựa tự phân hủy mới, được kỳ vọng sẽ giảm thiểu ô nhiễm nhựa một cách đáng kể. Tuy nhiên không phải ai cũng tin tưởng vào giải pháp này.
Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại nhựa có khả năng tự phân hủy bằng cách kết hợp các bào tử của vi khuẩn ăn nhựa. Các bào tử này sẽ tồn tại dưới dạng không hoạt động trong suốt quá trình sử dụng sản phẩm, nhưng sẽ bắt đầu phân hủy sản phẩm khi tiếp xúc với chất dinh dưỡng trong phân compost.
Theo nghiên cứu, các bào tử của vi khuẩn ăn nhựa không chỉ giúp giảm ô nhiễm mà nó còn có thể giúp kéo dài tuổi thọ của nhựa. Jon Pokorski, đồng tác giả của nghiên cứu, nhấn mạnh: “Quy trình của chúng tôi giúp vật liệu bền vững hơn, do đó kéo dài tuổi thọ sử dụng của nó. Và khi hết hạn sử dụng, chúng tôi có thể loại bỏ nó khỏi môi trường, bất kể nó được thải bỏ như thế nào”.
Mặc dù loại nhựa này hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu phòng thí nghiệm, nhưng có thể sẽ xuất hiện trên thị trường trong vài năm tới, nhờ sự hỗ trợ của các nhà sản xuất.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin tưởng vào khả năng của các vật liệu thay thế phân hủy sinh học cho nhựa thông thường. Một số nhà khoa học cho rằng tốt nhất là giảm lượng nhựa sử dụng ngay từ đầu.
Giáo sư Steve Fletcher từ Đại học Portsmouth chia sẻ trên BBC News: “Cần phải thận trọng với các giải pháp tiềm năng thuộc loại này, vì chúng có thể khiến người ta suy luận rằng chúng ta nên lo lắng ít hơn về ô nhiễm nhựa do bất kỳ loại nhựa nào rò rỉ ra môi trường cũng sẽ nhanh chóng phân hủy an toàn. Tuy nhiên, đối với phần lớn các loại nhựa, điều này không đúng”.
Các cuộc đàm phán gần đây nhất của Liên Hiệp Quốc về hiệp ước nhựa trong tương lai vừa kết thúc tại Canada, nhằm đạt được một thỏa thuận toàn cầu về giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa.
Giám đốc Viện Cách mạng nhựa tại Đại học Portsmouth – Giáo sư Steve Fletcher khẳng định, cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa là thống nhất các biện pháp cắt giảm sản xuất nhựa mang tính ràng buộc pháp lý trên toàn cầu.
Thiết nghĩ, cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa đòi hỏi sự kết hợp giữa việc phát triển công nghệ và áp dụng biện pháp pháp lý mạnh mẽ. Chúng ta cần đảm bảo rằng các giải pháp được đưa ra không chỉ mang lại hiệu quả ngắn hạn mà còn giải quyết được vấn đề ô nhiễm nhựa một cách bền vững và toàn diện.
Trên hành trình này, sự kết hợp giữa tiến bộ và thận trọng sẽ là chìa khóa để chúng ta có thể đạt được một môi trường sạch sẽ và bền vững cho thế hệ tương lai.
Ngọc Hà
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Rác thải nhựa đang “bủa vây” các đại dương trên toàn cầu. Ảnh: ITN