Diễn biến ngập nước ngày càng trầm trọng, hãy thẳng thắn nhìn nhận đúng thực tế và sớm có những giải pháp hữu hiệu. Dưới đây là góp ý nhân đọc loạt bài Lấn kênh, chiếm rạch ở TP HCM trên Báo Người Lao Động.
TP HCM đã chi số tiền rất lớn cho chống ngập, xây dựng mới hệ thống cống thoát nước, cải tạo và nâng cao mặt đường. Hàng loạt dự án đã được triển khai nhưng chưa mang lại hiệu quả xứng tầm với số vốn đầu tư đã chi ra, thậm chí ngày càng ngập nặng hơn.
Làm cống thay rạch: Ngập nặng hơn
Mới đây, Sở Xây dựng cho biết để hoàn thành 9 dự án chống ngập, nước thải và dứt điểm 18 tuyến đường ngập nước trong giai đoạn 2021-2025, cần hơn 101.000 tỉ đồng.
TP HCM có địa hình thuận lợi cho thoát nước với hệ thống gần 3.000 sông, kênh, rạch, trong đó khu vực nội thành có 5 hệ thống kênh rạch chính với tổng chiều dài hơn 50 km. Tuy nhiên, nạn lấn chiếm sông, kênh, rạch để kinh doanh hàng quán, xây nhà là rất phổ biến.
Ngoài ra, lấp rạch thay thế bằng cống cũng là nguyên nhân chính dẫn đến ngập nước nặng hơn. Như tại quận Bình Thạnh, rạch Phan Văn Hân dài gần 500 m, rạch Tân Cảng dài hơn 200 m, rộng 20 m, không chỉ thoát nước cho cả khu vực mỗi khi có mưa mà còn làm mát trong các ngày nắng nóng đã bị lấp. Thay thế là tuyến cống có tiết diện 1,6 m x 2 m và 2 m x 2 m, chỉ rộng bằng 1/10 so với con rạch cũ.
Tại quận 2, rạch Bá Đỏ rộng 50 m dọc theo xa lộ Hà Nội gom nước trong khu vực thoát ra cả hai phía sông Sài Gòn và Rạch Chiếc đã bị lấp gần hết, thay vào đó là cống hộp.
Giải pháp làm cống thay rạch, loại hình mương hở là cách dễ thực hiện nhất để không còn tình trạng xả rác. Cái lợi trước mắt chỉ là sự dễ dàng, dễ làm nhưng hậu quả sẽ rất nặng nề, không bảo đảm thoát nước 2 bên bờ cho cả khu vực. Lấp rạch đặt cống là phương án bất đắc dĩ lắm mới làm, không còn cách nào khác để cải thiện môi trường.
Rạch liên quan mật thiết môi trường nước, đặc biệt là vấn đề trị thủy từ xưa đến nay. Trước đây, nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm, cơ quan chức năng đã chi gần 1.000 tỉ đồng để lấp rạch Hàng Bàng (quận 6) thay thế bằng tuyến cống hộp khiến toàn bộ lưu vực này trở thành rốn lũ khi có mưa lớn, nhất là khu vực bùng binh Cây Gõ. Sau đó, phải đào lên khơi thông lại rạch Hàng Bàng cùng với triển khai gói thầu K dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ với kinh phí khoảng 3.000 tỉ đồng.
Hãy thận trọng, cân nhắc đừng lấp rạch tràn lan để thay bằng cống, khó khắc phục về sau. Đáng lo hơn khi lấp rạch thì chức năng điều tiết môi trường sẽ không còn nữa, thiếu cảnh quan sông nước, mất đi khả năng trị thủy. Hơn nữa, phát triển đô thị nơi đó chỉ còn lại phần lớn nhà ống và những khối bê-tông cốt thép càng thêm nóng bức, ngột ngạt. Đây là một mất mát lớn, rất khó bù đắp về sau một khi đã làm mất đi môi trường tự nhiên.
Thoát nước phải phù hợp với quy hoạch
Diễn biến ngập nước ngày càng trầm trọng, hãy thẳng thắn nhìn nhận đúng thực tế và sớm có những giải pháp hữu hiệu. Đừng chống ngập theo kiểu đối phó, chắp vá.
Đúng ra thiết kế thoát nước trong đô thị là ưu tiên cho giải pháp tự chảy, hướng thoát ngắn nhất, không tắc nghẽn hoặc gây ngập cục bộ những khu vực lân cận. TP HCM có điều kiện tự nhiên thuận lợi nên được tận dụng để thoát nước mưa ra sông, kênh, mương, rạch hay những khu vực có đất trống vùng trũng. Chỉ có thể kết hợp sử dụng thêm máy bơm trong trường hợp địa hình thấp, không có vùng trũng và dòng chảy thoát nước.
Điều căn bản lại ít để ý trong chống ngập đó là thoát nước về nguyên tắc, phù hợp với quy hoạch trong khu vực và toàn bộ mạng lưới thoát nước có liên quan, không làm phát sinh điểm ngập… Ngoài ra, thoát nước cho khu vực giao cắt với tuyến đường, thoát nước thải sinh hoạt cho nhà dân.
Nên chăng, rà soát quy hoạch tổng thể mặt bằng lưu vực, đánh giá lại công tác chống ngập trong những năm qua để có cái nhìn toàn diện, xác định đúng nguyên nhân. Những trường hợp lấn sông, kênh, rạch trái phép cần kịp thời xử lý cương quyết và dứt điểm để trả lại không gian thoát nước. Phân cấp, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng quận, huyện, phường, xã chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng lấn chiếm hay tái lấn chiếm.
Song song đó, xem lại các dự án nhà ở, khu phức hợp nhà ở thương mại, dịch vụ. Nếu có quy hoạch xét thấy ảnh hưởng thoát nước và hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch cũng nên điều chỉnh, thì chống ngập mới hiệu quả, đỡ tốn kém, cũng là giải pháp hợp lòng dân.
Đừng thu hẹp thêm dòng chảy. Các hồ sinh thái quy hoạch bấy lâu nay vẫn chưa rõ dạng hình, cách tốt nhất giữ nạo vét hệ thống rạch hiện tại và khơi thông dòng chảy cho nước. Thay vì lấp rạch thay cống, hãy nghĩ đến phương án làm bờ kè như kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè vừa bảo đảm thoát nước vừa tạo mảng xanh, cảnh quan đô thị hẳn bản thân những người dân sống ở đó sẽ giữ gìn môi trường sạch đẹp vì đây là không gian sống của họ.
Xã hội hóa thu hút đầu tư Về nguồn vốn thực hiện, lồng ghép với cải tạo đô thị, bên cạnh bố trí một phần ngân sách lập dự án khả thi và giải phóng mặt bằng, xã hội hóa thu hút đầu tư khai thác phần đất công còn lại. Ngoài ra, xem xét cho phép khai thác phần đất trong hành lang an toàn sông, kênh, rạch một cách phù hợp vừa bảo đảm thoát nước như làm công viên có dịch vụ, khu vui chơi, bãi giữ xe… Việc này hoàn toàn khả thi, người dân hưởng lợi, sau khi cải tạo đô thị và môi trường có cảnh quan đẹp thì giá trị nơi đó sẽ tăng lên nhiều lần. |
Kỹ sư cầu đường Trần Văn Tường
Theo Người Lao Động
Ảnh: Mỗi năm, ngập nước gây thiệt hại ước tính hàng ngàn tỉ đồng, ảnh hưởng chất lượng sống, ô nhiễm môi trườngẢnh: Lê Vĩnh
Xem bài viết gốc tại đây:
https://nld.com.vn/ban-doc/chong-ngap-hay-thoi-vi-cai-loi-truoc-mat-20220807200927554.htm