Chợ tiền tỷ ở TP HCM bị bỏ hoang?

Chợ Phú Hữu nằm trên mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu, Quận 9, hoàn thành từ năm 2004. Tuy nhiên, chợ họp vài tháng rồi bỏ hoang.

Mặc dù được xây dựng và đưa vào khai thác hơn chục năm nay, nhưng cho đến thời điểm này, chợ Phú Hữu và chợ Tân Phú, Quận 9, TP HCM đang trong tình trạng bỏ hoang, nhiều ki ốt, hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng.

Chợ Tân Phú…

Chợ Phú Hữu nằm trên mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh, thuộc địa bàn phường Phú Hữu, Quận 9, được xây dựng và hoàn thành từ năm 2004. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng, chợ chỉ họp được vài tháng rồi bỏ hoang cho đến nay. Hiện tại, hàng chục ki-ốt khóa trái cửa, phủ lớp bụi dày, xung quanh chợ cỏ mọc um tùm, một số hạng mục làm bằng sắt đã hoen rỉ, xuống cấp và hư hỏng nặng. Phía ngoài mặt đường có một số hàng quán hoạt động nhưng rất thưa thớt.

…và chợ Phú Hữu nằm trên địa bàn Quận 9, TP.HCM bị bỏ hoang gần chục năm nay.

Chị Nguyễn Thúy Vân, tiểu thương từng bán trong chợ Phú Hữu cho biết: “Buôn bán ế quá do mấy chợ tự phát mọc ra như chợ Tân Lập, chợ Sân banh… Có mấy cái chợ tự phát đó nên người mua không lên đây. Bán ế riết rồi nhiều tiểu thương không cầm cự nổi cũng xuống chợ tự phát bán theo luôn”.

Cấm họp chợ nhưng… vẫn họp

Chợ Phú Hữu được đầu tư theo chủ trương xây dựng cơ sở vật chất cho các xã, phường nghèo của TP HCM. Chợ có quy mô hơn 160 sạp trên diện tích 2.000 mét vuông. Mục đích xây dựng chợ là đưa dân vào buôn bán tập trung, dẹp bỏ các chợ tạm, chợ tự phát trên địa bàn. Lúc khởi công, nhiều người dân hy vọng chợ sẽ có nhiều tiểu thương đến đây để buôn bán và kinh doanh. Tuy nhiên, do vị trí chợ tiếp giáp vòng xoay đường vành đai 2 với các xe container, xe tải nặng thường xuyên lưu thông qua lại khiến cả người bán lẫn người mua ngại ra vào chợ. Trong khi cách đó không xa, nép sâu trong con hẻm nhỏ chợ Sân banh – một chợ tự phát nằm gần UBND phường Phú Hữu lại đông đúc người mua bán.

Chị Trần Thị Dung một người dân sống ở đây cho biết: “Mình ở đây thì mua ở đây, dân cư đông. Còn ra chợ Phú Hữu không tiện đường, với lại chợ bán không đủ đồ. Thay vì đi chợ Phú Hữu người ta có thể bắt xe buýt đi chợ Tân Lập hoặc chợ Long Trường thì tiện đường và đầy đủ mặt hàng dễ dàng mua hơn”.

Người dân thường thích đi chợ tự phát vì tiện

Ở Quận 9 còn có chợ Tân Phú, thuộc phường Tân Phú được xây dựng và đưa vào khai thác cùng thời điểm với chợ Phú Hữu nhưng quy mô gấp đôi. Với khoảng 340 sạp, ki-ốt trên diện tích 4.000 mét vuông, chợ Tân Phú cũng đang bị bỏ hoang chục năm nay. Ngay từ ngày đầu thành lập, chợ không thể thu hút tiểu thương, trong khi các chợ tự phát như chợ Minh Đức, chợ trên đường Nam Cao hoạt động buôn bán diễn ra rất sầm uất.

Theo người dân sống ở khu phố 3, phường Tân Phú, nguyên nhân khiến chợ Tân Phú “chết dở” là do vị trí không thuận lợi, dân cư thưa thớt. Mặt khác, con đường dẫn vào chợ chỉ “độc đạo” là quốc lộ 1A, nhưng lối ra là con đường một chiều duy nhất bên kia quốc lộ. Đoạn quốc lộ này có dãy phân cách cứng và khá xa mới có chỗ quay đầu xe. Như vậy, khi đi thì người dân thuận đường, còn lúc về họ phải đi ngược chiều, rất bất tiện.

Chợ cóc, chợ tạm xung chợ Phú Hữu, Tân Phú vẫn rất đông khách.

Hiện nay, nhiều hạng mục của chợ Tân Phú xuống cấp, bụi bặm, mạng nhện, rác nhếch nhác, chuột, gián hoành hành rất mất vệ sinh. Không những thế, chợ bỏ hoang còn là nỗi lo mất an ninh trật tự đối với người dân sống xung quanh. Ông Nguyễn Văn Hiếu bức xúc nói:”Trước đây khu đất này được phê duyệt là thuộc dự án xây trường mẫu giáo và công viên. Bây giờ chợ không họp được nữa thì nên trả lại trường mẫu giáo, công viên cho cộng đồng”.

Các chợ trên được xây dựng nhằm mục đích xóa bỏ chợ tạm, chợ tự phát. Thế nhưng, chợ xây kiên cố không những không thể phát huy được công năng mà đang bị rơi vào lãng quên hơn chục năm nay, trong khi các chợ cóc, chợ tạm vẫn cứ họp hằng ngày.

Tỷ Huỳnh – Ngọc Lê/VOV-TP HCM

Theo VOV.VN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vov.vn/xa-hoi/cho-tien-ty-o-tp-hcm-bi-bo-hoang-1001634.vov