Mặc dù cho đến nay vẫn chưa có luật biển quốc tế cụ thể nào về vi nhựa, nhưng nhiều biện pháp ứng phó đã được thực hiện thông qua các biện pháp tự nguyện hoặc ràng buộc về mặt pháp lý ở cấp độ quốc tế, khu vực và quốc gia.
Nguồn: Tổng hợp từ SAM (2018)
Bài viết trình bày các chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý ô nhiễm vi nhựa của thế giới. Luật pháp và các hiệp định quốc tế liên quan đến rác thải nhựa và vi nhựa được trình bày trong bảng dưới đây:
Tổng quan về luật, quy định và công cụ hiện hành liên quan đến nhựa và vi nhựa:
Nguồn: Jiajia Wang(2018)
Ba công ước quốc tế toàn cầu giải quyết vấn đề rác thải nhựa trong môi trường biển vào đầu những năm 1970 là: Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982), Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển (1973) được sửa đổi bởi Nghị định thư năm 1978 (MARPOL 73/78) và Công ước về ngăn ngừa ô nhiễm biển do đổ rác thải và các vật chất khác xuống biển (Công ước London – LC 1972).
Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982)là văn kiện quốc tế tổng hợp, toàn diện, bao quát tất cả những vấn đề quan trọng nhất về chế độ pháp lý của biển và đại dương, quy định về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia (quốc gia có biển và quốc gia không có biển) đối với các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia, cũng như các vùng biển quốc tế. Công ước có phạm vi rộng, bao gồm tất cả các khía cạnh của không gian biển, như vấn đề phân định biển, phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, chuyển giao công nghệ,…
UNCLOS là công cụ toàn cầu duy nhất áp đặt nghĩa vụ ràng buộc về mặt pháp lý đối với các quốc gia trong việc ngăn chặn, giảm thiểu và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển: các quốc gia, tùy theo tình hình, thi hành riêng rẽ hay phối hợp với nhau, tất cả các biện pháp phù hợp với công ước, cần thiết để ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển, sử dụng các phương tiện thích hợp nhất mà mình có. Các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển phải nhằm vào tất cả các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển: qua khí quyển do nhận chìm các chất độc có hại và độc hại; các chất không bị phân hủy từ các nguồn ở đất liền; do các tàu thuyền gây ra; từ các thiết bị hay phương tiện được sử dụng để thăm dò hay khai thác tài nguyên thiên nhiên của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Hiện có 168 quốc gia tham gia Công ước. Việt Nam đã gia nhập Công ước này từ 25/7/1994.
Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (MARPOL 73/78). Công ước quốc tế về Ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra được thông qua năm 1973 và được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định thư 1978, viết tắt là MARPOL 73/78. Công ước MARPOL 73/78 thiết lập một cơ chế quốc tế nhằm ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu do hoạt động xả thải trong quá trình vận hành thông thường và các sự cố ô nhiễm khác. Công ước cũng đã được bổ sung sửa đổi bởi Nghị định thư 1997 và bổ sung thêm Phụ lục thứ sáu. Tính đến thời điểm hiện nay, có 174 quốc gia tham gia Công ước. Việt Nam đã gia nhập Công ước này từ 26/01/1994.
Mục tiêu của công ước là chấm dứt hoàn toàn việc chủ ý làm ô nhiễm môi trường biển do dầu và các chất độc hại khác và giảm thiểu việc thải ngẫu nhiên các chất đó ra biển. Cụ thể, Phụ lục V của MARPOL 73/78quy định cấm thải bỏ xuống biển tất cả các loại nhựa, kể cả nhưng không hạn chế dây thừng và lưới đánh cá bằng vật liệu tổng hợp, bao gói chứa rác bằng nhựa và tro của lò đốt các sản phẩm từ nhựa có thể chứa các chất độc hại hoặc kim loại nặng.
Công ước Luân Đôn 1972 (LC 1972) là thỏa thuận toàn cầu nhằm ngăn ngừa ô nhiễm biển do hoạt động đổ chất thải và các vật chất khác.Công ước này bao gồm việc quản lý các hoạt động đổ chất thải hoặc các vật chất khác từ tàu thuyền, máy bay và giàn khai thác dầu khí. Công ước Luân Đôn áp dụng phương pháp tiếp cận”danh sách đen và danh sách xám” để quản lý việc thải bỏ rác ra đại dương. Các vật liệu trong danh sách đen bị cấm đổ ra biển, ví dụ như nhựa và các vật liệu tổng hợp khó phân hủy khác. Danh sách xám là danh sách các vật liệu có thể được đổ ra biển nếu được cấp phép, ví dụnhư chất thải có chứa một lượng đáng kể Asen, crom,đồng, chì, niken, …
Nghị định thư Luân Đôn 1996 (LP 1996) được thông qua vào năm 1996 để thay thế cho Công ước Luân Đôn 1972. Nghị định thư Luân Đôn 1996 xây dựng một bản danh sách các chất thải hoặc các vật chất khác có thể được xem xét đổ ra biển được gọi là “danh sách đảo ngược”. Các bên tham gia Nghị định thư có nghĩa vụ cấm đổ các loại chất thải hoặc các vật chất khác không được liệt kê trong danh sách đảo ngược của Nghị định thư, như vật liệu nạo vét; bùn thải; các chất thải từ cá hoặc các vật chất phát sinh từ hoạt động chế biến cá công nghiệp; tàu tuyền hoặc các kết cấu, công trình nhân tạo khác trên biển; các vật liệu trơ, vật liệu địa chất vô cơ; vật liệu hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên,…
Chương trình Biển khu vực (RSP 1974) và Chương trình Hành động toàn cầu (GPA 1995) của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) được thiết lập để tổ chức và thực hiện các hoạt động tại 12 vùng biển thí điểm để ứng phó với các mối đe dọa do rác biển gây ra vào năm 2003, bao gồm: rà soát và đánh giá tình trạng rác biển ở từng khu vực; tổ chức một cuộc họp khu vực gồm các cơ quan chức năng quốc gia và các chuyên gia về rác biển; chuẩn bị kế hoạch hành động/chiến lược cấp khu vực về quản lý bền vững rác biển ở mỗi khu vực; và tham gia vào ngày làm sạch khu vực trong khuôn khổ Chiến dịch làm sạch bờ biển quốc tế, tạo nền tảng cho việc thiết lập quan hệ đối tác, hợp tác và điều phối các hoạt động nhằm kiểm soát và quản lý bền vững rác biển trên toàn cầu.
Chiến lược Honolulu là một khuôn khổ cho nỗ lực hợp tác toàn diện và toàn cầu nhằm giảm thiểu các tác động đối với sinh thái, sức khỏe con người và kinh tế của rác biển trên toàn thế giới.Tuy nhiên, do tính chất không ràng buộc, Chiến lược Honolulu không thay thế hoặc thay thế các hoạt động của các tổ chức quốc gia, thành phố, khu công nghiệp hoặc quốc tế và do đó bị hạn chế theo ý muốn của các quốc gia tham gia và các bên liên quan. Thay vào đó, Chiến lược Honolulu giúp cải thiện sự phối hợp và mức độ hợp tác cao hơn giữa các bên liên quan đến rác thải trên biển và đóng vai trò là hệ quy chiếu chung cho hành động giữa các cộng đồng này, cũng như là một công cụ cho các nhóm để phát triển và giám sát các chương trình và dự án về rác biển. Do đó, Chiến lược Honolulu được thiết kế để sử dụng như một:
• Công cụ lập kế hoạch để phát triển hoặc hoàn thiện các chương trình và dự án về rác biển cụ thể theo ngành hoặc không gian;
• Hệ quy chiếu chung để cộng tác và chia sẻ các phương pháp hay, bài học kinh nghiệm;
• Công cụ giám sát để đo lường tiến độ của nhiều chương trình và dự án.
Tuyên bố Manila về tămg cường thực hiện Chương trình hành động toàn cầu Bảo vệ môi trường biển từ các hoạt động trên đất liền đã được 64 quốc gia và Ủy ban Châu Âu thông qua năm 2012. Quan hệ đối tác toàn cầu về rác thải trên biển (GPML) cũng được thiết lập nhằm mục đích hạn chế các nguồn rác thải phát sinh trên biển.
Hội nghị thượng đỉnh G7 về “Tăng cường an ninh hàng hải – Các khu vực kết nối – Quản lý tài nguyên thiên nhiên” tập trung vào: nhận thức và giám sát lĩnh vực hàng hải; giải quyết tranh chấp hòa bình; đánh bắt bất hợp pháp, không được kiểm soát và không được báo cáo; và mạng lưới an ninh hàng hải. Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2015 thông qua Kế hoạch hành động nhằm giải quyết rác thải trên biển bao gồm các nguồn từ đất liền và trên biển, nâng cao nhận thức và tiếp cận cộng đồng, cũng như các hành động loại bỏ rác thải.
Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức vào năm 2017 tái khẳng định và cập nhật Kế hoạch hành động để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030. Kế hoạch hành động về rác thải trên biển của G20 là một trong ba sáng kiến chính liên quan đến môi trường. Đồng thời, đây cũng là một cách tiếp cận để áp dụng “nền kinh tế tuần hoàn” để tái chế, tái sử dụng vật liệu và giảm thiểu rác thải, góp phần ngăn chặn rác thải từ đất liền vào đại dương. UNEA I, 2014, phiên họp đầu tiên của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc, đưa ra vấn đề về nhựa (bao gồm cả vi nhựa trong môi trường biển là một vấn đề đang gia tăng nhanh chóng) và thông qua Nghị quyết 1/6 về các mảnh nhựa và vi nhựa trên biển.
UNEA II, 2016, phiên họp thứ hai của UNEA, thông qua Nghị quyết 2/11 về mảnh nhựa và vi nhựa trên biển thực hiện các mục tiêu môi trường của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (17 Mục tiêu), cụ thể là “đến năm 2025, ngăn chặn và giảm thiểu đáng kể tất cả các loại ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là ô nhiễm từ các hoạt động trên đất liền, trong đó có rác thải hàng hải và việc nhiễm bẩn các nguồn nước do có quá nhiều chất dinh dường” (Mục tiêu 14.1).
Cùng với việc thừa nhận tầm quan trọng của sự phối hợp giữa UNEP với các công ước và công cụ quốc tế liên quan đến việc ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển do rác thải, Nghị quyết 2/11 nhấn mạnh việc ngăn ngừa và quản lý hợp lý về mặt môi trường (ESM) rác thải là chìa khóa cho thành công lâu dài trong công cuộc chống ô nhiễm biển, bao gồm các mảnh nhựa và vi nhựa trên biển. Nghị quyết yêu cầu thực hiện đánh giá hiệu quả của các chiến lược và cách tiếp cận quản trị quốc tế, khu vực và tiểu vùng có liên quan để kiểm soát rác thải nhựa và vi nhựa trên biển.
UNEA III, 2017, phiên họp lần thứ ba của UNEA, thông qua Nghị quyết 3/7 về mảnh nhựa và vi nhựa trên biển, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc loại bỏ lâu dài các hoạt động thải rác và vi nhựa ra đại dương, tránh gây tổn hại đến hệ sinh thái biển và kêu gọi tất cả các bên đẩy mạnh các hành động để đến năm 2025, ngăn ngừa và giảm thiểu đáng kể tất cả các loại ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là ô nhiễm từ các hoạt động trên đất liền, trong đó có rác thải hàng hải và việc nhiễm bẩn các nguồn nước do có quá nhiều chất dinh dường và khuyến khích tất cả các quốc gia thành viên ưu tiên các chính sách và biện pháp để đạt được mục tiêu này.
Nguyễn Lê Hằng
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Nhiều biện pháp tự nguyện hoặc ràng buộc về mặt pháp lý trong quản lý vi nhựa đã được thực hiện ở cấp độ quốc tế. Ảnh: ITN