Chính sách chi trả DVMTR ở Yên Bái: Người Mông có đường bê tông về bản

Từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được triển khai người dân vùng cao của tỉnh Yên Bái có thêm nguồn thu, nhận thức về công tác bảo vệ rừng đã được nâng lên. Đặc biệt, sau khi nhận tiền DVMTR người dân đã cùng nhau góp tiền, góp ngày công lao động xây đường bê tông về thôn bản, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Mở hàng trăm kilômet đường bê tông về bản

Mù Cang Chải và Trạm Tấu là hai huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Họ thường sống quần tụ thành từng bản, mỗi bản có khoảng vài chục nóc nhà trên các triền núi cao. Chính vì vậy mà việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Từ khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai người dân có thêm thu nhập, mỗi hộ gia đình đã chủ động góp tiền và ngày công lao động để cùng nhau xây đường bê tông về bản. Nhờ đó mà việc đi lại được thuận lợi, con đường từ bản tới trường của bọn trẻ cũng gần hơn rất nhiều.

Sau 2 năm trở lại xã Lao Chải của huyện Mù Cang Chải chúng tôi được chào đón bằng cơn mưa xối xả đầu mùa. Ông Lý A Lù – Phó Chủ tịch UBND xã Lao Chải dẫn chúng tôi lên bản Dào Xa để khoe con đường bê tông nhỏ rộng chừng 0,8 mét, dài gần 10 cây số, và giờ không chỉ bản Dào Xa mà Tà Ghênh, Cồ Dề Seng, Séo Dì Hồ, Dào Cu Nha của Lao Chải cũng đều có đường bê tông.

Trên đường đi ông Lù phấn khởi tâm sự: “Nếu trước kia trời mưa thế này là tôi cũng không dám đưa mọi người vào bản, vì đường đất có mưa là trơn trượt không cẩn thận là trượt xe xuống vực, có khi vào bản gặp mưa là phải ở lại nhưng giờ có đường bê tông thì đi yên tâm rồi. Vào dịp cuối năm mọi người được nhận tiền DVMTR là mỗi gia đình đều góp lại 200.000 đồng và ngày công lao động để xây đường bê tông, đến giờ toàn xã cũng có khoảng hơn 20 cây số đường bê tông rộng từ 0,8 – 1,0 mét về các thôn bản”.

Có đường bê tông con đường từ bản tới trường của học sinh cũng gần hơn rất nhiều.

Ông Phạm Tiến Lâm – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải cho biết: Theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hiện nay về tiêu chí đường giao thông nông thôn toàn huyện đã kiên cố được 112km đường bê tông rộng 3 đến 3,5 m; mở mới 400km đường đất nền rộng 3,5 m và gần 100km đường rộng từ 0,8 đến 1,0 m.

Trong đó, gần 100km đường bê tông có chiều rộng từ 0,8 đến 1,0m là do người dân chủ động xây dựng. Từ khi có chính sách chi trả DVMTR bà con đã chủ động góp tiền, góp ngày công lao động xây được những con đường nhỏ về thôn bản. Người dân có thêm nguồn thu đã đóng góp bổ sung thêm vào nguồn kinh phí của nhà nước để nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới. Nhờ rừng mà người dân có thêm thu nhập, từ đó ý thức của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng đã được nâng lên.

Giữ màu xanh cho những cánh rừng

Yên Bái hiện có 433.641ha rừng, trong đó có gần 200.000ha diện tích rừng được cung ứng dịch vụ môi trường. Trong năm 2018 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chi trả trên 118 tỷ đồng cho các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, bản.

Trong đó, huyện Mù Cang Chải có 80.240ha rừng, trong đó 60.088ha rừng tự nhiên và hơn 20.000ha rừng trồng, độ che phủ rừng đạt 67%. Đây là nơi dự trữ nguồn nước cung cấp nước cho các con sông con suối: Sông Đà, Sông Hồng, Nậm Tha… nơi có nhiều nhà máy thủy điện công suất lớn: Hòa Bình, Sơn La, Huổi Quảng, Nậm Kim, Khao Mang thượng, Khao Mang hạ, Hồ Bốn, Hút I, Hút II, Nậm Chiến (Sơn La)…Năm 2018, Quỹ Bảo vệ & Phát triển rừng tỉnh Yên Bái chi trả cho người dân Mù Cang Chải trên 44 tỷ. Trong đó Ban Quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải 30 tỷ, Khu Bảo tồn loài sinh cảnh Mù Cang Chải 14 tỷ.

Trong nhiều năm qua huyện Mù Cang Chải không để xảy ra vụ cháy rừng lớn.

Anh Giàng A Dê – Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Khao Mang (Hạt Kiểm lâm Mù Cang Chải) dẫn chúng tôi đi thăm diện tích rừng của xã Lao Chải. Trên đường đi anh Dê chia sẻ: “Trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, đặc biệt là xã Lao Chải những năm gần đây địa phương không để xảy ra vụ cháy rừng nào lớn, nếu không may để xảy ra chảy rừng người dân đều tự giác cùng nhau dập lửa. Hơn nữa, giờ người dân cũng ý thức hơn rất nhiều trong việc đốt nương làm rẫy, vào mùa khô mọi người cũng không tự ý dùng lửa, chỉ sử dụng khi được trưởng bản hay chính quyền địa phương cho phép”.

Ông Lý A Lù – Phó Chủ tịch UBND xã Lao Chải cho biết thêm, trên địa bàn xã Lao Chải hiện có 14 thôn bản, mỗi thôn bản đều tự xây dựng một chòi canh lửa để giữ rừng. Tới mùa khô hanh tại các chòi đều có người dân trực 24/24 giờ để chủ động phòng chống cháy rừng. Đồng thời, mỗi hộ gia đình trong xã đều phải ký cam kết về bảo vệ rừng.

Có thể thấy, trong những năm qua chính sách chi trả DVMTR đã có tác động rất tích cực tới công tác quản lý và bảo vệ rừng. Không những vậy chính sách này đã mang lại lợi ích cho người dân, đặc biệt là người dân vùng cao, giúp họ ổn định cuộc sống, từng bước xóa đói giảm nghèo và góp phần giúp diện mạo nông thôn thêm phần khởi sắc.

Thanh Ngà – Báo TNMT

Theo Tài nguyên & Môi trường

Ảnh: Con đường bê tông nhỏ rộng chừng 0,8 mét, dài gần 10 cây số từ UBND xã Lao Chải dẫn về bản Dào Xa.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/chinh-sach-chi-tra-dvmtr-o-yen-bai-nguoi-mong-co-duong-be-tong-ve-ban-1274062.html