Cần nghiêm túc lồng ghép các chương trình, giải pháp cụ thể về an ninh y tế – năng lượng – lương thực, bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH và phát triển bao trùm, công bằng hơn vào các chiến lược mới.
Năm 2016, tại một hội thảo về phát triển du lịch bền vững ở Bình Định; tôi và GS. Đặng Hùng Võ thảo luận khá nhiều về việc xử lý rác thải. Cả hai chúng tôi đều đồng tình là vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có câu chuyện rác thải, giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu… cũng là một trong ba mục tiêu tổng quát mà Đại hội Đảng XII năm 2016 đã đề ra, nhưng dường như rất ít lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm, đau đáu về nó. Chưa thấy một người đứng đầu bộ, ngành hay địa phương nào tuyên bố hoặc đưa vào nghị quyết, chương trình hành động với mục tiêu, giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường sống, môi trường làm việc, coi đó là lợi ích trước mắt cũng như lâu dài.
Rồi đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến với gần 112 triệu ca nhiễm, hơn 2,4 triệu ca tử vong từ đầu năm 2020 đến nay, khiến kinh tế toàn cầu suy thoái, giảm khoảng 3,5% năm 2020. Kinh tế Việt Nam là một trong số hiếm hoi các quốc gia có mức tăng trưởng dương (2,91%), thuộc nhóm cao nhất, nhưng cũng là mức thấp nhất trong 35 năm đổi mới. Cú sốc kinh tế của các nước và Việt Nam còn bị dội thêm bởi môi trường sống, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM ngày càng xấu đi, rồi ảnh hưởng của thiên tai, với trận lũ lụt, sạt lở lịch sử tháng 10/2020, gây thiệt hại lớn về của cải và sinh mạng…v.v. Hệ quả của chúng còn tác động tiêu cực lâu dài đến việc làm, đói nghèo, tệ nạn xã hội, bất bình đẳng, chất lượng giáo dục – đào tạo, từ đó ảnh hưởng đến năng suất, phát triển kinh tế – xã hội.
Thủ tướng Chính phủ đau đáu về vấn đề này, đã phát động phong trào trồng 1 tỷ cây xanh với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”. Nhiều địa phương, đoàn thể như Bến Tre, Quảng Bình, Hà Nội, Phú Yên, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Yên Bái, Sơn La, Trung ương Đoàn… đã ủng hộ mạnh mẽ với phong trào trồng cây xanh gắn với Tết trồng cây cùng nhiều chương trình khác.
Nghị quyết Đại hội Đảng XIII mới ban hành cũng đã đề cập đến 2 nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề này. Đó là, lần đầu tiên Nghị quyết Đại hội nhấn mạnh nhiệm vụ “nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam” và “bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt”.
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực. |
Trên thế giới, chiến lược “phục hồi xanh” trong và sau đại dịch Covid-19 đã và đang được quan tâm hơn bao giờ hết. Hầu hết các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Phát triển LHQ (UNDP)… đều nhấn mạnh cần thiết kế chương trình phục hồi xanh, phục hồi bền vững trong ít nhất là 5 – 10 năm tới.
Trong đó, tôi rất đồng tình với cách tiếp cận toàn diện của OECD. Đành rằng trong bối cảnh dịch bệnh, lượng khí thải CO2 có vẻ ít đi do nhà máy ít hoạt động hoặc không hết công suất, chất lượng không khí cải thiện phần nào do ít hoạt động công nghiệp hơn, xe cộ đi lại ít hơn…; nhưng tất cả những hiện tượng này chỉ là tạm thời, vì khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động này lại diễn ra bình thường và mức độ ô nhiễm chưa thể cải thiện.
Trong khi đó, dịch bệnh đã và đang mang lại nhiều hệ lụy môi trường như chất thải y tế tăng mạnh, khẩu trang vứt bừa bãi, đồ nhựa dùng một lần tăng do nhu cầu đóng gói, vận chuyển, trong khi đó, năng lực tái chế và nhu cầu hàng tái chế lại giảm. Dịch bệnh vừa là nguyên nhân (tác động tiêu cực đến môi trường như nêu trên), vừa là hậu quả từ quá trình tàn phá thiên nhiên, phá rừng, thay đổi hệ sinh thái, buôn bán động vật hoang dã, biến đổi khí hậu… khiến nguy cơ truyền bệnh từ động vật sang người tăng lên. Dịch bệnh như SARS (2003), MERS (2012), EBOLA (2014), Zika (2015), Covid-19 đang mau dần và mức độ nguy hiểm gia tăng.
Vì lẽ đó, cùng với ý thức của người dân về vấn đề sức khỏe, môi trường sống, chất lượng cuộc sống được nâng lên; đã đến lúc cần nghiêm túc lồng ghép các chương trình, giải pháp cụ thể về an ninh y tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bao trùm, công bằng hơn vào các chiến lược, kế hoạch và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội trong 5 – 10 năm tới và lâu hơn. Theo đánh giá của OECD, việc lồng ghép này không chỉ đáp ứng nhu cầu về việc đạt được mục tiêu, cam kết bảo vệ môi trường, giảm rủi ro dịch bệnh, thiên tai, bất bình đẳng và đói nghèo, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững và bao trùm. Theo tính toán của OECD, các dịch vụ bảo tồn tính đa dạng sinh học và hệ sinh thái có thể tạo ra lợi ích tương đương 125 – 140 ngàn tỷ USD (gấp 1,5 lần quy mô nền kinh tế toàn cầu hiện nay). Từ tháng 5/2020, Ủy ban châu Âu triển khai Chương trình phục hồi kinh tế giá trị 750 tỷ EUR, trong đó cấu phần vì châu Âu xanh được coi là hạt nhân của Chương trình; Hàn Quốc triển khai Chương trình Xanh mới (Green New Deal) từ tháng 7/2020 trong Chiến lược phục hồi đến năm 2025 với mục tiêu tạo thêm 659.000 việc làm, vượt qua suy thoái cùng với việc giải quyết thách thức từ môi trường và biến đổi khí hậu…v.v.
Trước đó, Báo cáo triển vọng kinh tế châu Á của ADB (tháng 9/2020) đã lượng hóa nền kinh tế “vì sức khỏe vật chất, tinh thần, trí tuệ, xúc cảm, xã hội và môi trường” (gọi tắt là wellness economy) của châu Á tăng 10%/năm trong những năm gần đây và giá trị tương đương 11% GDP năm 2017 (so với mức bình quân của thế giới là 5% GDP). Trong bối cảnh dịch bệnh, xu hướng làm việc trực tuyến và già hóa dân số gia tăng, ADB kêu gọi các quốc gia châu Á cần có nhóm chính sách thúc đẩy phát triển nền kinh tế vì sức khỏe cộng đồng bằng cách: (i) tạo môi trường khỏe mạnh thông qua lưu ý trong khâu quy hoạch đô thị và khu vực cần dành không gian đi bộ và vận động cơ thể, (ii) tài trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và các chương trình thúc đẩy các hoạt động này, (iii) khuyến khích ăn uống lành mạnh thông qua nâng cao nhận thức của người dân về dinh dưỡng và ăn kiêng, (iv) yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp đảm bảo môi trường làm việc an toàn và khuyến khích vận động.
Một công trình xanh tại Singapore (Nguồn ảnh: Eco-business) |
Tương tự, IMF và 30 quốc gia thuộc OECD cùng với một số đối tác đã thiết kế những gói chính sách, giải pháp phục hồi xanh; chủ yếu bao gồm 5 nhóm giải pháp chính. Một là, chính sách tiền tệ – tín dụng và tài khóa (thuế, phí, tài trợ…) thực sự khuyến khích giao thông xanh (phương tiện đủ tiêu chuẩn đi trên đường, tiêu thụ ít nhiên liệu, xe điện…), kinh tế tuần hoàn (tái chế, tái sử dụng và tái tạo), năng lượng sạch, hạ tầng số, công nghệ thông minh, hạ tầng và nhà ở thích ứng biến đổi khí hậu…v.v. Hai là, hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình và tổ chức, doanh nghiệp để tiết kiệm năng lượng, nông nghiệp sạch (hữu cơ hoặc ứng dụng công nghệ cao). Ba là, thiết kế chương trình và nguồn tài trợ nhằm tạo việc làm và khuyến khích các hoạt động kinh tế thông qua việc bảo vệ hệ sinh thái (như trồng rừng, bảo vệ rừng, phân loại và chế biến rác thải…). Bốn là, kiểm soát sự lan tràn, xâm lấn của sinh vật lạ và tăng cường bảo vệ rừng, tài nguyên. Hình thức hỗ trợ chủ yếu dưới dạng giảm thuế, phí; tín dụng ưu đãi, trợ cấp; tài trợ R&D; phổ biến kiến thức và đào tạo kỹ năng; gắn các gói hỗ trợ phục hồi với cam kết dùng năng lượng sạch hơn, tiết kiệm hơn (nhất là đối với lĩnh vực hàng không); tài trợ chuyển đổi mục đích sử dụng (từ nơi đỗ xe ô tô thành nơi đi bộ, đi xe đạp…). Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các chương trình bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Với Việt Nam, WB trong Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam 2021 ban hành tháng 12/2020 vừa qua có đặt dấu hỏi: “Tại sao Việt Nam lại chưa xử lý những thách thức về khí hậu và môi trường hiệu quả như với khủng hoảng Covid-19”? và có khuyến nghị Việt Nam nên lựa chọn con đường phát triển xanh hơn, thông minh hơn và bao trùm hơn; và qua đó, Việt Nam cũng có thể tăng khả năng chống chịu cú sốc y tế hay thiên tai trong tương lai.
Rõ ràng đã đến lúc Việt Nam không thể chỉ hô khẩu hiệu; những chủ trương, chính sách không chỉ nằm trên nghị quyết, chỉ thị, mà phải thực sự nằm trong các gói chính sách, giải pháp cụ thể trong chiến lược, kế hoạch phát triển KT – XH đến 2025, 2030 và lâu hơn. Theo tôi, một số việc cụ thể có thể làm ngay như:
(i) Cần có giải pháp xử lý rác thải y tế (bao gồm cả khẩu trang, tờ khai báo y tế cần nhất quán làm online) hiệu quả hơn; (ii) Coi nhiệm vụ phân loại và xử lý rác thải như là một chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương; (iii) Có gói chính sách cụ thể khuyến khích, tạo áp lực phát triển kinh tế tuần hoàn, nhất là các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ; (iv) Ban hành và nhất quán thực hiện Quy hoạch điện VIII theo hướng tăng mạnh tỷ trọng năng lượng tái tạo (theo Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị là khoảng 25 – 30% đến năm 2045), trong đó năng lượng mặt trời cần có giải pháp xử lý rác thải pin ngay từ khi lập dự án;
(v) Cập nhật, hoàn thiện và nhất quán thực hiện chính sách tài khóa (gồm cả đầu tư công), tín dụng xanh phù hợp giai đoạn phát triển mới, ít nhất là đến năm 2030; theo đó, đối với các dự án đầu tư, ngoài việc đánh giá tác động môi trường, cần tính đến cả việc sử dụng, tiết kiệm năng lượng như thế nào.
(vi) Ban hành và nghiêm túc triển khai chương trình giao thông xanh (các phương tiện cần kiểm định và cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn đi đường, khuyến khích dùng xăng sinh học, xe điện cần có giải pháp xử lý rác thải pin, dùng thẻ hoặc quét mã QR khi tham gia giao thông công cộng…v.v.); (viii) Rà soát, cập nhật và kiên quyết thực hiện chính sách và giải pháp bảo vệ tài nguyên rừng, tài nguyên nước; (ix) Rà soát, cập nhật Nghị quyết 120 của Chính phủ (năm 2017) về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long gắn với ứng phó biến đổi khí hậu cho phù hợp bối cảnh mới;
(x) Sớm nghiên cứu thị trường carbon cùng với giải pháp cụ thể về định lượng giá carbon và giảm thiểu carbon phù hợp; (xi) Kiểm soát chặt chẽ và đánh giá đúng, đủ việc thực hiện các chỉ tiêu về môi trường, xã hội, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương; và cuối cùng (xii) cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với các vấn đề môi trường, xã hội. Theo đó, nên đưa cấu phần này vào chương trình giáo dục công dân một cách thiết thực, phù hợp.
Những quyết sách quan trọng này đang chờ lãnh đạo nhiệm kỳ mới. Với vận hội mới, khí thế mới, vị thế mới; chúng ta có quyền kỳ vọng vào sự bắt tay quyết liệt, hành động cụ thể và hiệu quả của các lãnh đạo./.
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV
Theo Reatimes