Chỉ thị 13: Nhiều giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản

Ngày 29/8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Chỉ thị 13 lần này được kỳ vọng sẽ giải quyết được những khó khăn của thị trường.

Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua, tình hình chính trị và kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, bất ổn, khó lường, tác động tới nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, giúp nền kinh tế phục hồi, đạt mức tăng trưởng tương đối cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Không siết tín dụng bất hợp lý, không chuyển trạng thái đột ngột từ “nới lỏng sang kiểm soát chặt” và ngược lại đối với các dòng vốn chảy vào thị trường bất động sản… tiếp tục là nội dung đáng chú ý trong Chỉ thị 13 vừa được Chính phủ ban hành, cùng với đó là rất nhiều giải pháp được đặt ra nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh.

Vẫn tiếp tục kiểm soát tín dụng hợp lý, đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường bất động sản, đặc biệt, Chỉ thị 13 đã đi kèm đó là rất nhiều giải pháp như gỡ nút thắt pháp lý, cấp phép đầu tư dự án, tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà vừa túi tiền… cũng như đề xuất thí điểm cơ chế chính sách để tạo động lực phát triển mới cho thị trường này.

Đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, Chỉ thị 13 lần này được kỳ vọng sẽ giải quyết được những khó khăn của thị trường. Đơn cử như Bộ Xây dựng đang phối hợp các bộ ngành để nghiên cứu và ban hành một hướng dẫn về thủ tục đầu tư, xây dựng các dự án…

Song song đó, các địa phương rà soát lập danh mục các dự án, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư để tăng cung cho thị trường.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM ông Lê Hoàng Châu, cho rằng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần tháo gỡ các vướng mắc về đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, chỉ thị cũng tạo động lực thúc đẩy cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, kiểm soát tín dụng hợp lý hay giải pháp tăng nguồn cung là 2 “điểm cốt lõi” cần giải quyết của thị trường hiện nay.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Gamuda Land Việt Nam ông Angus Liew chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng đây là các chính sách tốt, sẽ tạo ra một sân chơi công bằng, lành mạnh hơn cho cả chủ đầu tư trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần cho phép các doanh nghiệp hoạt động tốt, hay người mua nhà lần đầu được tiếp tục tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Ngoài ra nếu Chính phủ rút ngắn thời gian cho các thủ tục phê duyệt dự án, điều đó sẽ giúp cân bằng giữa cung và cầu, từ đó bình ổn giá cả”.

Mặt khác, Chỉ thị 13 còn nêu rõ sự cần thiết đánh giá chính xác cung cầu và xây dựng hệ thống thông tin liên thông giữa thị trường bất động sản và đất đai… Do đó, sắp tới Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản cũng hướng tới việc xem xét sửa đổi nhiều quy định còn bất cập.

Thị trường bất động sản có vai trò rất quan trọng trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn thời gian qua sự phát triển của lĩnh vực bất động sản cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như: cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa hợp lý, giá sản phẩm bất động sản nhất là giá nhà ở còn khá cao so với thu nhập của người dân, cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường bất động sản chưa đồng bộ, đầy đủ, thiếu tin cậy, thiếu minh bạch.

Huyền Diệu – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Chỉ thị 13 lần này được kỳ vọng sẽ giải quyết được những khó khăn của thị trường. (Ảnh minh họa)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/chi-thi-13-nhieu-giai-phap-thuc-day-thi-truong-bat-dong-san-70578.html