‘Chỉ điểm’ các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia về môi trường không khí, ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi PM2,5. Vậy đâu là nguồn gây ra tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội?

Hà Nội đang đối mặt với một tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng. Kết quả quan trắc của Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2022 cho thấy, môi trường không khí của Thủ đô năm 2022 đã phải hứng chịu 758 tấn bụi mịn PM2.5, hơn 8.400 tấn khí CO và gần 110.000 tấn khí CO2.

Theo như báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, có một số nguyên nhân chính đã đưa thành phố vào tình cảnh lo lắng này:

1. Phương tiện giao thông

Với hơn 770 nghìn xe ô tô và gần 6 triệu xe máy lưu thông hàng ngày, khí thải từ giao thông đóng góp một phần lớn vào ô nhiễm môi trường. Chất bụi mịn PM2.5, khí CO và khí CO2 từ động cơ đã tạo nên một bức tranh ô nhiễm khó lường.

2. Khu công nghiệp và làng nghề

Hà Nội hiện cớ 17 khu công nghiệp và hơn 800 làng nghề, nơi sản xuất và chế biến, không chỉ tạo ra khói bụi và khí thải độc hại, mà còn góp phần vào sự gia tăng của ô nhiễm môi trường không khí.

Đóng góp các nguồn thải bụi mịn PM 2.5Đóng góp các nguồn thải bụi mịn PM 2.5. Ảnh: WB

3. Hoạt động đốt rác và rơm rạ

Đốt rác và rơm rạ sau thu hoạch, cùng với việc sử dụng bếp than tổ ong, đã tạo ra lượng lớn khí thải gây ô nhiễm môi trường không khí. Sự thiếu kiểm soát và ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng này.

4. Hạ tầng và quản lý rác thải

Nhiều địa phương chưa có điểm trung chuyển rác thải, dẫn đến việc sử dụng điểm tập kết rác ở mặt đường, gây cản trở giao thông. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đường ngõ hẹp, và tình trạng đổ rác và đốt rác không đúng nơi quy định là những thách thức cần vượt qua.

5. Kiểm soát phương tiện vận chuyển

Kiểm soát khí thải của phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng và xe máy gặp khó khăn, mặc dù đã có sự tăng cường kiểm tra và xử lý từ lực lượng chức năng. Tình trạng đổ trộm đất, phế thải, lôi kéo đất cát, vi phạm vệ sinh môi trường… vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Từ những nguyên nhân trên, rõ ràng chúng ta thấy rằng cần có một chiến lược đa chiều, liên ngành để giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ý thức của cộng đồng cần được nâng cao, và quy hoạch thành phố cũng cần tính đến vấn đề này trong quá trình phát triển bền vững.

Lâm Hà

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Hà Nội đang đối mặt với một tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: ITN