Chế tạo thành công màng bọc trái cây tự phân hủy

Các nhà khoa học Viện nghiên cứu và phát triển vật liệu mới đã chế tạo thành công màng bọc bảo vệ trái cây có thể tự phân hủy.

Màng bọc được sản xuất từ vật liệu màng PE, vải PP không dệt và giấy ghép phức hợp. Mục đích là để ngăn chặn sự tấn công của côn trùng như sâu đục trái, bọ xít, ruồi, hạn chế sự lây nhiễm của nấm bệnh, giúp trái có mẫu mã đẹp, nâng cao giá trị.

Đây là loại màng chứa phụ gia phân huỷ sinh học. Thời gian phân hủy sinh học dự tính của các loại túi từ 13 tháng (đối với túi bao vật liệu giấy ghép phức hợp), 20 tháng (với vải PP không dệt) và 24 tháng với túi dạng màng PE. Tùy từng loại quả khác nhau, màng được tính toán tỷ lệ để phù hợp với đặc tính sinh học và kích thước. Có 5 nhóm cây được lựa chọn để thử nghiệm là bưởi, cam, xoài, chuối và thanh long.

Màng bọc được sử dụng cho các loại quả khác nhau như chuối  xoài, cam, bưởi, thanh long… Kết quả cho thấy khu vực được bao, quả đẹp, không bị sâu hại, nấm, côn trùng tấn công, hạn chế quả bị cháy nắng nóng, hay thối hỏng.

Theo TS Hoàng Tuấn Hưng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển vật liệu mới, màng bọc này có thể tái sử dụng, giúp người nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất trái cây sạch, chất lượng. Hiện nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện công nghệ nhằm tối ưu hoá các chi phí, nâng cao chất lượng của sản phẩm và nghiên cứu thêm một số loại quả khác như nhãn, na, ổi, vải…

Lâm Hà

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Bao trái giúp mang lại năng suất cao cho thanh long Bình Thuận. Ảnh: Nhóm nghiên cứu