Ngày 23/2 Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vừa công bố một báo dự báo số vụ cháy rừng nghiêm trọng trên toàn cầu sẽ tăng 14% vào năm 2030, 30% vào năm 2050 và 50% vào cuối thế kỷ này.
Để ngăn chặn nguy cơ cháy rừng, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp hệ thống giám sát dựa trên khoa học và dữ liệu với kiến thức bản địa, cũng như tăng cường hơn nữa hợp tác khu vực và quốc tế.
Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen cho biết: “Lực lượng tuyến đầu đang liều mình chiến đấu với cháy rừng cần phải được hỗ trợ. Chúng ta phải giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy rừng nghiêm trọng bằng cách chuẩn bị tốt hơn, cụ thể là đầu tư nhiều hơn vào công tác giảm thiểu rủi ro, phối hợp chặt chẽ với các cộng đồng địa phương và tăng cường cam kết toàn cầu về chống biến đổi khí hậu”.
Báo cáo chỉ ra mối tương quan chặt chẽ giữa cháy rừng và biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu khiến cháy rừng trở nên tồi tệ hơn vì các đợt hạn hán ngày càng tăng, nhiệt độ không khí ngày càng cao, độ ẩm tương đối thấp, sấm chớp và gió mạnh dẫn đến mùa cháy rừng nghiêm trọng hơn, khô hơn và kéo dài hơn. Ngược lại, cháy rừng khiến tình trạng biến đổi khí hậu trở nên ngày càng trầm trọng, bởi chúng tàn phá các hệ sinh thái nhạy cảm và giàu carbon như vùng đất than bùn và rừng nhiệt đới. Cháy rừng ảnh hưởng nghiêm trọng đến động vật hoang dã, làm cho chúng mất môi trường sinh sống hoặc chết cháy, khiến một số loài bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng.
Theo UNEP, việc phục hồi các hệ sinh thái là một hướng đi quan trọng để giảm thiểu nguy cơ cháy rừng, cũng như để phục hồi tốt hơn sau hậu quả mà chúng để lại. Trong đó, cần thiết phải đầu tư vào phục hồi đất ngập nước và đất than bùn, đặt các công trình xây dựng cách xa thảm thực vật, và bảo tồn các vùng đệm không gian mở.
Lâm Hà
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Những đám cháy dữ dội tại rừng Amazon. Ảnh: Getty