Cháy rừng mùa khô – đừng để ‘đến hẹn lại lên’

Như một ‘quy luật khắc nghiệt’, cứ vào mùa khô, từ tháng 5 đến hết tháng 7, nạn cháy rừng lại diễn ra, liên tiếp hết điểm này đến điểm khác, đặc biệt là ở miền Trung.

Từ ngày 26-6 đến 1-7-2019, các vụ cháy rừng lớn đã liên tiếp xảy ra ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Riêng tại tỉnh Hà Tĩnh có hàng trăm điểm cháy ở 7 huyện.

Năm nay, vào ngày 26-6 lại xảy ra vụ cháy rừng lớn ở xã Sơn Thành (H.Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Tiếp đó, tối 29-6, đám cháy rừng khởi phát từ địa phận xã Ân Phú (H.Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) rồi lan sang địa phận xã Sơn Long và xã Sơn Trà nằm trên dãy núi Mồng Gà của huyện Hương Sơn. Đến rạng sáng 1-7, các đám cháy rừng ở Hà Tĩnh mới cơ bản được dập tắt.

Nguyên nhân khách quan được cho là do thời tiết – nắng nóng liên tục với nhiệt độ có nơi lên tới 43 độ C ở khu vực ven biển miền Trung trong suốt 12 ngày cuối tháng 6. Nhiệt độ cao kết hợp với độ ẩm dưới 30% khiến cho các cánh rừng dễ dàng bắt lửa và một khi đã xảy ra cháy thì rất khó dập tắt.

Bên cạnh thời tiết thì các yếu tố tự nhiên khác cũng khiến cho Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng, các tỉnh miền Trung nói chung khó chống chọi với “giặc lửa”. Chất lượng rừng nằm trong các yếu tố này. Chất lượng rừng ở Việt Nam, đặc biệt là tại miền Trung, có xu hướng đi xuống trong khi diện tích rừng tăng lên vào những năm gần đây. Chất lượng rừng kém được thể hiện ở các con số: Rừng thứ sinh nghèo kiệt chiếm xấp xỉ 70% trong khi rừng nguyên sinh chỉ vỏn vẹn gần 7%. Rừng thứ sinh được coi là dễ “nhạy cảm” với lửa hơn rừng nguyên sinh vì nó tạo ra loại thực bì đặc biệt dễ bén lửa trong vùng tiểu khí hậu khô, nóng của miền Trung.

Rừng thông, rừng tràm, rừng tre nứa, rừng bạch đàn, rừng khộp, rừng non khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và rừng đặc sản… thuộc loại dễ cháy. Loại rừng này lên đến gần 6 triệu ha, phổ biến ở miền Trung. Yếu tố con người và hoạt động sản xuất, phòng – chống cháy đóng vai trò hết sức quan trọng, có thể nói là then chốt, trong cuộc chiến với “giặc lửa”. Đồng bào ở miền núi có thói quen đốt rừng làm nương rẫy, ở miền xuôi thì bà con thường đốt rơm rạ, đốt quang thực bì để thu nhặt kim loại, đốt rác trong vườn cạnh khu rừng trồng, hun khói để lấy mật ong…

Vụ cháy rừng nghiêm trọng vào cuối tháng 6-2019 ở Hà Tĩnh là do sự bất cẩn của con người. Công an H. Nghi Xuân ngày 1-7-2019 đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Phan Đình Thành (1973, trú tại xã Xuân Hồng, H. Nghi Xuân) về tội “Vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy” theo Điều 313 – Bộ luật Hình sự. Ông này là thủ phạm gây ra vụ cháy rừng kéo dài từ ngày 28 đến 30-6 tại núi Hồng Lĩnh thuộc địa bàn thị trấn Xuân An và xã Xuân Hồng (H. Nghi Xuân). Ông Thành khai nhận, trưa 28-6, ông đốt rác ở góc vườn, gió to làm tàn lửa bay xa, gây cháy rừng.

Về nguyên nhân các vụ cháy rừng năm nay ở H. Hương Sơn (Hà Tĩnh), ông Nguyễn Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Sơn Trà, nhận định là do người dân thắp hương ở nghĩa trang rồi lửa bén lan lên rừng.

Còn tại Nghệ An, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Vụ cháy rừng ở xã Sơn Thành (H. Yên Thành) xảy ra ngày 26-6-2020 là do có người đốt với mục đích phá hoại. Hiện cơ quan điều tra đang xác minh, làm rõ vụ việc.

Ở địa phương này từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra 9 vụ cháy rừng, trong đó 4 vụ được xác định do con người cố ý đốt rừng, hủy hoại tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, việc phòng, chống cháy rừng bị chi phối mạnh mẽ từ việc điều hành, quản lý của các cấp liên quan. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đã có hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành được củng cố và hoàn thiện tới cấp xã. Song trên thực tế, việc kiểm soát cháy rừng và hiệu quả chữa cháy rừng chưa cao là do thiếu hệ thống quản lý chặt chẽ từ Trung ương xuống cơ sở về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy rừng; việc chỉ đạo, điều hành chậm do không nắm bắt được thông tin kịp thời, chính xác, thiếu phương tiện, trang thiết bị chỉ đạo, chỉ huy; thiếu lực lượng chữa cháy rừng chuyên trách…

Kinh phí đầu tư cho việc phòng, chống cháy rừng rất hạn chế; phương tiện, trang thiết bị vừa thô sơ, lạc hậu, vừa thiếu, chỉ có một số máy bơm công suất nhỏ và chủ yếu là dụng cụ chữa cháy thủ công như cuốc, xẻng, dao phát… Chế độ đãi ngộ với lực lượng tham gia chữa cháy chưa cụ thể, rõ ràng nên chưa động viên, khuyến khích mọi lực lượng tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy rừng một cách chủ động và tích cực.

Nghệ An có gần 30.000 ha rừng thông, rừng hỗn hợp. Trước khi bước vào mùa nắng nóng, việc phát dọn thực bì để hạn chế nguy cơ xảy ra cháy mới chỉ được tiến hành tại 1/3 diện tích do chủ rừng thiếu kinh phí. Đó là nguyên do rất dễ bùng phát các đám cháy rừng và lửa lan rộng trong điều kiện nắng nóng gay gắt.

TRẦN QUANG VINH – Báo CAĐN

Theo Công An Đà Nẵng

Ảnh: Các lực lượng chức năng nỗ lực dập lửa tại xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu (Nghệ An).

Xem bài viết gốc tại đây:

http://cadn.com.vn/news/75_227753_chay-rung-mua-kho-dung-de-den-hen-lai-len-.aspx