Cháy rừng do hoạt động của con người sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn

Sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu khí hậu và các trận cháy rừng, các nhà khoa học dự đoán được cháy rừng kỷ lục liên quan đến hoạt động của con người sẽ tiếp tục trở nên thường xuyên và dữ dội hơn.

Một nghiên cứu mới đây của Đại học California, Los Angeles (UCLA) và Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore chỉ ra rằng các đám cháy rừng ngày càng thường xuyên và dữ dội ở miền Tây nước Mỹ trong hai thập kỷ qua có liên quan mật thiết đến sự thay đổi khí hậu do con người gây ra.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, trong vài thập kỷ gần đây các trận cháy rừng ở miền Tây nước Mỹ gia tăng đáng kể. Từ năm 1984 đến năm 2000, diện tích rừng trung bình bị cháy trên 11 bang miền Tây là 683 ngàn ha. Trong hai thập kỷ qua, diện tích trung bình tăng lên 1,35 triệu ha hằng năm. Vào năm 2020, diện tích rừng bị cháy đã lên tới 3,56 triệu ha.

Một số nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra là nguyên nhân hàng đầu làm tăng tần suất cháy rừng. Trong khi đó một vài người khác lại liên kết sự kiện này với sự thay đổi của các hình thái thời tiết, biến đổi khí hậu tự nhiên và các yếu tố như quản lý rừng yếu kém, lượng mưa mùa hè suy giảm hoặc lượng tuyết rơi sớm hơn.

Sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu khí hậu và các trận cháy rừng, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 68% sự gia tăng độ hụt áp suất hơi (nguyên nhân hàng đầu gây ra cháy rừng) trên khắp miền Tây nước Mỹ có thể là do biến đổi khí hậu dưới tác động của con người.

Các nhà khoa học dự đoán cháy rừng sẽ tiếp tục trở nên thường xuyên và dữ dội hơn.

Tùng Lâm

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Ảnh minh hoạ. ITN