Trong bối cảnh Châu âu (EU) cần phải giảm mạnh khí thải CO2 để chống lại biến đổi khí hậu thì năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời sẽ là lựa chọn tốt giúp Lục địa già đảm bảo sự độc lập về năng lượng trong tương lai.
Ngày 21/10, tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nỗ lực thảo luận để có thể đạt được sự đồng thuận chung trong việc giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng vọt. Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục do nguồn cung bị thắt chặt trong khi các nền kinh tế đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, giá CO2 cũng tăng mạnh. Tình trạng này đã thúc đẩy một số quốc gia thành viên kêu gọi EU có phản ứng chung.
Việc giá năng lượng tăng đột biến cũng gây ra những bất đồng trong chính sách của EU về chống biến đổi khí hậu, trong đó Ba Lan đã kêu gọi EU thay đổi hoặc trì hoãn một số biện pháp “xanh” đã được lên kế hoạch. Thủ tướng Hungaria Viktor Orban cũng đã bác bỏ chính sách khí hậu của EU vì cho rằng đó là những kế hoạch “không tưởng”. Những quan điểm này đã đi ngược lại với lập trường của những quốc gia khác cho rằng giá khí đốt cao sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của EU nhằm giảm sử dụng nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, vốn hay biến động về giá.
Trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu hôm 22/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Von der Leyen đã nhấn mạnh đến lợi thế của năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân.
Tuy nhiên hiện tại, châu Âu vẫn cần tới khí đốt trong giai đoạn chuyển tiếp và năng lượng hạt nhân về lâu dài để đảm bảo nguồn cung ổn định. Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết, hiện giá sản xuất năng lượng tái tạo đã giảm đáng kể so với 10 năm trước, trong khi các nhà máy điện hạt nhân hầu như không thải CO2 vào khí quyển.
EC đề nghị các quốc gia thành viên sử dụng đòn bẩy sẵn có để đối phó trong ngắn hạn, còn châu Âu sẽ tiến hành các giải pháp trung và dài hạn. EC sẽ đánh giá hoạt động của thị trường điện và khí đốt, cũng như thị trường giao dịch quyền phát thải CO2. Ngoài ra, để hỗ trợ EU tốt hơn trước những biến động, EC sẽ xem xét xây dựng kho dự trữ khí đốt chiến lược và lập nhóm mua khí đốt, đồng thời thúc đẩy kết nối và đa dạng hóa các nhà cung cấp khí đốt.
Theo kế hoạch, EC sẽ đưa ra đề xuất về phân loại năng lượng trong vài tuần tới. Pháp và các nước Đông Âu hiện đang thúc đẩy đưa năng lượng hạt nhân và khí tự nhiên vào danh sách phân loại năng lượng để có thể tiếp cận nguồn vốn dễ hơn trong khuôn khổ “tài chính xanh” của EC. Tuy nhiên, Đức, Áo, Đan Mạch và Luxembourg vẫn chưa đồng ý dán nhãn xanh cho năng lượng hạt nhân. Trong khi đó, Bỉ có kế hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện để loại bỏ dần các nhà máy điện hạt nhân vào năm 2025.
Hải Thanh
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu nóng về vấn đề năng lượng. Ảnh: ITN