Chất lượng không khí Hà Nội ở mức trung bình

Sau một ngày không khí được cải thiện tích cực, ngày 10/2, chất lượng không khí của Hà Nội ở mức trung bình, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Màu vàng (chất lượng không khí ở mức trung bình, chấp nhận được) đã xuất hiện nhiều trên bản đồ quan trắc của Thủ đô, tại một số điểm xuất hiện màu cam (chất lượng không khí ở mức kém).

Theo cổng thông tin quan trắc môi trường Thủ đô Hà Nội: moitruongthudo.vn, chỉ số chất lượng không khí ngày 10/2 của Hà Nội nhiều điểm ở mức màu vàng chấp nhận được, người dân tranh thủ ra đường mua sắm Tết. Tuy nhiên đối với những người già, trẻ em, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch có thể có những tác động nhất định tới sức khỏe. Để bảo vệ sức khỏe, người dân thường xuyên đeo khẩu trang khi ra ngoài để chống bụi mịn; thực hiện giãn cách ở nơi đông người…

Ngoài ra, người dân nên thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình chất lượng không khí tại các trang công bố chất lượng không khí của cơ quan nhà nước để biết được mức độ ảnh hưởng và có các biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Người dân có thể theo dõi chỉ số chất lượng không khí trong những ngày tiếp theo tại website “moitruongthudo.vn”, để thông tin tới người dân chất lượng không khí nơi mình sinh sống được cập nhật liên tục hằng ngày.

Đáng lưu ý, một số điểm có Chỉ số chất lượng không khí (AQI) nằm ở ngưỡng màu cam (chất lượng không khí ở mức kém) do lượng xe cộ lưu thông nhiều như: Khu đô thị Pháp Vân (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì); Hoàn Kiếm; Trung Yên (Trung Hòa, Cầu Giấy); đường Phạm Văn Đồng; phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm); Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm)…

Ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, hầu hết các điểm quan trắc không khí ở các khu vực Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên chủ yếu ở mức màu xanh (chất lượng không khí tốt), ít hoặc không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Chất lượng không khí tốt phù hợp với các hoạt động ngoài trời. Người dân nên để không khí trong nhà được lưu thông.

Hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir, tổng hợp lớn nhất về dữ liệu chất lượng không khí) dự báo, từ 11-13/2, chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội có xu hướng suy giảm, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, trẻ em, người già, người mắc bệnh tim hoặc hô hấp nên hạn chế ra ngoài trời.

Để chất lượng không khí được cải thiện bền vững, người dân khi tham gia giao thông cần tuân thủ triệt để Luật Giao thông đường bộ nhằm hạn chế ùn tắc, giảm phát thải ra môi trường. Các cơ quan chức năng cần tăng cường điều tiết giao thông tại một số khu vực có mật độ giao thông cao, đồng thời xử phạt nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường. Người dân nên chọn ô tô hoặc xe, phương tiện công cộng để di chuyển, góp phần giảm bớt lượng khí thải.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên trồng cây xanh xung quanh nhà và nơi làm việc. Cây xanh cản lại rất nhiều bụi xung quanh môi trường sống, tạo ra nhiều ô xy cho môi trường sống. Trong ngày nắng nóng, mức độ ô nhiễm không khí thường cao hơn do đó cần tránh các hoạt động ngoài trời hoặc chỉ tiến hành vào buổi sáng khi mức độ ô nhiễm thường thấp hơn.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)

Theo Tin tức TTXVN

Ảnh: Nhộn nhịp chợ hoa truyền thống Hàng Lược (Hà Nội). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotintuc.vn/xa-hoi/chat-luong-khong-khi-ha-noi-o-muc-trung-binh-20210210112419161.htm