Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị cơ quan quản lý, chủ đầu tư trong hợp đồng với nhà thầu phải chia ra nhiều giai đoạn cụ thể, từng công việc để giao tiến độ.
Tại Hội nghị sơ kết đánh giá công tác đầu tư, đền bù giải tỏa năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, ngoài nguyên nhân vướng giải tỏa đền bù, có sự yếu kém năng lực của tư vấn, nhà thầu và quản lý của chủ đầu tư. Sắp tới, đối với nhà thầu thi công chậm tiến độ kéo dài, thành phố Đà Nẵng sẽ chấm dứt hợp đồng và từ chối mời đấu thầu các công trình khác.
Năm 2020, thành phố Đà Nẵng chỉ giải ngân được hơn 65% vốn đầu tư công. Nguyên nhân chủ yếu là vướng công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng. Năm 2020, thành phố triển khai 244 dự án, giải tỏa hơn 9.800 hồ sơ, nhưng chỉ hoàn thành được 30 dự án với 3.319 hồ sơ, đạt 12%. Nguyên nhân giải phóng mặt bằng chậm do ảnh hưởng 2 đợt dịch Covid-19 và mưa bão kéo dài, Hội đồng giải phóng mặt bằng hạn chế tiếp công dân vận động bàn giao mặt bằng.
Ông Nguyễn Hà Nam, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho rằng, đơn giá đền bù hỗ trợ về đất, nhà cửa, vật kiến trúc còn thấp so với thực tế nên nhiều hộ dân thuộc diện thu hồi đất chưa thống nhất giá đền bù, kiến nghị, khiếu nại, khiếu kiện kéo dài ảnh hưởng tiến độ dự án.
“Nhiều dự án, giá bồi thường, giá tái định cư có độ vênh nhau về cách xác định giá. Tiền đền bù của chúng ta áp cho hộ dân không đủ để mua lại một lô đất tái định cư thì chúng ta cần phải cân nhắc. Nhiều dự án tồn tại 10 năm nay, nhưng vướng mắc không triển khai, bây giờ vẫn áp giá đền bù cách đây 10 năm thì làm sao người dân xây nhà mới. Tôi đề nghị, chúng ta thống nhất, hộ bàn giao mặt bằng thời điểm nào thì áp giá đền bù vào thời điểm đó, mặc dù dự án triển khai cách đây 10 năm nhưng hộ đó chưa chính thức nhận tiền. Đề nghị cần có chính sách chung” – ông Nguyễn Hà Nam nói.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do chậm giải phóng mặt bằng. Đối với các đơn vị tư vấn, những năm gần đây rất nhiều đơn vị được thành phố chỉ định thầu. Vì vậy, khi làm dự toán thiết kế công trình phải điều chỉnh nhiều lần, làm thay đổi chủ trương đầu tư, dự án kéo dài. Ông Lê Trung Chinh khẳng định, đối với những đơn vị này, nếu công trình điều chỉnh một đến hai lần, Sở Xây dựng thẩm định còn tiếp tục sai phạm sẽ không được chỉ định thầu hoặc không cho tham gia đấu thầu đối với công trình trên 500 triệu đồng.
Đối với đơn vị thi công, hiện nay có tình trạng năng lực rất kém, quá trình thi công chỉ đưa một bộ phận nhỏ công nhân làm việc, kéo dài thời gian. Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị cơ quan quản lý, chủ đầu tư trong hợp đồng với nhà thầu phải chia ra nhiều giai đoạn cụ thể, từng công việc để giao tiến độ.
“Mục tiêu chúng ta là tiến độ và chất lượng công trình. Chúng ta làm biện pháp này để xử lý những nhà thầu không đủ năng lực là loại ngay vòng đầu, để khỏi bị ảnh hưởng cả một công trình. Những đơn vị này, nếu vi phạm nhiều lần thì chúng ta cũng không chỉ định thầu và không tổ chức kêu gọi mời thầu. Trách nhiệm của các Ban Quản lý phải điều hành, quản lý tốt các dự án này, nếu chúng ta ủng hộ cho năng lực nhà thầu, tư vấn yếu kém thì trách nhiệm Ban quản lý cũng phải xử lý” – ông Lê Trung Chinh nêu rõ.
Theo VOV.VN
Ảnh: Công trường thi công Dự án Nhà máy nước Hòa Liên.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://vov.vn/kinh-te/cham-dut-hop-dong-va-tu-choi-voi-nha-thau-thi-cong-cham-tien-do-830135.vov