Những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2019, cầu Rạch Miễu – huyết mạch lưu thông từ miền Tây lên TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ liên tục ‘thất thủ đến nghẹt thở’.
Nói về nguyên nhân cầu Rạch Miễu – huyết mạch lưu thông từ miền Tây lên TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ liên tục “thất thủ đến nghẹt thở”, thượng tá Võ Văn Nghĩa, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bến Tre khẳng định, việc nấn ná tiếp tục thu phí của trạm BOT cầu Rạch Miễu được xác định là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng giao thông “nghẹt thở” tại khu vực xung quanh cầu Rạch Miễu.
Không được nấn ná thu phí khi phương tiện lưu thông tăng cao
Theo thượng tá Võ Văn Nghĩa, ngoài nguyên nhân trên, việc cầu Rạch Miễu chỉ có một làn xe mỗi chiều, cũng là nguyên nhân chính gây nên vấn nạn QL 60 luôn “thất thủ” trong những ngày cao điểm về giao thông trong các dịp lễ, tết.
Thượng tá Võ Văn Nghĩa khẳng định ngay khi có dấu hiệu gia tăng phương tiện, phải lập tức xả trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu, thì đảm bảo phương tiện qua khu vực này sẽ không bị ùn ứ, “thất thủ đến nghẹ thở” như những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2019.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Thanh Niên, nhiều người dân địa phương Bến Tre, Tiền Giang…, đặc biệt là giới tài xế, cũng cho rằng phải lập tức xả trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu ngay khi có dấu hiệu gia tăng phương tiện từ cách xa trạm thu phí này.
“Chúng tôi đã xác định rồi, chỉ cần hóa giải vấn đề trên (việc thu phí – PV) là khu vực xung quanh cầu Rạch Miễu thông thoáng trong bất kỳ điều kiện nào. Hôm qua 9.2 (mùng 5 Tết), khi thấy phương tiện có xu hướng đỗ về cầu Rạch Miễu đông đúc là chúng tôi lập tức yêu cầu trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu xả trạm, và chỉ kẹt xe nhẹ trong hơn 30 phút. Sau đó, giao thông đã thông thoáng dù phương tiện di chuyển về rất đông đúc. Trong tình huống kẹt xe nghiêm trọng hơn, phía CSGT Bến Tre sẽ phối hợp CSGT Tiền Giang ngăn dòng hướng từ Tiền Giang lên để giải phóng phương tiện dồn về khu vực cầu Rạch Miễu”, thượng tá Nghĩa nói.
Mỗi dịp lễ, tết luôn có đến hàng triệu phương tiện xe máy, ô tô kẹt cứng trên QL 60 xung quanh cầu Rạch Miễu ẢNH: BẮC BÌNH
Có khát vọng, nhưng chưa có… tiền
Năm 2009, cầu Rạch Miễu khánh thành đã phá thế biệt lập từ bao đời nay của của người dân “xứ sở 3 đảo dừa xanh”. Năm 2015, cầu Cổ Chiên đưa vào vận hành và từ đây, người dân các tỉnh phía Đông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rút ngắn được khoảng cách hơn 70 km để đi TP.HCM… Tuy nhiên, cũng từ đó, QL 60 tại khu vực xung quanh 2 cầu được đầu tư theo hình thức BOT này, đã dần trở thành các “nút thắt cổ chai” hành hạ người đi đường đến mòn mỏi, thậm chí thời gian chờ qua khu vực này còn lâu hơn đi phà như trước kia.
Liên quan đến vấn đề này, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết các “nút thắt cổ chai” như cầu Ba Lai, cầu Rạch Chuối trên QL 60 đã được khắc phục sau khi giai đoạn 1 của Dự án nâng cấp, mở rộng 4 đoạn trên QL 60 hoàn thành căn bản. Riêng cầu Rạch Miễu – “nút thắt cổ chai” nghiêm trọng nhất do QL 60 có 4 làn xe nhưng cầu Rạch Miễu chỉ có 1 làn xe.
Ông Cao Văn Trọng nói: “Triển khai xây cầu Rạch Miễu 2 là khát vọng của chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre. Nhưng, chúng tôi vẫn chưa tìm được nguồn vốn”.
Thời gian qua, UBND tỉnh Bến Tre đã rất nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn xây cầu Rạch Miễu 2 để giảm tải cho cầu Rạch Miễu đang quá tải. Nhưng, hiện vẫn chưa có kết quả gì khả quan ẢNH: BẮC BÌNH
Gấp rút xóa các “nút thắt cổ chai”
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Tiền Giang, mỗi ngày có trên 120.000 lượt phương tiện lưu thông trên QL 1 qua địa bàn Tiền Giang; đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương trên 50.000 lượt phương tiện, BOT cầu Rạch Miễu trên 20.000 lượt phương tiện.
Thế nhưng, các “nút thắt cổ chai” như “vòng xoay mi ni” Thân Cửu Nghĩa, cầu Rượu gần ngã tư Đồng Tâm; đặc biệt là trên tuyến QL 1 còn 9 cầu hẹp “thắt cổ chai” khiến cho vấn nạn ùn tắc, kẹt xe liên tục xảy ra.
Cụ thể, tại các “nút thắt cổ chai” trên tuyến huyết mạch QL 1 qua tỉnh Tiền Giang, là chiều ngang mặt đường 19 mét, nhưng những cầu hẹp chỉ có 12 mét. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây kẹt xe hết sức nghiêm trọng trong các ngày cao điểm về giao thông.
Do vậy, từ lâu, tình trạng kẹt ở trên QL 1 trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của hàng triệu người miền Tây.
Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang Trần Văn Bon, cho rằng lượng phương tiện quá lớn từ hướng tỉnh Bến Tre theo QL 60 vào TP.Mỹ Tho là nguyên nhân lớn gây nên tình trạng ùn ứ nghiêm trọng trên QL 1 trong các ngày lễ, tết ẢNH: BẮC BÌNH
“Chúng tôi luôn có CSGT, thanh tra giao thông và cảnh sát cơ động túc trực điều tiết giao thông ở các điểm nóng xảy ra ùn tắc như vòng xoay Thân Cửu Nghĩa, ngã tư Lương Phú, ngã tư Đồng Tâm và cầu Rạch Miễu nhằm hạ nhiệt ùn ứ phương tiện. Mặt khác, lực lượng chức năng tích cực điều tiết giao thông để các phương tiện lưu thông “né” QL 1 bằng Tỉnh lộ 864 (thông từ TP.Mỹ Tho đến H.Cái Bè, Tiền Giang) để hạn chế tình trạng ùn tắc cục bộ trên QL 1”, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang cho biết đó là giải pháp trước mắt đang thực hiện.
Dù thực hiện nhiều giải pháp, song khu vực QL 1 qua tỉnh Tiền Giang vẫn thường xuyên xảy ra ùn ứ đặc biệt nghiêm trọng trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019 ẢNH: BẮC BÌNH
Về giải pháp mang tính lâu dài, theo ông Trần Văn Bon, hiện tỉnh Tiền Giang tiến hành giải phóng mặt bằng, dự kiến sau Tết Kỷ Hợi 2019 sẽ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công nâng cấp 4 cầu gồm cầu Rượu, cầu Sao, cầu Mỹ Quý và cầu Rạch Miễu (H.Cái Bè) để thi công mở rộng từ 2 làn xe thành 4 làn xe cho bằng mặt đường QL 1. Tổng kinh phí thực hiện là 200 tỉ đồng. Các cầu “thắt cổ chai” còn lại trên QL 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang đang được chính quyền địa phương tiếp tục đề nghị Bộ GTVT bố trí vốn để thi công, mở rộng.
Đáng ra chỉ mất 5 phút, nay bị hành hạ tới hơn 2 tiếng rưỡi đồng hồ mỏi mòn
Từ Hà Tĩnh vào TP.HCM làm việc rồi lấy vợ quê Bến Tre hơn 10 năm qua, năm nào anh Nguyễn Văn Trường cũng chạy xe gắn máy chở cả nhà từ TP.HCM về quê vợ đón Tết.
Thế nhưng, sau 2 trận bị kẹt cứng khi qua lại khu vực cầu Rạch Miễu trong Tết Kỷ Hợi 2019, anh Trường ngao ngán: “Hồi đó về tới phà Rạch Miễu rồi ngồi mất 30 – 45 phút, xui xui thì chờ thêm 15 – 20 phút nữa là cùng. Nhưng, nay qua cầu lẽ ra chỉ mất có 5 phút nhưng 2 bận đi về qua cầu Rạch Miễu, tôi mất hơn 2 tiếng rưỡi đồng hồ mỏi mòn, kiệt sức. Ở thành phố bị kẹt quanh năm đã đành, nay khi về quê còn kẹt xe dữ dội hơn”.
Ghi nhận vào sáng 10.2 (mùng 6 Tết), lượng phương tiện lưu thông vào QL 60 hướng lên cầu Rạch Miễu đông dần lên. Dự kiến sẽ có đến hàng trăm ngàn xe máy và hàng chục ngàn phương tiện xe ô tô, xe tải, xe khách từ các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng… qua cầu Rạch Miễu trong ngày nghỉ Tết cuối cùng này.
Hàng ngàn người đi xe gắn máy chở đồ đạt, vợ con… chạy trên QL 60 hướng lên cầu Rạch Miễu mà không giấu được nỗi lo lắng kinh hoàng sẽ bị kẹt lại hàng giờ.
Bắc Bình – Báo Thanh Niên
Theo Thanh Niên
Ảnh: Việc nấn ná tiếp tục thu phí của trạm BOT cầu Rạch Miễu được xác định là một trong những nguyên nhân chính gây đến tình trạng giao thông “nghẹt thở” tại khu vực xung quanh cầu Rạch Miễu – Ảnh: ẢNH: BẮC BÌNH
Xem bài viết gốc tại đây: