‘Cát nhân tạo’ từ bùn đất yếu – giải pháp cho tương lai

Bằng giải pháp cứng hóa bùn đất yếu, khu vực ĐBSCL có thể tiết kiệm được hàng trăm triệu m3 cát khai thác tự nhiên cho mục đích xây dựng.

Giải pháp thay thế cát xây tự nhiên

Theo GS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, hiện nay thượng nguồn sông Mê Kông đã và đang hình thành 20 bậc thang thủy điện. Trong đó, 9 bậc thang thủy điện trên sông Lan Thương (sông Mê Kông chảy qua lãnh thổ Trung Quốc) và 11 bậc thang thủy điện tại Lào.

Các thủy điện này đã giữ lại một khối lượng bùn cát khổng lồ. Ước tính, khi 20 bậc thang thủy điện kể trên hoàn thành, trong những năm đầu tích nước lượng bùn cát đổ về đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam được dự báo sẽ thiếu hụt khoảng 80% so với trước đây. Đây là hệ lụy đáng quan ngại nhất cho chúng ta.

Trong khi đó, để có nguồn vật liệu phục vụ xây dựng hạ tầng, hoạt động khai thác cát trên sông Tiền và sông Hậu diễn ra rầm rộ. Việc kiểm soát không nghiêm dẫn đến nạn cát tặc diễn biến phức tạp. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng lòng sông bị xói sâu, gây sạt lở bờ sông ngày càng trầm trọng.

Người dân ĐBSCL có nhu cầu sử dụng bùn cát rất lớn để cứng hóa nền đất, xây dựng cơ sở hạ tầng. Ảnh: Quang Dũng.

Ngay ở đối với sông Hồng, các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, do khai thác cát đã làm lòng sông xói sâu. Do đó, với đoạn qua Hà Nội, cùng một lưu lượng mùa kiệt nhưng mực nước so với trước đây 10 năm tụt thấp đến 2m.

Vùng ĐBSCL có nhu cầu sử dụng cát với khối lượng rất lớn để xây dựng công trình nhà ở, đường giao thông và đê bao, bờ bao… Do nền đất yếu nên phải sử dụng cát để tăng ổn định công trình. Tại Cà Mau, để đắp được 1km đê biển cần khoảng 100.000 m3 cát (để làm lõi đê), như vậy 100km đê thì cần 10 triệu m3 cát san nền. Hay tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua tỉnh Cà mau dài khoảng 100km đã sử dụng tới 20 triệu m3 cát chỉ để làm móng đường.

Trước thực trạng khai thác quá mức tài nguyên cát tự nhiên, năm 2016 Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai 4 đề tài nghiên cứu giải pháp thay thế cát xây dựng. Viện Thủy công (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) đã đề xuất và được giao thực hiện đề tài nghiên cứu giải pháp cứng hóa bùn nạo vét tại vùng ĐBSCL để thay thế cát xây dựng.

Cần chống nạn “cát tặc”

Hiện nay chúng ta có các dự án nạo vét bùn trên các sông. Việc đổ bùn thải đi đâu là bài toán nan giải, bởi nó sẽ tăng chi phí để xây dựng bãi thải và ảnh hưởng đến môi trường. Nếu chúng ta tận dụng nguồn bùn thải này, phối trộn với chất kết dính để cứng hóa làm thành nền móng cho đê bao, bờ bao và cho các khu dân cư vượt lũ thay thế cho việc sử dụng cát như hiện nay thì rất có ý nghĩa.

GS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam. Ảnh: NNVN.

Chúng tôi đã sử dụng chất kết dính gồm tro bay, tro xỉ các nhà máy nhiệt điện, như vậy còn giảm tác động ô nhiễm môi trường. Hiện nay, việc nghiên cứu giải pháp này đã có kết quả tốt, chúng ta có thể sản xuất với số lượng lớn. Tuy nhiên, việc đưa vào các dự án còn hạn chế bởi khó cạnh tranh về giá cả so với cát khai thác tự nhiên.

Nguyên nhân là do 1m3 cát tự nhiên hiện nay có giá 200.000 đồng, trong khi “cát nhân tạo” từ bùn đất yếu có giá 300.000 đồng, người dân không mặn mà sử dụng. Muốn sử dụng nguồn vật liệu này để thay thế cát tự nhiên một cách đại trà, thì Chính phủ, Bộ TN-MT cùng các cơ quan liên quan từ Trung ương đến địa phương phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, chống nạn “cát tặc”. Đồng thời, phải có cơ chế tính đơn giá tổng hợp, bao gồm chi phí bảo vệ môi trường như các nước khác đã làm thì mới cạnh tranh được.

Một hướng nghiên cứu nữa là sử dụng cát biển để thay thế cát tự nhiên để chế tạo kết cấu bê tông trong công trình xây dựng hoặc làm nền cho đường giao thông cũng đang được các đơn vị khác nghiên cứu. Ngoài ra, hiện ở một số tỉnh phía Nam đã có dây chuyền nghiền đá thành cát, tuy nhiên giá thành vẫn cao hơn so với cát tự nhiên nên khó cạnh tranh.

Vấn đề tìm giải pháp thay thế cát xây dựng không phải là câu chuyện của riêng ĐBSCL và của Việt Nam. Ở Trung Quốc, nghiên cứu về giải pháp thay thế cát xây dựng trong san lấp được thực hiện từ đầu những năm 2000, nhưng mãi sau 10 năm khi nhà nước cấm “cát tặc” thì sản phẩm nghiên cứu mới vào cuộc được.

Minh Phúc – Báo Nông Nghiệp

Theo Nông Nghiệp

Ảnh: Lượng bùn cát đổ về các dòng sông ở Đồng bằng sông Cửu Long từ thượng nguồn sông Mê Kông ngày càng ít. Ảnh: Quang Dũng.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nongnghiep.vn/cat-nhan-tao-tu-bun-dat-yeu–giai-phap-cho-tuong-lai-d264206.html