Cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng gặp khó: Phương án nào từ địa phương và nhà đầu tư để gỡ vướng?

Hiện tại việc triển dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng vẫn rơi vào thế khó do đang gặp những vấn đề liên quan đến phương án tài chính dự án.

Theo đó, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (Công ty Đèo Cả) là 1 trong 3 nhà đầu tư dự án dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị – Chi Lăng) thuộc dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã gửi văn bản 36 ngày 1/10/2021 gửi tới Tỉnh ủy Lạng Sơn, HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị tháo gỡ khó khăn cho dự án.

Doanh nghiệp này nêu cụ thể những tồn tại, vướng mắc quan trọng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm đã làm thay đổi phương án tài chính dự án.

Cụ thể, Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn – Hữu Nghị là Doanh nghiệp dự án là đại diện pháp luật được thành lập bởi các nhà đầu tư góp vốn của dự án thành phần 2 đoạn Hữu Nghị – Chi Lăng thuộc dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.

Tính đến ngày 30/9/2021, dự án thành phần 2 cao tốc Hữu Nghị Chi Lăng, Công ty Đèo Cả chiếm tỷ lệ 31,60%, 02 nhà đầu tư còn lại chiếm 68,40% cổ phần.

Thông tin từ báo Dân Việt cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh nói rằng dự án thành phần 1 của cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn dài 64 km đã hoàn thành. Còn thành phần 2 đoạn Hữu Nghị – Chi Lăng do nhà đầu tư thu xếp vốn gặp khó khăn nên không thể triển khai.

Trong khi đó, theo nguồn tin của Báo Giao thông, nguyên nhân dẫn tới phản ánh trên của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả bắt nguồn từ sự không thống nhất trong phương án lựa chọn đầu tư cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng giữa doanh nghiệp và đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tại văn bản 251 ngày 10/3/2021, Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn cho biết, dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng dài 43km, tổng mức đầu tư khoảng 7.609 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm: 4.000 tỷ đồng vốn hỗ trợ nhà nước và 3.609 tỷ đồng vốn của nhà đầu tư. Phương án thực hiện là kết hợp nguồn vốn của nhà nước và nhà đầu tư. Theo đó, dự án sẽ tách riêng hạng mục giải phóng mặt bằng thành một tiểu dự án riêng (TMĐT: 781 tỷ đồng) thực hiện bằng vốn ngân sách. Còn lại, cấu phần xây dựng sẽ kết hợp nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn của nhà đầu tư khoảng 6.828 tỷ đồng.

Các nhà đầu tư góp khoảng 3.809 tỷ đồng, còn lại Phần vốn nhà nước tham gia vào dự án khoảng 3.019 tỷ đồng nhằm đảm bảo tỷ lệ phần góp vốn của nhà nước không vượt quá 50% tổng mức đầu tư theo quy định của Luật PPP. Theo kế hoạch, dự án sẽ đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT và nhà đầu tư được thu phí trên toàn bộ chiều dài tuyến 43km. Thời gian hoàn vốn dự án khoảng 27 năm 1 tháng.

Tuy nhiên, Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn, cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng lai kiến nghị lên lãnh đạo địa phương chọn phương án đầu tư theo hướng tách riêng phần vốn của nhà nước và vốn của nhà đầu tư thành các dự án thành phần độc lập với nhau. Cụ thể, nguồn vốn ngân sách nhà nước được quản lý và sử dụng theo quy định của Luật Đầu tư công, còn nguồn vốn của nhà đầu tư được quản lý theo Luật PPP và nhà đầu tư chỉ được thu phí trên đoạn tuyến đầu tư bằng nguồn vốn của nhà đầu tư.

Doanh nghiệp phản ứng lại, cho rằng đề xuất của Ban QLDA không phù hợp với với các quy định của Luật PPP và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật PPP, đi ngược với chủ trương khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư của Đảng và Nhà nước. Đại diện của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả cho rằng đề xuất trên không khác gì thách đố nhà đầu tư, không thể thực hiện khi thời gian hoàn vốn dự án lên tới gần 40 năm.

Do đó, để dự án có thể tiếp tục triển khai Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả đã phải gửi văn bản kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn sớm tổ chức cùng nhà đầu tư làm việc với Ngân hàng Vietinbank nhằm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn. Đồng thời, doanh nghiệp này đề xuất lãnh đạo địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định năng lực của liên danh nhà đầu tư và nguồn vốn huy động khác theo Luật PPP trước khi phê duyệt dự án; Thời gian thực hiện trong tháng 10/2021.

Đáng chú ý, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn – Hữu Nghị – ông Phạm Minh Đức lại phát biểu trước báo chí rằng: Trong quá trình thực hiện và giải quyết công việc, khúc mắc (nếu có) thì doanh nghiệp dự án là chủ đầu tư có trách nhiệm chính. Còn lại những thông tin phát ngôn khác là không phù hợp và không phải là ý kiến chung của các nhà đầu tư/ chủ đầu tư dự án. Đồng thời, đánh giá cao tinh thần hợp tác với các nhà đầu tư của Lạng Sơn nhằm xử lý, tháo gỡ các vướng mắc nhằm mục đích sớm triển khai thực hiện và hoàn thành dự án.

Về phía địa phương, ông Lương Trọng Quỳnh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã trả lời báo chí một số thông tin liên quan về lùm xùm của con đường cao tốc này. Đầu tiên, ông khẳng định không có chuyện dự án bị tách phần vốn nhà nước ra thành một tiểu dự án đầu tư công và một dự án đầu tư BOT; dự án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Ông cũng trả lời thêm rằng, dự án cũng không bị tách riêng phần vốn của nhà nước và vốn của nhà đầu tư thành các dự án thành phần độc lập với nhau. Tỉnh đang làm việc để làm rõ những thông tin gây hiểu nhầm và ảnh hưởng xấu tới uy tín và tình hình thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ 1.000 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để hỗ trợ cho Nhà đầu tư bổ sung nguồn vốn đảm bảo phương án tài chính khả thi cho dự án. Cùng với đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp Nhà đầu tư để tìm giải pháp xử lý, tháo gỡ các vướng mặc. Đến nay, dự án đã cơ bản được các cấp thẩm quyền hỗ trợ, giải quyết.

Hồng Sơn/DNVN

Theo Doanh nhân VN

Ảnh: Một phần của cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đã hoàn thành. Ảnh: Người Lao Động

Xem bài viết gốc tại đây:

https://doanhnhanvn.vn/cao-toc-huu-nghi-chi-lang-gap-kho-phuong-an-nao-tu-dia-phuong-va-nha-dau-tu-de-go-vuong.html