Cảnh tượng chưa từng có ở suối Chợ

Bọt tuyết tràn suối Chợ khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng bởi mức độ ô nhiễm ở đây ngày càng gia tăng.

Rạng sáng 9/4, ông Trần Dũng và người dân (khu dân cư 46, phường Phú Tân, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) tá hỏa khi thấy dưới suối Chợ gần nhà xuất hiện bọt tuyết phủ dày đặc, đùn lên cao ngang mặt đường. “Cảnh tượng chưa từng thấy bao giờ tại đây”- ông Dũng thốt lên. Ông cho biết, trước đây ông từng thấy nước ở suối có màu lạ và hôi, nhưng chưa từng thấy bọt dày như thế.

Một người dân khác sống gần suối Chợ, ông Nguyễn Phi Hùng (phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên) cũng cho biết: “Trước đây, người dân chúng tôi dùng nước suối để sử dụng trong sinh hoạt, từ giặt áo quần đến tưới tiêu, nhưng mấy năm nay không ai dám bởi nguồn nước ô nhiễm ghê gớm”. Theo ông Hùng, thời gian trước, người dân liên tục phản ánh về việc nước suối hôi thối, xuất hiện màu lạ nhưng các cơ quan chức năng chỉ ghi nhận ý kiến mà chưa xử lý được.

Thủ phạm gây ô nhiễm ở suối Chợ là Công ty bột giặt LIX nằm trong KCN Đại Đăng (TP.Thủ Dầu Một) khi để nước mưa cuốn nguyên liệu sản xuất ra ngoài. Cơ quan chức năng ở địa phương cho biết, các chất có trong dung dịch bọt ở suối Chợ do Công ty bột giặt LIX thải ra được ghi nhận cao hơn rất nhiều lần mức cho phép. Cụ thể hàm lượng BOD5 vượt 127 lần, COD vượt 123 lần, tổng N vượt 3,9 lần, Amoni vượt 3,7 lần, tổng P vượt 1,7 lần, SS vượt 1,13 lần. Với lưu lượng nước thải là 500 m3/ngày, Công ty LIX không chỉ làm làm ô nhiễm kênh Chợ mà còn gây ô nhiễm đoạn kênh Tân Vĩnh Hiệp chảy qua KCN Đại Đăng vào thời điểm đêm 8, rạng ngày 9/4/2020 với hàm lượng chất hoạt động bề mặt vượt trên 10 lần so với tiêu chuẩn cho phép.

Sự kiện bọt tuyết tràn suối Chợ khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng bởi mức độ ô nhiễm ở đây ngày càng gia tăng. “Từ khi xảy ra cảnh tượng trên, gia đình tôi đã tính đến chuyện dời đi nơi khác ở”- ông Trần Dũng cho hay. Ông Nguyễn Phi Hùng bày tỏ sự thất vọng: “Sinh sống cạnh các KCN là để thuận tiện cho việc đi lại nơi làm, nhưng lại phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường từ các loại chất thải nhà máy, chúng tôi quá mệt mỏi”.

Kênh Ba Bò nằm tiếp giáp giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương luôn phải hứng nước thải từ 2 KCN Sóng Thần 1 và 2, với 15.000 – 16.000 m3/ngày. Mỗi ngày kênh này còn hứng chịu 4.000 m3 nước thải thuộc các KDC và 500 m3 nước thải từ các doanh nghiệp ngoài KCN. Người dân khu vực này cho biết nước kênh liên tục xuất hiện màu lạ, hôi thối. “Chúng tôi luôn bất an vì ô nhiễm nguồn nước. Mỗi khi doanh nghiệp bơm nước thải vào hồ khuấy lên gây mùi hôi nên nhà nào cũng phải đóng cửa” – bà Nguyễn Thị Trường, một người dân sống gần kênh Ba Bò (ngụ phường Bình Hòa, TP Thuận An, Bình Dương) nói.

Không chỉ ô nhiễm nguồn nước, người dân ở nhiều KDC được hình thành ngay cạnh KCN khác cũng đang phải chịu đựng cảnh ô nhiễm không khí, tiếng ồn. Tại khu vực KCN Mỹ Phước 3 (TX.Bến Cát),cư dân sinh sống gần đó cho biết luôn phải hứng chịu khí thải độc. Ông Đoàn Văn Thanh, người dân sát KCN này nói rằng các nhà máy thép, giấy trong KCN liên tục xả khí thải ra môi trường khiến chúng tôi rất khó thở nên nhiều gia đình thường phải đóng cửa để hạn chế bị khí thải gây ảnh hưởng. “Kêu mãi rồi, nhưng không ai giải quyết. Sống cận kề KCN chẳng thấy lợi, chỉ thấy hại”- ông Thanh than thở.

Hiện Bình Dương có khoảng 1.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nằm ngoài khu – cụm công nghiệp và chen lẫn trong các khu dân cư. Ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đang rà soát và có kế hoạch di dời các nhà máy nằm trong khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp nhằm phục vụ chỉnh trang đô thị, kiểm soát các nguồn phát thải gây ô nhiễm và tránh sự nguy hiểm cho người dân.

DQ

Hương Chi – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Kênh Ba Bò nổi trắng bọt hóa chất thải ra từ các nhà máy xung quanh. Ảnh: Hương Chi

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.tienphong.vn/xa-hoi/canh-tuong-chua-tung-co-o-suoi-cho-1683511.tpo