Cảnh báo ngập lụt tự động bằng công nghệ cảm biến vi cơ điện tử do người Việt chế tạo

Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Triển khai Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP LABS) đã nghiên cứu, chế tạo thiết bị trên nền tảng công nghệ vi cơ điện tử (MEMS), có thể quan trắc tình trạng ngập lụt trên đường phố và trên sông.

Thiết bị gồm các thành phần như bộ cảm biến (đo mực nước, nhiệt độ, độ ẩm); bộ thu nhận và truyền dữ liệu; pin mặt trời; camera; … Trong đó, thiết bị sử dụng cảm biến áp suất đo mực nước PS50-SHTPLABS do SHTPLABS nghiên cứu, sản xuất. Một số cảm biến khác được nhập khẩu. Thiết bị quan trắc được thiết kế linh hoạt, quản lý đồng thời nhiều cảm biến đo. Các thông số cảm biến đo mực nước đáp ứng sai số đo < ± 2cm và các tiêu chuẩn của lĩnh vực khí tượng thủy văn;… cùng với khả năng chống sét, cảnh báo chống trộm.

Thiết bị sẽ được đặt tại giếng đo để quan trắc mức độ ngập lụt một cách tự động. Khi đường phố bắt đầu ngập, mực nước trong hố ga và mực nước trong giếng đo có độ cao bằng độ cao mực nước tại 1/3 mặt đường và tiếp tục tăng lên đồng bộ, khiến áp suất trong dây dẫn tăng lên. Thông qua cảm biến áp suất, sẽ xác định được mực nước trong giếng đo. Các hình ảnh hiện trạng, số liệu đo được cập nhật tự động, liên tục gửi về trang web được thiết lập.

tm-img-alt
Thiết bị quan trắc ngập được lắp đặt tại Quận 2, TP.HCM Ảnh: NNC

Đối với trạm đo mực nước sông, tiết bị sẽ sử dụng ống bẫy hơi bằng inox có gắn dây silicon (có ống nhựa bảo vệ) đặt ở vị trí cố định. Khi mực nước trên sông thay đổi (lên, xuống), áp suất trên dây dẫn cũng thay đổi. Qua cảm biến áp suất, xác định được sự thay đổi độ cao mực nước.

Hiện tại thiết bị quan trắc mực nước trên sông được lắp đặt tại trạm Thủy văn Thủ Dầu Một (Bình Dương). Thiết bị cũng đã được lắp đặt trên những vị trí ngập nặng ở một số tuyến phố của TPHCM tại quận 2, quận 9, Thủ Đức.  Kết quả cho thấy, thiết bị hoạt động liên tục và ổn định, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành khí tượng thủy văn. Các thông số kỹ thuật và số liệu quan trắc đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng chuyên ngành.

Nhóm tác giả đã làm chủ được công nghệ và quy trình thiết kế, chế tạo thiết bị quan trắc môi trường theo tiêu chuẩn khí tượng thủy văn, cho nên có thể cung cấp thiết bị với giá thành thấp hơn (khoảng ½) so với các thiết bị nhập ngoại có cùng tính năng.

Đây cũng là một sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và triển khai lắp đặt thiết bị quan trắc ngập tại các điểm thường xuyên ngập nặng thuộc đô thị sáng tạo kết nối công nghệ đô thị thông minh TPHCM” vừa đoạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật TPHCM lần thứ 26 .

Hải Thanh

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)