Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, tình hình hạn mặn đầu năm 2024 có thể cao, một số tỉnh dọc theo sông Tiền, sông Hậu như Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre và Tiền Giang có thể xảy ra tình trạng hạn mặn cục bộ.
Nhận định về tình hình El Nino trong những tháng đầu năm 2024, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, từ tháng 1 – 2/2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 95%. Sau đó, xác suất của hiện tượng El Nino giảm xuống mức 60-85% vào thời kỳ tháng 3 – 5/2024. Do vậy, các tháng mùa khô năm 2023 – 2024, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
“Nếu xâm nhập mặn kéo dài với độ mặn cao, một số vùng dọc theo sông Tiền, sông Hậu thuộc Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre và Tiền Giang có thể bị hạn mặn cục bộ cho các trà lúa và vườn cây ăn trái” – ông Khiêm lưu ý.
Theo ông Khiêm, El Nino khả năng diễn ra với cường độ trung bình đến mạnh trong những tháng đầu năm 2024. Độ mặn tại các sông trong mùa khô 2023 – 2024 ở mức cao và hầu hết đều ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Do vậy, tình hình hạn mặn đầu năm 2024 có thể sẽ rất gay gắt; mặn sẽ lấn sâu vào vùng ven biển.
Trong trường hợp El Nino cực đoan, đến giữa mùa khô (từ tháng 2/2024 trở đi), dù có ngăn mặn từ biển vào, bên trong vẫn thiếu nước ngọt.
Trong các tháng mùa khô 2023 – 2024, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long khả năng gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Do vậy, người dân cần có kế hoạch ứng phó, chủ động trước xâm nhập mặn.
Cùng với đó, các tháng mùa khô ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa. Trước những dự báo trên, các địa phương trong vùng sẽ phải xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn sớm và sâu hơn nhằm đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2023- 2024, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.
Nhằm đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất vừa phòng, chống hạn mặn cho vụ lúa Đông Xuân 2023 – 2024, cần tăng cường kiểm tra các công trình cống đập ngăn mặn, củng cố hệ thống đê bao cho từng vùng sản xuất vừa ngăn mặn và triều cường hiệu quả, không để ảnh hưởng đến vụ lúa, khuyến cáo nông dân bơm trữ nước trong ruộng lúa hoặc nội đồng khi có điều kiện.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có công văn báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cảnh báo tác động của El Nino; thông tin cho các bộ, ngành, địa phương có phương án ứng phó.
Những việc cần làm trước mắt và lâu dài đối với các bộ, ngành, địa phương đã được Thủ tướng yêu cầu trong Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu cơ quan khí tượng thủy văn và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể; trong đó, tăng cường tần suất bản tin chuyên đề về hiện tượng El Nino, dự báo lượng mưa và nguồn nước trên các lưu vực sông; cung cấp kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo nguồn nước phục các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp.
Các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá nhu cầu dùng nước cho sản xuất và sinh hoạt để có kế hoạch điều chỉnh phù hợp, đặc biệt là đối với vụ Đông Xuân ở Bắc Trung Bộ, Trung Bộ hoặc các khu có hoạt động phát triển du lịch lớn trong những tháng mùa khô 2023 – 2024.
Các địa phương cần có biện pháp tích trữ, sử dụng hợp lý nguồn nước ngọt và bố trí mùa vụ hợp lý. Đồng thời, các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo xâm nhập mặn để có các biện pháp phòng, chống hạn mặn phù hợp. Chủ các hồ chứa được yêu cầu xem xét điều chỉnh kế hoạch vận hành, sản xuất để ứng phó với nguy cơ thâm hụt lượng mưa trong điều kiện El Nino.
Khu vực Nam Bộ được nhận định là nơi có thời tiết ôn hòa nhất trên cả nước nhưng hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức và chịu tổn thương từ nhiều loại hình thiên tai. Đặc biệt, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng, triều cường gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng gia tăng cả về cường độ và phạm vi ảnh hưởng, tác động nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân.
Đặc biệt, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng, triều cường gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng gia tăng cả về cường độ và phạm vi ảnh hưởng, tác động nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân.
Thu Quỳnh – Báo Đại Đoàn Kết
Theo Đại Đoàn Kết
Ảnh: Nhân viên Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng đo nồng độ mặn ở huyện Kế Sách. Ảnh: TTXVN.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://daidoanket.vn/canh-bao-han-man-gay-gat-ngay-tu-dau-nam-10271035.html