Cần xử nghiêm tình trạng san lấp trái phép diện tích đất nông nghiệp

Người dân cho biết, tình trạng khai thác đất để san lấp vào diện tích đất nông nghiệp diễn ra từ lâu. Nhiều hộ đổ vào ao và cũng có nhiều hộ lấy đất san gạt cả đất ruộng.

Mặc dù chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất trồng lúa, ao hồ (gọi chung là đất nông nghiệp), nhưng hàng chục hộ dân ở xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đã ngang nhiên san gạt lấp ao; san bằng hàng nghìn mét vuông diện tích đất ruộng với độ cao trên dưới 1m.

Điều đáng nói, tình trạng này đã diễn ra từ năm 2020 và chính quyền xã đã nhiều lần lập biên bản xử phạt hành chính nhưng đến nay vẫn diễn ra một cách công khai, ồ át gây bức xúc trong dư luận.

Phóng viên có mặt tại khu 6, xã Tạ Xá ngày 4/3, trên con đường nhựa trải dài từ đầu xã đến cuối khu 6, một màu đất đỏ nhớp nháp do mưa phùn phủ khắp mặt đường. Từ hai bên đường trục chính của xã, cho đến các ngõ ngách dẫn vào nhà dân, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã được san phẳng.

Phía trong một con đường đất nhỏ, phóng viên đã phát hiện 1 máy múc đang hì hục khoét đồi, múc đất lên 4 xe tải rồi chở đi lấp gần hết toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, cách vị trí khai thác khoảng 100m.

Thấy phóng viên ghi hình, chiếc máy múc ngừng hoạt động, hai chiếc xe tải đã “trót” múc đất lên thùng cũng nhanh chóng đổ nhanh xuống ruộng rồi “chạy” mất hút. Người dân xã Tạ Xá cho biết, tình trạng khai thác đất để san lấp vào diện tích đất nông nghiệp ở đây diễn ra từ lâu. Nhiều hộ đổ vào ao và cũng có nhiều hộ lấy đất san gạt cả đất ruộng.

Anh C (xin được dấu tên), trú tại xã Tạ Xá chia sẻ, việc được lấp ao lấy mặt bằng hay san gạt đất trồng lúa có được phép hay không nhưng lấy đất để san gạt mặt bằng đã làm ô nhiễm môi trường do bụi bẩn gây ra. Đất theo xe rơi vương vãi khắp đường, trời mưa thì trơn trượt, trời nắng thì bụi mù…

“Người dân chúng tôi chỉ mong làm sao xã có biện pháp xử lý kịp thời, dứt điểm. Nếu có chủ chương san gạt để phục vụ lợi ích của Nhà nước, của dân thì cũng nên thông báo cho dân biết. Mặt khác, phải đảm bảo về cảnh quan môi trường và sử dụng đất đúng mục đích.…”, anh C chia sẻ thêm.

Trên thực tế, việc khai thác đất để san gạt trái phép không chỉ ở khu 6 mà còn diễn ra ở khu 5, khu 7 và khu 9. Tại những khu này, rất nhiều diện tích ao, ruộng đã bị lấp, vết đất còn rất mới.

Trao đổi với phóng viên, ông Mai Tiến Đường, Chủ tịch UBND xã Tạ Xá khẳng định, trên địa bàn xã hiện không có bất cứ quyết định cấp phép cho cá nhân, tập thể nào hạ cốt san nền.

Ông Đường thừa nhận, thời gian qua trên địa bàn xã nhiều hộ dân đã tự ý san gạt đất nông nghiệp chủ yếu là lấp ao, san gạt đất ruộng lúa. Xã đã nhiều lần mời các chủ hộ lên làm việc, lập biên bản xử phạt hành chính với mức phạt từ 2 – 5 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm ở những diện tích to nhỏ khác nhau.

Ở một diễn biến khác khi phóng viên đề cập trong việc lập biên bản, tạm giữ các phương tiện khai thác và việc san gạt trái phép diễn ra trong một thời gian dài mà chưa được xử lý dứt điểm, Chủ tịch UBND xã Tạ Xá Mai Tiến Đường cho hay, xã không đủ thẩm quyền xử lý các phương tiện khai thác, phương tiện chở…

Vì thế, xã đã có công văn gửi UBND huyện hỗ trợ lực lượng thu giữ, xử phạt nhiều phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, do các hộ dân vẫn cố tình vi phạm, lực lượng chuyên trách mỏng nên tình trạng này còn kéo dài. Bên cạnh đó, xã không có chức năng thu giữ phương tiện, mức xử phạt không đủ răn đe…

Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Chí Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê. Ông Lợi cho biết, huyện đã chỉ đạo lực lượng liên quan rà soát, kiểm tra lại toàn bộ thông tin của phóng viên và sẽ trả lời cụ thể cho phóng viên sau khi có được thông tin của các ngành chức năng kiểm tra.

Theo thống kê biên bản xử phạt của UBND xã Tạ Xá, từ tháng 7 năm 2019, xã đã xử phạt hơn 20 hộ lấp ruộng, ao với diện tích hơn 5.000m2.

Không chỉ ở huyện Cẩm Khê, tại huyện Lâm Thao lợi dụng sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở, một số hộ dân trên địa bàn xã Phùng Nguyên đã tự ý san lấp, sử dụng trái phép hàng nghìn m2 đất nông nghiệp và đất hành lang an toàn giao thông. Tình trạng này diễn ra đã lâu nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý, khắc phục.

Theo cán bộ địa chính xã Phùng Nguyên, nhiều diện tích đất cấy lúa và đất hành lang an toàn giao thông đã bị một số người dân tự ý đổ đất xây dựng lều quán bán hàng trái phép từ năm 2019.

Đầu năm 2020, UBND xã, các cơ quan chuyên môn của huyện Lâm Thao cùng với Thanh tra giao thông vận tải tỉnh lập biên bản yêu cầu các hộ tháo dỡ công trình, khôi phục hiện trạng ban đầu, nếu không sẽ bị cưỡng chế. Tuy nhiên đến nay, sau hơn 1 năm, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.

Lý giải về việc này, ông Nguyễn Đình Năm, Phó chủ tịch UBND xã Phùng Nguyên cho hay, nguyên nhân một phần là do việc xử lý của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng của huyện chưa quyết liệt, cần thêm những biện pháp quyết liệt hơn để 16 hộ dân thực hiện biên bản cam kết ký từ đầu năm 2020 khôi phục hiện trạng đất đối với 4.500 m2 đất san lấp trái phép.

Ông Ngô Duy Khang, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lâm Thao cho biết, đối với 16 trường hợp này dựa trên cơ sở quyết định xử phạt của UBND huyện đã tống đạt quyết định đến 16 hộ, yêu cầu các hộ phải chủ động thực hiện tháo dỡ các công trình vi phạm trả lại hành lang an toàn giao thông cũng như trả lại hiện trạng ruộng đất. Nếu các hộ không thực hiện tháo dỡ, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho huyện tổ chức thực hiện cưỡng chế xử lý các vi phạm.

Tạ Toàn/TTXVN

Theo Bnews

Ảnh: Ảnh minh họa: Chu Quốc Hùng – TTXVN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://bnews.vn/can-xu-nghiem-tinh-trang-san-lap-trai-phep-dien-tich-dat-nong-nghiep/188606.html