Cần tôn trọng ‘quyền được biết’ của người mua điện

Câu chuyện giá điện luôn thu hút sự quan tâm của dư luận. Với hơn 35 triệu khách hàng sử dụng điện, mỗi lần điện tăng giá là một sự kiện có tác động lớn đến toàn bộ nền kinh tế và các gia đình tại Việt Nam.

Đối với những mặt hàng cạnh tranh tự do trên thị trường thì giá cả là vấn đề giữa cung và cầu. Vậy nên, Nhà nước chẳng cần quá bận tâm quản lý giá.

Nhưng điện vẫn là mặt hàng độc quyền bán. Nếu không có sự can thiệp, chắc chắn bên bán sẽ tăng giá khủng khiếp để thu lợi nhuận độc quyền. Đây không phải là lời chê bai gì đối với tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mà là kiến thức kinh tế học cơ bản, bất kỳ ai ngồi vào chỗ đó cũng sẽ làm như vậy.

Theo kế hoạch, đến năm 2024, Việt Nam mới có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Do vậy, từ bây giờ đến lúc đó, Nhà nước vẫn cứ phải can thiệp vào việc định giá bán lẻ điện, một việc gây đau đầu cho nhiều người và rất nhạy cảm chính trị.

Cách định giá điện của Việt Nam hiện nay chủ yếu theo phương pháp chi phí. EVN sẽ kê khai toàn bộ các chi phí họ phải bỏ ra để vận hành và cung ứng điện. Các chi phí đó được cộng lại rồi thêm vào lợi nhuận định mức sau đó chia đều theo sản lượng điện thì ra giá bình quân. Nói cách khác, tất cả những người sử dụng điện đang “góp tiền” để EVN cung ứng điện cho tất cả.

Thế nhưng, dù là người góp tiền, khách hàng sử dụng điện hầu như không biết được vì sao mình lại phải đóng góp với mức giá như vậy. Bởi cho đến nay, văn bản liên quan đến việc điều chỉnh giá điện vẫn được coi là tài liệu mật.

Người dân và doanh nghiệp sử dụng điện chỉ được biết đến việc tăng giá khi mọi chuyện đã được định đoạt. Chính vì thế mới có chuyện ngày công bố giá điện cũng đồng thời là ngày tăng giá. Rất nhiều doanh nghiệp đã phàn nàn chuyện thay đổi giá điện đột ngột khiến họ không kịp phản ứng, kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính bị đảo lộn.

Khoản 18, điều 1 của Quyết định 1534/2008/QĐ-BCA(A11) ngày 18-9-2008 “Về danh mục bí mật Nhà nước độ Mật của ngành Công Thương” quy định: “Phương án giá sản phẩm công nghiệp thuộc danh mục nhà nước quy định chưa công bố là bí mật Nhà nước.”

Khi đưa ra quy định này, có lẽ người ta đã lo sợ nạn đầu cơ, găm hàng trước mỗi lần thay đổi giá. Quả thật, cũng đã có thời gian, khi biết trước chuẩn bị tăng giá xăng, các cây xăng giả vờ treo biển “tạm dừng bán hàng”, đợi tăng giá để bán được nhiều tiền hơn.

Thực tế thì đến thời điểm hiện nay, phương án giá xăng vẫn thuộc diện tài liệu mật, nhưng ai cũng có thể tiên đoán được biến động giá. Bởi lẽ, các quy định về thời điểm điều chỉnh giá, công thức tính giá xăng đều đã được công khai. Do đó, trước mỗi thời điểm điều chỉnh giá, các phóng viên kinh tế lại ngồi tính toán và đoán xem giá sẽ tăng giảm thế nào và các dự đoán này thường chính xác.

Dù có biết trước thông tin như vậy, nhưng hiện tượng đầu cơ, găm hàng đối với các cây xăng cũng đã không còn do Nhà nước siết chặt việc xử phạt đối với các cây xăng vi phạm. Người dân cũng không đổ xô đi mua xăng trước mỗi đợt tăng giá như trước đây, có lẽ do khoản lợi này không đáng là bao.

Việc đầu cơ xăng còn có thể xảy ra, chứ đầu cơ điện là điều gần như không thể. Nguy cơ lớn nhất có thể xảy ra khi công khai phương án giá điện là khi một số doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất trước khi điện tăng giá khiến công suất phụ tải tăng, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Tuy nhiên, điều này lại rất dễ giải quyết bằng các biện pháp kỹ thuật và quản lý vận hành. Ví dụ, thời điểm tăng giá điện chỉ cần tránh những khi cao điểm về nhu cầu điện là có thể bảo đảm an toàn hệ thống.

Trên thực tế, cũng đã có lần cơ quan nhà nước thông báo trước về việc tăng giá điện và cũng chưa ghi nhận bất kỳ sự cố bất thường nào đối với hệ thống điện. Ví dụ, trong lần tăng giá điện gần nhất, diễn ra vào ngày 20-3-2019, thì phương án giá điện đã được thông báo rộng rãi trước đó trong một cuộc họp của Bộ Công Thương vào ngày 5-3-2019. Như vậy, người dân và các doanh nghiệp sử dụng điện được biết trước phương án giá điện 15 ngày trước khi tăng.

Việc biết trước việc tăng giá điện này đã giúp nhiều doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh, từ đó giảm những tác động tiêu cực của việc tăng giá điện đối với nền kinh tế.

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần tôn trọng quyền được biết của người mua điện. Việc tăng giá điện cần báo trước cho người dân và doanh nghiệp ít nhất 15 ngày trước khi có hiệu lực. Có như vậy mới bảo đảm công khai, minh bạch trong việc điều hành giá.

Công Minh – Báo TBKTSG

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Ảnh: Người dân và doanh nghiệp sử dụng điện chỉ được biết đến việc tăng giá khi mọi chuyện đã được định đoạt. Ảnh minh họa Thành Hoa

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.thesaigontimes.vn/286685/can-ton-trong-quyen-duoc-biet-cua-nguoi-mua-dien.html