Cần thiết làm quy hoạch cho bến Bạch Đằng

Theo chuyên gia, quy hoạch bến Bạch Đằng sẽ mang lại hiệu quả khai thác tiềm năng mặt sông, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách thành phố.

Liên quan đến quy hoạch bến Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM), Sở GTVT đã có dự thảo về đề án cho thuê quyền khai thác tài sản cầu bến số 2, 3, 4 tại bến này. Theo đó, UBND TP sẽ chủ trì họp, nghe Sở GTVT báo cáo về dự thảo đề án.

Hiện tại, UBND TP đã giao các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát các cảng, bến để tham mưu đề xuất UBND TP thu tiền thuê đất, đất có mặt nước… theo quy định.

Sẽ đấu thầu để khai thác tại bến

Trong thời gian chờ thực hiện quy hoạch, khu công viên bến Bạch Đằng vẫn tiếp tục cho tổ chức khai thác du lịch đường sông nội đô kết hợp với phục vụ ẩm thực tại cầu bến số 2, 3. Đến ngày 31-12-2022, các đơn vị phải thực hiện di dời (không bồi thường) để TP.HCM triển khai quy hoạch khu công viên này.

Nói về lý do các đơn vị chỉ được khai thác tại bến Bạch Đằng tới ngày 31-12-2022, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết về quy định, các bến bãi mặt nước cũng phải cho thuê nhưng cần thực hiện trên cơ sở quy hoạch. Tuy nhiên, hiện nay cầu bến, bãi do UBND quận 1 quản lý và tiến hành kiểm tra, rà soát để thực hiện theo quy hoạch.

Sau khi làm quy hoạch xong, UBND quận 1 mới xác định giá cho thuê. Do đó, các đơn vị đang khai thác vẫn được tiếp tục sử dụng đến thời điểm 31-12-2022. Sau khi quy hoạch, cơ quan chức năng mới xác định lại giá. Đồng thời, lúc này doanh nghiệp mới có thể tham gia đấu thầu, khai thác công bằng theo quy định.

Kỳ vọng lớn sau quy hoạch

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, chủ đầu tư khai thác tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng – Linh Đông), cho biết các sở, ngành chuyên môn đã và đang tham mưu chiến lược về quy hoạch bến sông cho TP. Việc quy hoạch sẽ có tính toán toàn cục về cảnh quan, văn hóa, xã hội, giao thông cho TP. Do đó, doanh nghiệp sẽ hoàn toàn ủng hộ việc quy hoạch bến nói trên.

Theo ông Toản, khu vực bến Bạch Đằng trước nay vẫn cho thuê, song giá trị cho thuê mỗi khu vực là khác nhau nên việc lập quy hoạch là cần thiết. Sau đó, các đơn vị muốn khai thác thì phải thực hiện đúng theo quy hoạch của TP.

Việc lập quy hoạch sẽ mang lại hiệu quả khai thác tiềm năng mặt sông, nhất là TP.HCM đang có ưu thế là khu đô thị có mật độ sông nước lớn. Ví dụ như Bangkok (Thái Lan) đã dành rất nhiều không gian làm bến với cảnh quan sung túc, môi trường sôi động. Do đó, TP.HCM cũng cần làm như vậy để thu hút du lịch, phát triển kinh tế.

“Tôi tin rằng đây sẽ là một quy hoạch chỉn chu với nhiều bến bãi hấp dẫn. Những doanh nghiệp như chúng tôi cũng sẽ thấy được bức tranh tổng thể và tiềm năng phát triển du lịch sông nước” – ông Toản nhận định.

Theo ông Toản, nhiều năm nay TP đã rất chú trọng quy hoạch sông nước nhưng một số quy hoạch quá lớn khiến dự án bị treo. “Sau này, nhiều dự án đã được triển khai, thực hiện chỉn chu, mang lại nhiều lợi ích cho TP và người dân. Cho nên sau khi thực hiện xong quy hoạch bến Bạch Đằng thì giao thông thủy sẽ phát triển, kinh tế – xã hội khu vực này sẽ nâng lên một tầm cao mới” – ông Toản nói.

Cần có sự gắn kết các vùng phụ cận

Góp ý cho quy hoạch bến Bạch Đằng, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho rằng hiện nay chúng ta không nên chỉ chú trọng quy hoạch riêng bến Bạch Đằng mà cần có quy hoạch tổng thể về hai bên bờ sông Sài Gòn để xứng tầm với đô thị lớn này. Trong đó, khu vực trung tâm TP và khu Thủ Thiêm cần có quy hoạch chi tiết 1/500. Khu vực lập quy hoạch chi tiết không chỉ lấy khu bờ sông mà cần quy hoạch tới khu đất đầu tiên giáp sông và cần làm rõ mục đích sử dụng của nó.

Việc cho thuê mặt bằng, bến, đường đi bộ ven sông chỉ là câu chuyện rất nhỏ, bởi ở nước ngoài khi làm quy hoạch sẽ tiến tới việc thực hiện tổng thể. Theo đó, khi lập quy hoạch dọc theo bến Bạch Đằng cần làm rõ chiều cao ngôi nhà ven sông là bao nhiêu, lề đường ra sao, không gian đi bộ có mái che hay không… Như vậy chúng ta sẽ tạo nên một tuyến đường bên sông sầm uất, thu hút.

Song song đó, khi lập quy hoạch chúng ta cần có sự gắn kết với các vùng phụ cận như phố đi bộ, cần tính toán xây dựng bãi xe ngầm… để mang lại hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, quy hoạch chi tiết phải bao gồm giao thông, tiện ích công cộng miễn phí.

Đối với bến du thuyền trên sông, cần có quy hoạch kết nối hai bên bờ sông và du thuyền loại nào, cần đặt ở đâu để thu hút khách… Khi TP làm tốt quy hoạch này sẽ tạo nguồn thu rất lớn cho ngân sách.

Kết cấu công viên Bạch Đằng có ba khu chức năng

Phạm vi cải tạo, chỉnh trang gồm toàn bộ khu công viên bến Bạch Đằng (từ ranh cột cờ Thủ Ngữ đến ranh dự án khu phức hợp Sài Gòn – Ba Son, khoảng 18.600 m2). Riêng khu vực trước Bảo tàng Tôn Đức Thắng, UBND TP lưu ý cần phải thiết kế thông thoáng, giữ lại các khẩu súng thần công.

Công viên bến Bạch Đằng sẽ được chia thành ba khu chức năng. Trong đó, khu tưởng niệm lịch sử (khoảng 4.000 m2) sẽ được bố trí lại cảnh quan lối đi dạo, thiết kế mảng xanh theo dạng bậc cấp thoải dần về phía bờ sông giúp người dân, du khách dễ tiếp cận.

Khu xúc tiến du lịch (khoảng 5.150 m2) là khoảng đệm giữa không gian lịch sử và công viên cộng đồng. Khu này sẽ được giảm mức độ bê tông hóa, tăng diện tích mảng xanh, thiết kế các khu vực nghỉ chân thân thiện và không gian sinh hoạt tập trung. Khu vực này cũng sẽ được cung cấp các dịch vụ di chuyển trên sông cũng như tiện ích tìm kiếm thông tin du lịch, hỗ trợ du khách.

Khu công viên cộng đồng (khoảng 2.750 m2) sẽ được bổ sung mảng xanh, tăng hệ thống cây xanh tầm cao, nhiều bóng mát và được thiết kế lối đi dạo sinh động đan xen giữa các thảm cỏ và cây bụi.

Đào Trang – Báo PLO.VN

Theo PLO.VN

Ảnh: Một góc Công viên Bạch Đằng nhìn từ trên cao. Ảnh: HOÀNG GIANG

Xem bài viết gốc tại đây:

https://plo.vn/do-thi/can-thiet-lam-quy-hoach-cho-ben-bach-dang-978020.html