Thay đổi công nghệ chôn lấp rác thải sinh hoạt sang công nghệ đốt là sự cần thiết trong bối cảnh nước ta đất chật người đông, đất dành cho chôn lấp rác thải sinh hoạt không còn trong khi dân số và lượng rác thải ngày một tăng.
Theo thống kê, lượng rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn trong cả nước có khoảng 32.000 tấn/ngày. Trong đó, rác thải vô cơ chỉ chiếm tỷ lệ thấp nhưng hầu hết đều là loại khó phân hủy, có khả năng tác động có hại lâu dài đến môi trường.
Theo báo cáo, Việt Nam có khoảng 62 triệu dân sinh sống ở vùng nông thôn, chiếm xấp xỉ 65% dân số. Lượng rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn nước ta trung bình mỗi năm khoảng 11 triệu tấn; chất thải chăn nuôi khoảng 127 triệu tấn; chất thải trồng trọt 80 triệu tấn chất thải rắn và hàng triệu khối nước thải. Hiện tới 80% khối lượng rác thải rắn từ trồng trọt (rơm, rạ) được xử lý bằng cách đốt hoặc vứt tại ruộng. Ngoài ra, trung bình mỗi năm lượng rác thải từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) khoảng 19.000 tấn…
Tuy nhiên, chỉ khoảng 50% khối lượng rác thải trên được thu gom, xử lý. Số còn lại chủ yếu là chất thải rắn và khó phân hủy, tiềm ẩn nguy cơ gây hại rất lớn cho môi trường và sức khỏe người dân. Chưa kể, phần lớn lượng rác thải được xử lý thông qua phương pháp chôn lấp; về lâu dài sẽ tác động ngược đối với môi trường, nguồn nước, cũng như hệ sinh thái bên cạnh nó.
Rác thải sinh hoạt ở nông thôn tràn lan ở nhiều nơi và chưa được xử lý triệt để khiến cho nhiều địa phương phải đau đầu tìm phương án. Bên cạnh việc thành lập các tổ, hợp tác xã, công ty… thu gom chất thải sinh hoạt là tìm địa điểm để chôn lấp, tìm nguồn kinh phí để xây dựng lò đốt.
Tuy nhiên, hoạt động này cũng rất khó khăn do phần lớn việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt là do các hợp tác xã, tổ, đội tự quản của địa phương đảm nhiệm. Và cũng không nơi nào có quy chuẩn đối với phí thu gom rác nên việc thu phí thu gom đều là thỏa thuận của tổ thu gom với người dân, cho nên, mức thu thường là rất thấp, khoảng 10.000-20.000 đồng/hộ/tháng. Với số tiền này chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom, chi phí vận chuyển rác tới nơi xử lý được duy trì bằng nguồn kinh phí từ chính quyền địa phương.
Một số địa phương có phương án hoặc có khó khăn về địa điểm chôn lấp rác đã tính đến việc xây dựng các lò đốt rác, nhưng lại vướng phải những khó khăn do không có kinh phí hoặc kỹ thuật vận hành. Thông thường, lò đốt rác ở khu vực nông thôn được xây dựng hiện nay chỉ là loại nhỏ, công suất khoảng 2 tấn/ngày, không đủ đáp ứng nhu cầu.
Hầu hết các xã vùng nông thôn chưa có quy hoạch địa điểm xử lý rác, dẫn đến chỗ thừa chỗ thiếu. Một số lò đốt không đủ điều kiện để hoạt động. Ngoài ra, các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, công nhân tham gia vận hành không đủ kiến thức chuyên môn để vận hành lò đốt, trình độ vận hành của công nhân còn hạn chế, không tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật cho nên chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn thấp; công tác xã hội hóa các nguồn lực để thu gom, xử lý rác chưa tốt…
Công nghệ chôn lấp rác thải sinh hoạt hiện nay hoàn toàn không phù hợp. Nhiều người cứ nghĩ chôn lấp rác thải có giá thành thấp nhưng đó là chúng ta chưa tính đúng, tính đủ các chi phí như tiền sử dụng đất khi các bãi chôn lấp rác thải chiếm dụng quỹ đất hàng chục hecta, tiền xử lý nước rỉ rác mà nếu muốn xử lý đạt yêu cầu thì hàng trăm ngàn đồng/m3 nước rỉ rác… Và điều quan trọng nữa là hiện nay quỹ đất dùng để làm bãi chôn lấp ở nước ta hầu như không còn, thậm chí ở miền núi vùng sâu, vùng xa.
Năm 2022, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành khoảng 95,6 triệu đồng một người, tương đương hơn 4.100 USD, tăng gần 400 USD so với 2021.
Như vậy, mỗi ngày mỗi người chỉ thải ra khoảng 1kg rác thải sinh hoạt Với hơn gần 100 triệu dân thì mỗi ngày nước ta thải ra 100.000 tấn rác tương đương 200.000m3, đủ để phủ lên diện tích bề mặt là 200.000 m2 với độ dày 1m. Mỗi ngày chúng ta mất 20 ha đất để chôn lấp rác. Con số thật kinh khủng.
Các bãi chôn lấp rác thải khổng lồ của hai thành phố là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là Nam Sơn và Đa Phước đã bị quá tải và gây ô nhiễm môi trường. Trước đây bãi rác của Hà Nội là Thành Công, sau đó lùi về Mễ Trì. Mễ Trì đầy chuyển về Cầu Diễn. Cầu Diễn đầy chuyển về Nam Sơn. Nam Sơn là xã tận cùng của Hà Nội. Nam Sơn đầy sẽ chuyển bãi chôn lấp rác về đâu, nếu không chuyển sang công nghệ đốt ? Người dân các tỉnh đâu họ có chịu để chuyển rác thải ở tỉnh khác về tỉnh mình. Thành phố Hồ Chí Minh cũng trong tình trạng tương tự.
Các bãi chôn lấp rác lớn ở các thành phố lớn mới được đầu tư xây dựng đúng tiêu chuẩn. Còn các bãi rác ở các tỉnh ngoại trừ có viện trợ hoặc nguồn vốn ODA mới được xây dựng bài bản, còn không thì chỉ là các bãi tập kết rác đơn thuần, đặc biệt là ở quy mô huyện. Nước rỉ rác không được thu gom, xử lý mà thẩm lậu ra môi trường. Ô nhiễm môi trường do nước rỉ rác, mùi, ruồi nhặng…từ các bãi chôn lấp rác thải đang là nỗi ám ảnh của người dân địa phương nên họ luôn luôn phản đối khi nghe nói có dự án xử lý rác chuẩn bị đầu tư trên địa phương mình mặc dù là với công nghệ mới, không gây ô nhiễm.
Kể từ khi có quyết định 322/QĐ-BXD năm 2012 của Bộ Xây dựng, đã tạo tiền đề cho việc thay đổi công nghệ chôn lấp sang công nghệ thiêu đốt. Từ đó các tỉnh mới có định mức chi phí xử rác bằng công nghệ đốt.
Trước đó các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào thăm dò đầu tư nhà máy xử lý rác đều bỏ cuộc vì các địa phương căn cứ vào chi phí chi trả theo công nghệ chôn lấp (chỉ tính tiền công và chi phí hoạt động hành chính) để chi trả cho xử lý bằng công nghệ đốt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chương trình nông thôn mới với nhiều tiêu chí trong đó có tiêu chí môi trường. Trước đó rác thải nông thôn được vứt bừa bãi dọc đường quốc lộ, ven bờ ao, dọc bờ ruộng. Đến nay các xã đã có tổ chức dịch vụ thu gom rác thải. Nhiều tỉnh, thành đã đầu tư lò đốt rác công suất nhỏ cho xã, thị trấn và bước đầu đã giải quyết được tình trạng rác thải nông thôn để các xã không còn phải nợ tiêu chí môi trường khi công nhận xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới như trước đây. Hiệu quả cho việc xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt đã được thấy rõ, đặc biệt sau khi Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 1354/QĐ-BXD ngày 29 tháng 12 năm 2017 thay thế Quyết định 322.
Tuy nhiên với các lò đốt rác công suất nhỏ không thể giải quyết hết tình trạng dồn ứ rác thải ở cấp huyện và cấp tỉnh. Cần có các nhà máy xử lý rác thải tập trung, công suất lớn. Nhưng các nhà máy đốt rác thải tập trung lại đòi hỏi suất đầu tư rất lớn trong khi Nhà nước không đủ kinh phí mà phải huy động vốn từ các doanh nghiệp. Để nhanh chóng thu hồi vốn, nhà máy đốt rác thải tập trung thường phải đi với thu hồi nhiệt phát điện, bán điện ra để bù đắp chi phí. Tuy nhiên giá bán điện lại là một rào cản cho các dự án đốt rác phát điện khi doanh nghiệp đầu tư vào xử lý rác.
Giá mua điện rác được quy định tại Thông tư 32/2015/TT-BCT ngày 8/10/2015 của Bộ Công thương về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn.
Theo đó, giá mua đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp là 10,05 UScents/kWh. Đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải rắn là 7,28 UScents/kWh. Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các dự án điện rác, nhiều nhà đầu tư lại đang gặp phải những khó khăn, cụ thể như:
1. Để xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện với công nghệ hiện đại, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp. Thế nhưng, hiện nay, doanh nghiệp cũng còn gặp không ít rào cản về chính sách dù vốn và công nghệ đã sẵn sàng.
2. Tại Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 5/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam, có các quy định hỗ trợ về giá mua điện nhưng các dự án xử lý chất thải phải theo quy hoạch ngành điện; khiến nhiều dự án gặp khó khăn do chờ quy hoạch này của ngành Điện.
3. Cũng liên quan đến giá mua điện cho các dự án điện rác, tại Quyết định này, Bộ KH&CN chỉ ra rằng, giá mua điện mới chỉ áp dụng đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp và đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải. Hiện tại, có nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực điện rác như: Khí hóa phát điện, đốt phát điện, lên men tạo khí Biogas phát điện… nhưng giá mua điện chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ.
Trong khi đó, doanh nghiệp khi muốn đầu tư xử lý rác tại Việt Nam cũng gặp thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài. Đối với việc đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt là loại hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), thủ tục đầu tư cần thiết lựa chọn nhà đầu tư đã mất từ 1 – 2 năm, sau đó, còn thủ tục đầu tư xây dựng như thẩm định thiết kế, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường, các thủ tục hoàn thành công trình bảo vệ môi trường…
4. Việc chậm triển khai còn do “vướng” các quy định, thủ tục đầu tư cần sự phê duyệt của các bộ, ngành, Trung ương (phê duyệt đánh giá tác động môi trường, quy hoạch phát triển nguồn điện…). Ngoài ra, do chưa có các hướng dẫn cụ thể thực hiện Luật Quy hoạch nên việc bổ sung các dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực bị kéo dài, đình trệ.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp, các chuyên gia đề xuất, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt đô thị (pháp luật về PPP, các quy định phát triển dự án điện rác, công tác quy hoạch…); đồng thời, cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư. Khi mở cơ chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào xử lý chất thải rắn, mới góp phần hình thành một ngành một nghiệp môi trường ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền cần tạo điều kiện và đồng hành cùng các nhà đầu tư để phát huy hiệu quả của dự án.
Bài toán quản lý chất thải rắn vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn luận. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp về vấn đề này. Cụ thể:
Ngày 7/5/2018, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, có yêu cầu rõ việc đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn phải bảo đảm tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%. Các địa phương áp dụng công nghệ tốt, hiện đại, thân thiện với môi trường để xử lý chất thải nông thôn.
Quyết định số 491/QĐ-TTg đặt mục tiêu và yêu cầu các địa phương phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn; trong đó, tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện và lồng ghép các quy hoạch quản lý chất thải rắn vào quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch mỗi địa phương; xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, định mức kinh tế, kỹ thuật trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; thống nhất quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đối với công tác quản lý chất thải rắn; tăng cường xây dựng và triển khai các hoạt động truyền thông, đào tạo, nâng cao năng lực và nhận thức cộng đồng về quản lý chất thải rắn; xây dựng và dự kiến ban hành danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt khuyến cáo áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của các địa phương, trong đó chú trọng các công nghệ xử lý chất thải đi kèm với các giải pháp giảm, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp.
Đề xuất giải quyết khó khăn về rác thải nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường định hướng xử lý rác thải thay vì chôn lấp, không hợp vệ sinh sang tái sử dụng, tái chế có hiệu quả. Trước mắt, cần đánh giá toàn bộ các trung tâm xử lý chất thải, qua đó nắm rõ hơn tình trạng môi trường trên cả nước hiện nay; đồng thời, tìm kiếm và công bố những công nghệ phù hợp để các địa phương chủ động lựa chọn phù hợp với nhu cầu của địa phương.
Trên cơ sở đó, yêu cầu thu gom, phân loại chất thải tại nguồn phải được các địa phương ưu tiên hàng đầu; thực hiện các biện pháp đồng bộ, hiệu quả để hạn chế nguồn phát sinh rác: Nói không với chất thải nhựa, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tạo thói quen cho người dân ý thức gom rác bỏ vào nơi quy định, không vứt bừa bãi ra các sông, kênh rạch…; phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong xử lý chất thải rắn; rà soát lại các điểm lưu giữ chất thải sinh hoạt nông thôn; rà soát lại các quy hoạch quản lý chất thải hiện có, các địa phương cần có kế hoạch, lộ trình để chấm dứt việc đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô cấp xã, khuyến khích việc đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô liên xã, liên huyện phù hợp quy hoạch bảo vệ môi trường của địa phương…
PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Hầu hết khối lượng rác thải trên địa bàn tỉnh được xử lý theo hình thức chôn lấp hoặc lò đốt rác. Ảnh: Quốc Chính