Cần giải pháp đồng bộ bảo vệ bãi biển Hàm Tiến – Mũi Né

Sau khi đăng tải loạt bài viết ‘Trả lại không gian cho các bãi biển’, Báo Nhân Dân tiếp tục nhận được nhiều thông tin của bạn đọc phản ánh tình trạng bãi biển Hàm Tiến – Mũi Né (TP Phan Thiết, Bình Thuận) đang bị xâm thực, sạt lở, chưa được đầu tư xây dựng kè bảo vệ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu du lịch, đường giao thông… Trong khi đó, việc đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập này vẫn còn rất chậm.

Tỉnh Bình Thuận có chiều dài bờ biển 192 km, dọc theo bờ biển có nhiều khu dân cư đông đúc, nhiều đô thị đang phát triển mạnh mẽ về kinh tế – xã hội; thuận lợi cho phát triển du lịch. Đặc biệt tại khu vực ven biển Hàm Tiến – Mũi Né (TP Phan Thiết, Bình Thuận), nhiều cơ sở du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp được đầu tư xây dựng, thu hút nhiều du khách quốc tế và trong nước đến nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Hàm Tiến – Mũi Né còn được du khách ví như “thủ đô” resort. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc phản ánh, những năm gần đây tình trạng biển xâm thực vào đất liền gây sạt lở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận diễn ra rất nghiêm trọng với quy mô ngày càng lớn. Riêng tại khu vực Hàm Tiến – Mũi Né, mỗi năm biển lấn sâu vào đất liền từ 4 đến 5 m , có nơi biển lấn sâu hàng chục mét. Nhiều vị trí bị sạt lở, biển chỉ còn cách khu nhà lưu trú của các cơ sở du lịch, nghỉ dưỡng từ 3 đến 4 m, như resort Coco Beach và Sunny Beach… Anh Trần Đình Long, thợ lái máy xúc đang thi công gia cố bờ kè cho cơ sở du lịch resort Coco Beach, cho biết: Từ đầu năm đến nay, biển xâm thực sâu vào đất liền rất nhiều đợt, cuốn cát đi. Chúng tôi làm thế này cũng chỉ tạm thời trong mùa biển êm thôi, đến cuối năm không khí lạnh tăng cường, sóng lớn kết hợp với triều cường thì bờ biển lại tiếp tục bị xâm thực, xói lở khó mà ngăn chặn…

Một số chủ cơ sở du lịch, resort trên đường Nguyễn Đình Chiểu, thuộc khu phố 2 và khu phố 3 (phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết) cho biết, mùa du lịch năm nay, bờ biển bị xâm thực, không còn bãi tắm nữa cho nên rất nhiều du khách đã hủy hợp đồng… Nếu chính quyền địa phương không có giải pháp xây dựng bờ kè kiên cố, khách du lịch không đến nghỉ dưỡng thì nhiều resort sẽ phải đóng cửa. Chia sẻ về những tổn thất của các cơ sở du lịch do ảnh hưởng của thiên tai, Phó Chủ tịch UBND phường Hàm Tiến (TP Phan Thiết) Trần Thanh Tân cho biết, để bảo vệ tài sản của mình trước hiện tượng biển xâm thực, một số doanh nghiệp du lịch đã tự ý đầu tư xây kè bằng các vật liệu bao cát, bê-tông, túi vải địa kỹ thuật (Geotube) bơm cát làm kè bảo vệ bờ và mỏ hàn chắn cát. Tuy nhiên, do xây kè không theo quy chuẩn, không có nghiên cứu tính toán, không có hồ sơ thiết kế làm cho tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến xói lở bờ biển của các khu du lịch liền kề; đồng thời gây nguy hiểm đến tính mạng của du khách và người dân trong khu vực. Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành phối hợp TP Phan Thiết và chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động các cơ sở du lịch trên địa bàn xây dựng kè tạm theo quy định. Không tự ý xây dựng kè bằng nhiều loại vật liệu chưa bảo đảm về chất lượng cũng như kỹ thuật, đề phòng gây xói lở mạnh tại những nơi chưa làm kè.

Qua khảo sát cho thấy, hiện nay không chỉ bãi biển Hàm Tiến – Mũi Né (TP Phan Thiết) mà tại huyện Tuy Phong, thị xã La Gi, huyện Hàm Thuận Nam cũng đang bị sạt lở, biển xâm thực vào đất liền ở nhiều vị trí với tổng chiều dài hơn 21,3 km; hơn 200 căn nhà bị sụp đổ hoàn toàn và hàng trăm căn nhà khác có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào…

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Phước, để bảo vệ an toàn nhà cửa, tính mạng của người dân, các ban, ngành của tỉnh đang đề xuất nhiều giải pháp để xử lý cấp bách các công trình trọng điểm, gồm các kè chống sạt lở bờ biển, kè bảo vệ khu dân cư. Tuy nhiên, do tổng vốn đầu tư cho xây dựng các công trình này lên đến hàng trăm tỷ đồng, trong khi nguồn ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, nên rất cần sự hỗ trợ của Trung ương hay nguồn vốn từ các tổ chức nước ngoài, vốn ODA, WB… Theo kiến nghị của các chuyên gia, trước mắt, để khắc phục ngay tình trạng này, tỉnh Bình Thuận cần sử dụng nguồn kinh phí địa phương cũng như huy động từ các nguồn vốn xã hội hóa xây dựng kè tạm thời; gia cố bảo vệ bờ biển bằng các giải pháp kết cấu rọ đá mạ kẽm bọc nhựa PVC, có vốn đầu tư thấp là giải pháp phù hợp thực tế. Cần nghiên cứu tổng thể để đánh giá tình hình xâm thực, diễn biến sạt lở bờ biển để xác định nguồn lực xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở, đồng thời có giải pháp bảo vệ an toàn cho người dân…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Quyết định số 1887/QĐ-TTg hỗ trợ 800 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 cho các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận và Bình Thuận thực hiện các dự án khắc phục sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 9222/BKHĐT-KTNN ngày 26-12-2018. Trong đó, tỉnh Bình Thuận được hỗ trợ 180 tỷ đồng để thực hiện bốn dự án xây kè bảo vệ khu dân cư và kè chống sạt lở bờ biển tại các địa phương TP Phan Thiết, huyện Tuy Phong và thị xã La Gi với chiều dài 9.310 m…

Bài và ảnh: Văn Duy – Thường Châu – Báo Nhân Dân

Theo Nhân Dân

Ảnh: Một cơ sở du lịch ở phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) bị biển xâm thực, nhiều công trình xây dựng bị phá hủy.

Xem bài viết gốc tại đây:

http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/38965802-can-giai-phap-dong-bo-bao-ve-bai-bien-ham-tien-mui-ne.html