Dự án Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh có mức đầu tư lên đến 768 tỷ đồng, theo tiến độ dự kiến, nhà máy phải xử lý rác từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn đang đóng cửa bỏ hoang.
Dự án Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh (Hà Nội) được khởi công xây dựng trên địa bàn xã Việt Hùng (huyện Đông Anh, Hà Nội) vào năm 2011, với tổng mức đầu tư lên đến 768 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, Khu xử lý rác này vẫn chưa đi vào hoạt động. Theo tiến độ dự kiến được phê duyệt, nhà máy sẽ hoạt động xử lý rác từ năm 2017.
Theo quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 5083 ngày 19/3/2016 của UBND TP Hà Nội, dự án được thực hiện trên diện tích hơn 8 ha. Khu xử lý rác thải sẽ áp dụng công nghệ đốt Plasma. Chủ đầu tư được miễn tiền thuê đất thực hiện dự án trong 50 năm.
Chủ đầu tư của dự án là Công ty cổ phần đầu tư Thành Quang (trụ sở tại quận Ba Đình, Hà Nội). Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, nhà máy đốt rác chậm hoạt động do nhiều nguyên nhân. Ngoài vấn đề khó khăn về tài chính của doanh nghiệp; vướng mắc trong điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư để xử lý rác thải nguy hại; một nguyên nhân nữa là do phát sinh mâu thuẫn với nhà thầu cung cấp dây chuyền công nghệ….
“UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng để xin điều chỉnh giấy phép cho dự án. Doanh nghiệp rất khổ khi dự án đầu tư gần 800 tỷ đồng mà đắp chiếu 2 năm nay. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm chấp thuận điều chỉnh giấy phép xử lý rác thải nguy hại để doanh nghiệp hoạt động. Nếu chậm điều chỉnh thì nhà máy tiếp tục đóng cửa, doanh nghiệp cũng vỡ nợ vì không thể hoàn vốn”, đại diện Công ty Thành Quang nói.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến Khu xử lý rác này chưa hoạt động được. Thứ nhất là vấn đề về nhân lực, đội ngũ kỹ sư thiếu thốn; thứ hai là do quá trình nhập dây chuyền máy móc của nhà máy gặp trục trặc.
“Đây là dự án do TP Hà Nội đầu tư, người dân và địa phương từng kỳ vọng vào nhà máy xử lý rác bao nhiêu, thì nay lại thất vọng bấy nhiêu. Vì để thực hiện dự án này, phía địa phương đã ”trải thảm đỏ” cho nhà đầu tư khi thu hồi hơn 87.000 m2 đất nông nghiệp của người dân để bàn giao và miễn toàn bộ tiền thuế thuê đất cho doanh nghiệp trong thời hạn 50 năm. Trước đó, chúng tôi đã nhiều lần đôn đốc chủ đầu tư dự án và có gửi báo cáo lên TP về vụ việc để có hướng giải quyết”, ông Dũng thông tin.
Theo ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng (Đông Anh, Hà Nội), thời gian tới phía UBND xã sẽ tiếp tục kiến nghị lên UBND huyện Đông Anh và TP Hà Nội chỉ đạo chủ đầu tư sớm đưa dự án xử lý rác thải vào hoạt động.
”Người dân và chính quyền địa phương mong muốn lãnh đạo thành phố sớm chỉ đạo công ty Thành Quang đôn đốc sớm hoàn thiện đưa vào sử dụng… để môi trường xanh sạch đẹp”, ông Sáng bày tỏ.
Được biết, nếu đi vào hoạt động, nhà máy này có thể hoạt động với công suất đốt 500 tấn/ngày. Ngoài việc xử lý rác thải công nghiệp và rác thải y tế, công trình được kỳ vọng sẽ giảm tải cho bãi rác Nam Sơn khi xử lý được toàn bộ rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Đông Anh và một số vùng lân cận.
Nhiều người dân sống cạnh nhà máy xử lý rác thải Đông Anh bức xúc, họ gửi đơn phản ánh đến nhiều cơ quan chức năng nội dung thu hồi đất nông nghiệp để làm dự án nhưng sau khi hoàn thiện nhà máy để hoang, lãng phí đất.
Trước đó, đầu tháng 11/2021, cả 2 bãi chôn lấp rác thải của TP Hà Nội là bãi rác Nam Sơn và bãi rác Xuân Sơn đều phải gián đoạn tiếp nhận rác do quá tải. Trong khi đó, một số dự án xử lý rác thải khác ở Hà Nội dù đã khởi động nhưng đến nay lại “bất động” vì nhiều lý do khác nhau nên đã đẩy thành phố Hà Nội lâm vào cảnh “mắc kẹt” trong vấn đề xử lý rác thải.
Bảo Khánh/Infonet
Theo Infonet
Xem bài viết gốc tại đây: