Hàng loạt ngôi biệt thự xây dựng dở dang, bỏ hoang nhiều năm qua tại khu vực bãi Trẹm (bán đảo Sơn Trà, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) đang gây mất mỹ quan đô thị.
Việc chấn chỉnh các dự án xây dựng trái phép trên bán đản Sơn Trà đang được chính quyền địa phương quyết liệt xử lý. Tuy nhiên, nhìn vào những công trình tiền tỷ bị bỏ hoang này, dư luận không khỏi ái ngại.
Bán đảo Sơn Trà là “báu vật” và được mệnh danh là lá phổi của thành phố Đà Nẵng. Bán đảo Sơn Trà có tầm quan trọng đặc biệt về quốc phòng, an ninh; với những lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng phát triển du lịch, Bán đảo Sơn Trà đã được quy hoạch là Khu du lịch quốc gia. Khu vực rừng độc đáo này, cũng là địa điểm du lịch sinh thái thu hút đông đảo người dân du khách đến và thưởng lãm, theo từng mùa. Đã có một thời gian dài với rất nhiều lý do khách quan, việc xây dựng các công trình chưa đúng với quy hoạch, hoặc chưa đánh giá hết tác động môi trường, đã để lại nhiều hệ lụy cho chính quyền.
Bên trong một căn biệt thự.
Trả lại vẻ hoang sơ cho bán đảo Sơn Trà hay chấn chỉnh, xử lý nghiêm các công trình xây dựng vi phạm tại bán đảo Sơn Trà, lại là bài toán khó khi Đà Nẵng đang phải triển khai thực hiện các nội dung theo các văn bản của cấp thẩm quyền. Trong đó có Kết luận số 269/KL-TTCP ngày 16/9/2019 của Thanh tra Chính phủ việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư trên bán đảo Sơn Trà.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, hiện nay trên bán đảo Sơn Trà còn 68 trường hợp xây dựng công trình phục vụ nhà ở và kinh doanh, du lịch trái phép chưa được xử lý.
Rất khó khăn để tiếp cận gần khu vực này.
Ghi nhận của phóng viên tại khu vực có nhiều biệt thự hoang tàn này, các cổng vào khu vực khóa chặt, không có biển để tên dự án công trình. Rất khó khăn để chúng tôi vượt qua được cỏ, cây dây leo cao lút đầu người để có thể tiếp cận gần hơn đến các khu vực xây dựng biệt thự. Quang cảnh hoang tàn và ám ảnh khi nhiều khu vực cây leo đan kín, thậm chí cây dại nuốt chửng luôn công trình với hàng loạt căn biệt thự chỉ được xây thô, nay đã xuống cấp trầm trọng.
Tiếp cận loạt biệt thự hoang này phía biển vào, có một căn biệt thự phía sát bờ biển có nguy cơ sạt lở cao, rác thải tấp chồng kín phía trước, rất nhếch nhác. Phía bên trong các căn hộ này vì đã bỏ hoang quá lâu, trở thành chỗ chứa rác thải, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, trở thành tụ điểm của tệ nạn xã hội. Loạt biệt thự hoang này không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất rừng mà còn làm mất mỹ quan đô thị.
Đây là một phần công trình thuộc Tổ hợp Khu du lịch dịch vụ cao cấp Sơn Trà (Sontra Resort & Spa) do Công ty cổ phần Sơn Trà làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích đất 140.300m2, diện tích mặt nước 208.200m2. Tuy nhiên, đây là một trong nhiều dự án đang “cấn” các vấn đế về pháp lý, chồng chéo và đã dừng triển khai nhiều năm qua.
Dự án không triển khai làm mất mỹ quan đô thị.
Mới đây, Ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng có báo cáo thẩm tra về quyết định Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sơn Trà thuộc phân khu Sinh thái phía đông.
Theo đó, Ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng tất cả các văn bản pháp lý có liên quan đến bán đảo Sơn Trà, bảo đảm cơ sở để thực hiện, cũng như sự thống nhất, đồng bộ các chỉ tiêu, số liệu liên quan…
Việc nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sơn Trà cần xác định rõ đây là khu du lịch quốc gia hay khu du lịch của địa phương, làm cơ sở xác định thẩm quyền và các nội dung liên quan. Việc nghiên cứu phát triển du lịch cần bảo đảm phạm vi ranh giới sử dụng đất, ranh giới quy hoạch 3 loại rừng và các chỉ tiêu sử dụng đất theo quy định. Các dự án phát triển du lịch trên Bán đảo Sơn Trà cần lưu ý đánh giá kỹ tác động đến môi trường, cảnh quan, nhất là khu vực sườn đồi, dọc khe suối, hạn chế việc can thiệp ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên, địa hình, địa mạo của khu vực.
Các công trình xây dựng theo nguyên tắc phân tán, phù hợp với điều kiện tự nhiên và cần hạn chế khối tích lớn, có kiến trúc, màu sắc và tầng cao phù hợp, sử dụng vật liệu thân thiện với thiên nhiên; Mật độ xây dựng đảm bảo quy định và đề nghị xác định ở mức thấp, hạn chế che chắn tầm nhìn cảnh quan về phía biển…
Anh Đào – Báo Nhân Dân
Theo Nhân Dân
Ảnh: Loạt biệt thự bỏ hoang nhìn từ biển.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://nhandan.vn/can-canh-loat-biet-thu-bo-hoang-tren-bao-dao-son-tra-post712038.html