Ghi nhận tại Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), khu vực cổng chính rào chắn bằng barie, tấm tôn và lá cọ. Phòng bảo vệ cũng bịt kín, không có một ai ở đây.
Bên trong Bệnh viện Việt Đức, có nhiều hạng mục phụ trợ đang được xây dựng dang dở, xuống cấp nghiêm trọng
Một số bức tường bong tróc, rêu phủ bám cả mảng, hoang hóa như một “bệnh viện ma”
Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức được phê duyệt vào ngày 1/12/2014 với tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách Nhà nước là 4.500 tỷ đồng), có quy mô 1.000 giường bệnh, tổng 117.714m2 sàn.
Trải qua 10 năm, Bệnh viện Việt Đức ngày càng xuống cấp
Cách đó không xa là Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2. Dự án được Bộ Y tế phê duyệt vào ngày 1/12/2014 với tổng mức đầu tư là 4.990 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách Nhà nước là 4.500 tỷ đồng), có quy mô 1.000 giường bệnh, tổng 118.941m2 sàn.
Đến tháng 10/2018, khu khám bệnh của hai cơ sở được khánh thành đưa vào hoạt động. Tuy nhiên chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai hoạt động một thời gian ngắn rồi lại dừng và bỏ hoang đến nay.
Khu ký túc xá Pháp Vân – Tứ Hiệp được xây dựng trên khu đất rộng 40.000 m2, nằm ngay sát cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và đường Giải Phóng. Dự án có 6 khối nhà nhưng đến nay chỉ có 2 khối nhà đi vào hoạt động.
Dù vậy, tỷ lệ lấp đầy của sinh viên tại đây rất thấp, chỉ khoảng 60%. Trong khi nhiều khu không sử dụng, để hoang hóa.
4 khối nhà sừng sững xây dựng dang dở của dự án này như những cục bê tông khổng lồ án ngữ cửa ngõ phía Nam của thủ đô nhiều năm nay.
UBND TP. Hà Nội đã có văn bản báo cáo Thủ tướng kiến nghị cho chuyển mục đích sử dụng các hạng mục nhà A2, A3 (đã thi công phần thô) và nhà A4 (chưa giải phóng mặt bằng) sang nhà ở xã hội đảm bảo phù hợp với quy định.
Tuy nhiên đến nay, chủ trương vẫn chưa được thông qua.
Tòa nhà Trung tâm Điều hành và Giao dịch của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) nằm ở vị trí đất “vàng”, cạnh đường vành đai 3, tòa nhà Keangnam thuộc khu vực sầm uất hàng đầu Hà Nội, sau hơn chục năm khởi công, vẫn hoang tàn. Khu nhà làm việc của dự án gần như chìm giữa “rừng” cỏ hoang.
Dự án có quy mô đầu tư lên đến hơn 2.700 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2010, cao 31 tầng nổi và 4 tầng hầm. Công trình hoàn thành phần thô vào năm 2015 nhưng bị bỏ hoang cho đến nay.
Đại diện Vicem cho biết, sau khi xây dựng xong phần thô, do thực hiện chỉ đạo dừng đầu tư ngoài ngành, cơ cấu lại đầu tư nên công trình đành bỏ dở.
Nhiều năm qua, Vicem “vật vã” báo cáo các cơ quan chức năng, xin chuyển nhượng lại dự án để thoái vốn khỏi lĩnh vực không phải là nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính nhưng không thành.
Minh Tuấn – Trần Hoàng – Thanh Hiếu – Báo Tiền Phong
Theo Tiền Phong
Xem bài viết gốc tại đây:
https://tienphong.vn/can-canh-loat-benh-vien-ky-tuc-xa-nghin-ty-bo-hoang-post1636668.tpo