Dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội dài 12,5km, 1 Depot và 12 ga (8 ga nổi, 4 ga ngầm), sử dụng vốn vay ODA. Mới đây, UBND TP Hà Nội xin lùi thời gian hoàn thành thêm 5 năm. Bên trong hàng rào công trình bỏ hoang cỏ mọc, bên ngoài người dân nhọc nhằn mưu sinh.
Theo kế hoạch tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội được đưa vào khai thác đoạn vận hành đoạn trên cao vào quý IV/2021. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 8/2022 tiến độ chung tổng thể dự án đạt khoảng 75% (đoạn tuyến trên cao đạt 96,3%).
Theo UBND TP Hà Nội một trong những nguyên nhân chậm tiến độ là chậm chễ về công tác GPMB và di dời hạ tầng kỹ thuật, trong đó đối với đoạn ngầm chậm bàn giao mặt bằng từ 1-6 năm.
Đến nay công tác bồi thường, di dời người dân để thi công tuyến ngầm vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc.
Ngoài ra, năng lực chủ đầu tư hạn chế, chưa am hiểu hết về công nghệ, chưa có thực tiễn quản lý, điều hành dự án có quy mô lớn, năng lực nhà thầu, thi công chậm… Bên cạnh đó, các vướng mắc liên quan đến sự khác biệt giữa quy định của hợp đồng FIDC và pháp luật Việt Nam.
Vì thế, UBND TP Hà Nội đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2009-2022 thành 2009-2027 (chưa tính thời gian bảo hành 2 năm). Theo đó, vận hành đoạn trên cao năm 2022; Khai thác toàn tuyến năm 2027. Như vậy cùng với việc xin tăng vốn từ 32.910 tỷ đồng lên 34.826 tỷ đồng, tổng mức đầu tư tăng thêm 1.916 tỷ đồng bổ sung từ nguồn vốn ngân sách, Dự án này xin chậm thời gian kéo dài 5 năm.
Ghi nhận của PV tại tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội tại đoạn Kim Mã – Cát Linh, công trình trong tình trạng ngừng thi công, trang thiết bị rỉ sét theo thời gian.
Hầm thi công ngầm ngập nước, cây dại mọc khắp nơi
Tại ga Trần Hưng Đạo, trước cửa ga Hà Nội tình trạng quây tôn kéo dài nhiều năm qua. Theo người dân từ rất lâu rồi không thấy máy móc và công nhân thi công.
Ngay cả các trạm bảo vệ cũng không có người trông giữ.
Những hầm nước bên trong hàng rào.
Cây cỏ, bèo đua nhau phát triển, rác rưởi bừa bãi.
Cây dại rậm rạp hoang vu giữa khu phố vốn sầm uất của Thủ đô.
Phía bên ngoài hàng rào công trình, nhiều cửa hàng đang kinh doanh tốt phải trả mặt bằng, đóng cửa chuyển đi nơi khác.
Một dãy cửa hàng bỏ trống trên phố Trần Hưng Đạo.
Việc buôn bán kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề khi rào chắn được dựng lên.
Tương tự tại khu vực phố Quốc Tử Giám, nhiều cửa hàng phải tạm đóng cửa.
Cả một dãy phố đóng cửa không kinh doanh. Một chủ cửa hàng bán bún riêu trên phố Quốc Tử Giám cho hay, từ khi dựng rào nơi đây kinh doanh rất khó khăn, nhiều nhà bên cạnh bị trả lại mặt bằng, đóng cửa, nguồn thu nhập từ cho thuê nhà bị cắt đứt.
Đ.Hưng/VOV.VN
Theo VOV.VN
Xem bài viết gốc tại đây: