Việc trồng lại cây gãy đổ không khó, nhưng để đảm bảo an toàn, đặc biệt với những cây cổ thụ, cần được cắt tỉa chăm sóc lại trước khi trồng lại như quy hoạch diện tích đất trồng, chọn chủng loại ít gãy đổ…
Có trồng lại được cây gãy đổ?
Tối 7/9, tâm bão YAGI quét qua thủ đô gây mưa to và giông lốc suốt 7 tiếng. Gió bão giật cấp 10, mạnh chưa từng có 30 năm qua khiến cây đổ la liệt khắp thành phố. Tại cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng sáng 8/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết có khoảng 17.000 cây gãy đổ trên địa bàn.
Hiện, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội đã và đang tập trung xử lý, giải tỏa các trường hợp cây xanh đổ, gãy cành đã phát hiện; đồng thời tiếp tục kiểm tra, xử lý các trường hợp cây đổ, cành gãy phát sinh khác.
Cây đổ khi có mưa to, gió lớn đã trở thành vấn đề thường xuyên, kéo dài và đáng bàn nhiều năm nay tại thành phố Hà Nội. Đặc biệt, những trận “cuồng phong” như cơn bão số 3 vừa đi qua mới thấy được sự thiệt hại rất nặng nề, cây đổ đồng loạt trên nhiều tuyến phố tại nội thành Hà Nội.
Câu hỏi đặt ra và cũng như ý kiến của nhiều người lúc này là tìm giải pháp tích cực, hữu hiệu để bảo vệ, khôi phục và giữ lại những cây đã bị đổ. Nếu làm được điều này thì sẽ bảo vệ “di sản” đặc trưng này của thành phố cổ ngàn năm văn hiến Thủ đô Hà Nội.
Tại cuộc thị sát sáng nay của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo, với những cây xanh hàng trăm tuổi cần cố gắng giữ lại, trồng lại. Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách các địa bàn cần quan tâm việc bảo vệ, khôi phục lại cây xanh ở các địa phương, tránh làm vội sẽ thiệt hại, khó khắc phục.
Đề cập đến vấn đề làm sao để giữ gìn, khôi phục lại cây xanh đã bị đổ, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết Sở đang chỉ đạo khẩn các bộ phận chuyên môn thống kê sớm, đồng thời chuẩn bị có phương án tổng thể, với các giải pháp hữu hiệu để khôi phục lại những cây đã đổ, gãy cành với hy vọng giữ được tối đa có thể.
Ông Võ Nguyên Phong cho biết thêm, đối với cây đổ, bật gốc các đơn vị sẽ cắt tỉa cành, dựng lên hoặc mang về nơi dâm ủ, dùng thuốc kích rễ cây để phục hồi. Đặc biệt, những cây quý, cây cố thụ sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ. Khó khăn gặp phải là các lực lượng đồng thời phải cưa cắt cây, vừa vận chuyển hoặc dựng cây để kịp thời giải phóng đường giao thông.
Ông Lê Huy Cường, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam cho biết, hiện nay, ở các đô thị do sự phát triển quá nhanh nên hệ thống cây xanh đang bị đe dọa nghiêm trọng do vấn đề đô thị hóa, công tác quy hoạch không đồng bộ.
Nhiều cây có tuổi đời rất cao, sau này do đô thị phát triển sau, đường sá, nhà cửa bắt đầu xây dựng đào bới xuống lòng đất, khi vướng rễ cây họ cắt bỏ, dẫn đến hệ rễ các cây bị xâm hại nguyên trọng, các rễ non sau này mọc ra không còn nhiều khả năng phát triển và bám đất vì vướng các công trình ngầm. Do đó, rễ cây chỉ ăn luẩn quẩn trong diện tích đó, giống như cây đang trồng ở trong một cái chậu. Chính sự xâm hại nghiêm trọng đến hệ rễ của cây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cây bị đổ khi gặp thời tiết xấu.
Theo chuyên gia, việc trồng lại cây gãy đổ không khó, nhưng để đảm bảo an toàn, đặc biệt với những cây cổ thụ, cần được cắt tỉa chăm sóc lại trước khi trồng lại. Trước khi trồng lại phải quy hoạch diện tích trồng, đảm bảo cây có không gian để phát triển hệ rễ, chọn đúng chủng loại cây trồng và có kế hoạch chăm sóc hợp lý.
Cây gì phù hợp trồng ở đô thị?
Theo ông Lê Huy Cường, vấn đề nên trồng loài cây nào để phù hợp hơn và giảm thiểu những nguy cơ gây nguy hiểm trong đô thị, trường học, trước khi trồng cây cần phải tham vấn ý kiến chuyên gia, đơn vị có chuyên môn. Việc trồng cây nào cần tổ chức khảo sát kỹ, bởi còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như đất đai, diện tích, khoảng không gian của từng địa điểm mới bố trí, chọn cây.
Có rất nhiều loài cây khác có thể trồng được trong đô thị ở Việt Nam như cây Sao đen, cây Dầu Rái… Những cây này có thể trồng với số lượng lớn và ít khi đổ. Chúng có thể sống được hàng trăm năm. Hoặc trong trường học thì có thể trồng những cây gỗ trung bình, hoặc nhỏ như các cây họ muồng.
TS Trần Anh Tuấn, Viện Kiến trúc cảnh quan và Môi trường, Đại học Lâm Nghiệp Hà Nội, các tiêu chí cần quan tâm để lựa chọn cây trồng trong đô thị như: lựa chọn cây trồng đảm bảo về không gian cảnh quan tuyến đường; lựa chọn cây xanh phù hợp với đặc trưng văn hóa của tuyến phố đó; lựa chọn dựa trên đặc trưng sinh học của từng loài cây để có thể đưa ra được các đề xuất tuyến phố nào, đường nào thì trồng loài cây gì…
Bên cạnh đó, còn phụ thuộc vào không gian, vỉa hè hay dải phân cách có đủ rộng hay không, nếu đủ rộng mới trồng cây lớn được, vì cần bóng mát và bộ rễ phải đủ rộng. Không gian nhỏ có thể dùng cây bám đường… Để đảm bảo an toàn giao thông thì những cây đó không được cành giòn, dễ gãy trong mùa mưa bão.
Theo các chuyên gia, cây xanh là một phần tạo nên Hà Nội, việc thay thế cây xanh cần quan tâm đến tính chất đặc thù phù hợp với sinh thái từng vùng vì mỗi quận, huyện có sinh thái khác nhau về độ ẩm, đất, về không gian và hoạt động của con người trên từng tuyến đường, bao gồm: chủng loại cây, hình thức không gian, kích thước không gian, khống chế chiều cao cây, khoảng cách trồng cây… Từ đó góp phần hình thành các tuyến đường đặc trưng về cảnh quan và từng bước nâng cao chất lượng cảnh quan và môi trường cho đô thị Hà Nội.
Cây xanh bóng mát trên đường phố thuộc 12 quận nội thành Hà Nội hiện phong phú và đa dạng về chủng loài, với khoảng 75.000 cây thuộc 175 loài, 55 họ thực vật, trong đó có 12 họ thực vật có từ 5 loài trở lên. Một số loài cây được coi là giống cây truyền thống của Hà Nội và được trồng với số lượng lớn như: Xà Cừ, Sữa, Sấu, Muồng, Bằng Lăng, Phượng, Bàng…
Trồng và chăm sóc cây xanh là công việc thường xuyên, hàng ngày của các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao nhiệm vụ. Các cơ quan chức năng của thành phố cần rà soát để nghiên cứu, trồng, thay thế những loại cây xanh phù hợp vừa đảm bảo bóng mát, vừa làm đẹp cho thành phố, vừa đảm bảo giữ gìn văn hóa Thủ đô.
Điều quan trọng, trước khi trồng loại cây gì, trên tuyến đường nào nên tham khảo rộng rãi ý kiến của các chuyên gia cây xanh để đảm bảo về văn hóa, kiến trúc cảnh quan cũng như an toàn cho người dân.
Theo Sức khỏe & Đời sống
Ảnh: Hạt loạt cây xanh ở Hà Nội gãy đổ do bão số 3.
Xem bài viết gốc tại đây: