Cách nào để đô thị có bóng mát cây xanh mà vẫn an toàn?

Cây xanh mang lại bóng mát và cảnh quan đẹp cho đô thị song nguy cơ gãy đổ, bật gốc… của những cây lâu năm cũng rất cao. Làm thế nào để hài hòa giữa việc tạo không gian xanh mát với đảm bảo an toàn?

Hà Nội có hơn 8000 cây cổ thụ già cỗi

Sở Xây dựng Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu đánh giá một số chủng loại cây xanh đô thị phù hợp trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Thông tin từ Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, cây xanh bóng mát trên địa bàn Hà Nội phong phú và đa dạng về chủng loài với 175 loài thuộc 55 họ thực vật.

Qua thống kê sơ bộ, trên địa bàn 12 quận có hơn 8.000 cây cổ thụ (có độ tuổi tối thiểu 50 năm hoặc cây có đường kính từ 50 cm trở lên tại chiều cao 1,3 m của cây) gồm các loài chủ yếu như: Bàng, Bằng lăng, Chẹo, Đa, Lan, Lát hoa, Lim xẹt (Muồng thẫm), Long não, Muồng đen, Hoa sữa, Sao đen, Sấu, Sưa, Xà cừ, Phượng vĩ.

Một số cây này đã qua tuổi thành thục bước sang tuổi già cỗi, có biểu hiện sinh trưởng kém. Cây bắt đầu bị sâu mục thân, gốc, thối rễ không còn khả năng chống chịu khi gặp mưa bão. Ngoài ra còn có một số loài cây không thuộc chủng loại cây bóng mát trồng đô thị dễ bị gẫy đổ khi gặp mưa gió, quả chín rụng bẩn gây hấp dẫn ruồi, nhặng.

Theo TS.KTS Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư cảnh quan Việt Nam, xét trên cả nước, cây xanh đường phố ở Hà Nội nổi trội hơn nhiều các thành phố khác với nhiều tuyến đường có dải phân cách rộng trồng cỏ và cây xanh… điều đó đã góp phần tạo không nhỏ tạo nên diện mạo của Thủ đô.

Tuy vậy chỉ số về tiêu chuẩn đất cây xanh còn thấp, chưa đạt 50 cây/km. “Với chỉ số này thì khoảng cách cây xanh trung bình đang là hơn 20m, khoảng cách quá xa cho tiêu chuẩn trồng cây đường phố – khoảng cách trồng cây tiểu mộc, trung mộc và đại mộc lần lượt là 4 – 8m, 8 – 12m và 12 – 15m” – TS.KTS Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Theo chuyên gia, số lượng cây xanh bóng mát tại các đô thị lớn có tuổi đời rất khác nhau, đặc biệt là nhiều cây cổ thụ có tuổi đời lên tới cả trăm năm, nguy cơ đổ nghiêng và mối mọt cao. Trong khi đó, chúng ta chưa có một quy trình khoa học chính tắc về chăm sóc và kiểm tra an toàn định kỳ hàng năm theo đúng chu trình sinh trưởng của cây. Phương thức cập nhật thông tin và triển khai khảo sát cây xanh chủ yếu làm thủ công, chưa bài bản, dẫn đến chất lượng đánh giá tại từng vị trí cụ thể còn khá thấp và không kịp thời.

Cách nào đảm bảo an toàn dưới tán cổ thụ?

PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị, Trường Đại học Lâm nghiệp, cây xanh đô thị cũng như các công trình nhà cửa hay các công trình hạ tầng khác. Khi hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra, cây xanh đô thị bị gãy đổ là điều khó tránh khỏi. Chúng ta phải nhìn nhận một cách tổng thể, với cây xanh đô thị thì phải có biện pháp quản lý tốt từ khâu chọn giống cho đến thiết kế trồng cây trong đô thị như thế nào.

Đặc biệt, đối với cây trồng đường phố. Loại cây này bị tác động bởi yếu tố hạ tầng, yếu tố con người thường xuyên, cho nên cần phải theo dõi một cách chặt chẽ. Cây trồng đô thị ở Hà Nội cũng như các thành phố lớn, nhiều nơi quan tâm đến việc trồng cây nhưng mới chỉ ở đoạn ngọn còn đoạn gốc thì chưa quan tâm. Việc đưa chủng loại cây nào vào trồng trong đô thị, những loại cây nào nên sử dụng trồng ở đường phố, nhiều nơi vẫn rất rất lúng túng. Việc quy hoạch, lựa chọn các loại cây trồng cũng chưa được chú ý nhiều.

Về nguyên tắc, các cây trồng đô thị cần được chăm sóc, cắt tỉa, theo dõi và thay thế dần khi già cỗi. Tuy nhiên, chúng ta chưa có nghiên cứu nào chi tiết và cụ thể việc cây bao nhiêu tuổi nên được thay thế.

Hiện tại, thành phố Hà Nội vẫn chưa có danh sách chính thức quy định về các loại cây bóng mát trồng, hạn chế trồng và cấm trồng trong khu đô thị. Điều này đã khiến công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động trồng, thiếu cơ sở cho việc xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác trồng cây đô thị.

Theo quy hoạch, các dải cây xanh trên hè phố, công viên cũng được trồng theo các khoảng đất để mở tự nhiên với bề rộng tối thiểu là 2m, cho phép hạn chế tác động vật lý trực tiếp hoặc gián tiếp đến cây xanh khi thi công cải tạo tuyến phố.

Độ sâu các hố trồng đủ lớn (tối thiểu sâu 2m) để phù hợp với nhu cầu sinh trưởng và phát triển của từng loại cây, giúp cây sinh trưởng tốt để hạn chế tình trạng chết cành, thối cành, hạn chế tình trạng nghiêng, gãy, đổ gây tai nạn nguy hiểm cho người dân. Trường hợp bắt buộc cắt rễ, di dời, thay thế cây khi thi công phải có ý kiến từ hội đồng chuyên gia của cơ quan quản lý chuyên trách.

Hàng năm đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh phải kiểm tra, khảo sát, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc cắt sửa cây xanh đối với cây lệch tán, nặng tán; loại bỏ cành khô, cành sâu mục, cành xòa che khuất biển báo giao thông, đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng; cây ảnh hưởng đến các an toàn khác trên đường; loại bỏ cây sống ký sinh; cắt tỉa hạ ngọn khống chế chiều cao tạo mặt phẳng không gian hài hòa, định hướng phát triển tán đều và đẹp ngoài ra thực hiện các biện pháp chăm sóc khác để đảm bảo sinh trưởng và phát triển ổn định của cây xanh…

Tô Hội – Báo SK&ĐS

Theo Sức khỏe & Đời sống

Ảnh: Cây gãy đổ gây mất an toàn là nỗi lo lắng thường trực vào mùa mưa bão.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://suckhoedoisong.vn/cach-nao-de-do-thi-co-bong-mat-cay-xanh-ma-van-an-toan-169240816082721817.htm