Các tỉnh Nam Trung bộ tập trung ứng phó với bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 6, các tỉnh Nam Trung bộ, nơi dự báo bão có khả năng đổ bộ, đang tập trung các biện pháp ứng phó.

Sáng 8/11, nhiều đoàn công tác của tỉnh Khánh Hòa đã về các địa phương kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 6 và nguy cơ mưa, lũ sau bão.

Trước đó, ngày 7/11, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các ngành, địa phương chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người dân trên đảo và trên hệ thống lồng bè nuôi trồng thủy sản (NTTS) cũng như các hoạt động khai thác trên biển; thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời thông tin đầy đủ đến người dân, đặc biệt tại những khu vực nguy hiểm, dễ bị ảnh hưởng bởi mưa, bão.

Chủ động phương án và kiên quyết sơ tán người dân ra khỏi các vùng xung yếu, nguy hiểm; rà soát, kiểm tra hệ thống hồ đập, các công trình đang thi công để chủ động ứng phó,…

Tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 2.000 phương tiện đang hoạt động trên biển. Tất cả các tàu thuyền đều thông tin liên lạc thông suốt với bờ.

Lồng bè nuôi trồng thủy sản được người dân chủ động gia cố.

Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh đã thông báo cho các phương tiện hoạt động trên biển, cũng như các lồng bè nuôi trồng thủy sản biết tin về bão số 6, mở đài canh 24/24 để tiếp nhận thông tin, kiểm soát tàu thuyền, hướng dẫn các chủ phương tiện tránh trú hoặc không đi vào vùng nguy hiểm của bão; để gia cố, chằng buộc an toàn.

Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận đã thông báo cho các doanh nghiệp khai thác cảng biển, chủ tàu, thuyền trưởng các tàu, thuyền tàu vận tải biết thông tin về cơn bão số 6 và đề nghị có phương án sản xuất phù hợp, chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Ban chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh yêu cầu các huyện, thị rà soát các khu dân cư ven biển, ven sông, vùng trũng, ngập lụt, sạt lở, sẵn sàng phương tiện, lực lượng và kế hoạch sơ tán dân.

Có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch Hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp,…

Chuẩn bị bao cát gia cố mái.

Đối với huyện Tuy Phong, phối hợp Sở TN& MT, Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân tiến hành kiểm tra, có biện pháp đảm bảo an toàn cho cán bộ, công nhân và công trình đang thi công, khu vực bãi xỉ, chứa than, chủ động lực lượng,phương tiện tại chỗ.

Yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo công ty thủy lợi kiểm tra, rà soát công trình hồ chứa, có phương án vận hành an toàn, bảo đảm điều tiết hợp lý; thông báo kịp thời tình hình xả lũ để người dân vùng hạ lưu biết.

Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương có kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn, phân luồng giao thông an toàn tại các tuyến đường, khu vực khi bão đổ bộ trực tiếp, cảnh báo các tuyến giao thông bị ngập lụt, sạt lở,..

Tại tỉnh Phú Yên, các lồng bè NTTS và gần 300 tàu cá với hơn 1.700 lao động đang hoạt động trên biển đã được thông tin về tình hình bão số 6.

Chiều ngày 7/11, tại cuộc họp bàn phương án ứng phó với cơn bão số 6 sắp đổ bộ vào đất liền, lãnh đạo tỉnh tỉnh Phú Yên, yêu cầu các sở, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, diễn biến của bão để thông báo cho dân và có phương án ứng phó kịp thời, nhất là các khu vực nguy hiểm, vùng trũng thấp ven biển, khu triều cường, sạt lở đất.

Cần cương quyết di dời đối với những hộ dân còn ở trên lồng bè, khu vực triều cường, vùng trũng thấp.

Chiều 7/11, tỉnh Quảng Ngãi có công điện yêu cầu các sở, ngành, huyện thị chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 6 và mưa, lũ sau bão.

UBND các huyện ven biển và huyện Lý Sơn phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Ban Quản lý các cảng cá tỉnh và Chi cục Thủy sản hướng dẫn, sắp xếp, neo đậu tàu thuyền, tránh va đập và bị bừa neo, đứt neo khi có gió bão mạnh xảy ra; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện ở các khu vực neo đậu.

Huy động lực lượng hỗ trợ và hướng dẫn người dân chằng chống, gia cố nhà cửa, lồng bè NTTS, kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng bè NTTS, có biện pháp neo buộc an toàn.

Chủ động phương án sơ tán dân, trong đó lưu ý việc kiểm tr cơ sở vật chất, mức độ an toàn của nơi tránh trú bão, lũ.

Các nhà máy, xí nghiệp trong Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh phải chủ động chằng chống, gia cố, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản khi có bão xảy ra.

Bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người tham gia giao thông an toàn qua các ngầm tràn; chủ động ngăn cấm lưu thông qua các ngầm tràn đã bị ngập, có nước chảy xiết.

Nghiêm cấm các đò ngang, đò dọc, thuyền bè hoạt động trên sông, suối, vớt củi trên sông trong thời gian ảnh hưởng của bão và có mưa, lũ.

Tổ chức lực lượng thường trực kiểm tra và sẵn sàng phương án ứng cứu các công trình đê, kè, hồ chứa nước xung yếu;

Thực hiện vận hành hồ thủy lợi, thủy điện theo đúng quy trình vận hành được duyệt và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và các khu dân cư vùng hạ du; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.

Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo UBND tỉnh qua Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh.

Văn Nguyễn – Báo BVPL

Theo Bảo Vệ Pháp Luật

Ảnh: Tàu thuyền được bố trí neo đậu an toàn tại khu vực Cảng cá Hòn Rớ (Nha Trang).

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/cac-tinh-nam-trung-bo-tap-trung-ung-pho-voi-bao-so-6-78270.html