Các tỉnh Lào Cai, Bến Tre chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa khô

Dịp Tết Nguyên đán 2019, thời tiết trên địa bàn tỉnh Lào Cai xuất hiện nắng nóng kéo dài, dẫn tới nhiều khu vực có rừng báo động nguy cơ cháy ở cấp cực kỳ nguy hiểm (cấp V). Từ đầu tháng 2 đến nay, trên địa bàn xảy ra ba vụ cháy, thiệt hại 12,5 ha rừng trồng phòng hộ. Chi cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát; bố trí lực lượng thường trực 24 giờ trong ngày tại các trạm, chốt bảo vệ rừng trong những ngày thời tiết khô hanh kéo dài.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bến Tre vừa phối hợp Phòng Cảnh sát môi trường, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và các địa phương đến kiểm tra công tác PCCC rừng phòng hộ trên địa bàn các huyện ven biển Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Ðại. Toàn tỉnh có hơn 4.198 ha rừng, chủ yếu thuộc rừng phòng hộ và đặc dụng.

Ngày 14-2, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có Công điện số 03/CÐ-TCTL-QLCT về việc lấy nước đợt ba, phục vụ gieo cấy lúa đông xuân 2018-2019, khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Theo đó, điều chỉnh lịch lấy nước đợt ba từ 0 giờ ngày 15-2 đến 24 giờ ngày 16-2. Trong hai ngày này sẽ duy trì công suất phát điện của các nhà máy thủy điện ở mức cao nhất để bổ sung nước cho hạ du.

Theo Tổng cục Thủy lợi, hiện nay, diện tích gieo cấy lúa đã lấy đủ nước khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ là 507.990 ha, đạt 93,02% kế hoạch. Cụ thể, Thái Bình 100%, Hà Nam 99,6%, Nam Ðịnh 97,15%, Ninh Bình 96,59%, Hưng Yên 96,27%, Phú Thọ 92,35%, Hải Dương 91,77%, Hải Phòng 87,29%, Bắc Ninh 93,6%, Hà Nội 83,4%, Vĩnh Phúc 88%.

Sau Tết Nguyên đán 2019, nông dân tỉnh Vĩnh Phúc xuống đồng sản xuất nhằm bảo đảm khung thời vụ. Vụ xuân 2019, tỉnh phấn đấu gieo trồng khoảng 39.982 ha cây hằng năm; trong đó theo kế hoạch gieo cấy khoảng 30 nghìn héc-ta lúa.

Tỉnh Bắc Ninh đang vận hành 109 trong số 478 máy tại các trạm bơm đưa nước đến những vùng còn khó khăn. Nông dân đang đẩy nhanh tiến độ làm đất, phấn đấu hoàn thành đổ ải trước ngày 20-2 và gieo cấy xong trong tháng 2.

Ðể ứng phó tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng mùa khô hạn 2019, tỉnh Gia Lai chủ động xây dựng các phương án chống hạn cụ thể cho từng công trình, từng khu tưới. Tình trạng thiếu nước tưới cây công nghiệp vào mùa khô cũng là mối lo của nông dân nên ngay từ những ngày đầu Tết Nguyên đán, nhiều hộ dân đã thức trắng đêm để tưới cây cà-phê.

Tại huyện Tuy An, Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, nhiều diện tích mía sắp tới kỳ thu hoạch bị bệnh đốm vàng trên lá dẫn tới nguy cơ thiệt hại năng suất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với các địa phương xác định nguyên nhân gây bệnh, diện tích cây mía bị nhiễm bệnh để có biện pháp giảm thiệt hại cho nông dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở trên địa bàn là hơn 64 km. Tình trạng sạt lở ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt và sản xuất của hơn 250 hộ dân sinh sống ven biển bốn huyện An Minh, An Biên, Hòn Ðất và Kiên Lương.

Phê duyệt kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm, giai đoạn 2019 – 2025”. Mục tiêu của Kế hoạch nhằm kiểm soát, khống chế, không để dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra và lây lan diện rộng. Chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống; tạo điều kiện cho việc xây dựng thành công các vùng, các chuỗi cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh; góp phần giảm tác động tiêu cực của cúm gia cầm tới sức khỏe cộng đồng, an ninh lương thực và các hoạt động thương mại của Việt Nam.

PV và CTV – Báo Nhân Dân

Theo Nhân Dân

Ảnh: Lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn (Lào Cai) theo dõi hệ thống báo cháy rừng để kịp thời chỉ đạo chữa cháy. Ảnh: THANH NAM

Xem bài viết gốc tại đây:

http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39205402-cac-tinh-lao-cai-ben-tre-chu-dong-phong-chong-chay-rung-trong-mua-kho.html