Các doanh nghiệp bất động sản với bức tranh lợi nhuận đối lập

Bất động sản trong năm 2021 đã tạo nên một cơn sóng lớn ở cả thực tế lẫn trên sàn chứng khoán. Vì vậy, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này được nhà đầu tư rất mong chờ.

Có khá nhiều các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) hiện công bố kết quả kinh doanh năm 2021. Trong đó, thành công nhất phải kể đến là CTCP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán NLG). Riêng quý IV, NLG báo lãi sau thuế gần 769 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Do cổ đông không kiểm soát nhận phần lớn lãi nên lợi nhuận sau thuế công ty mẹ chỉ đạt 361 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về luỹ kế cả năm 2021, Nam Long đạt 5.205 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.478 tỷ đồng, tăng 74% so với 2020; Trong đó của công ty mẹ là 1.071 tỷ đồng. EPS (lợi nhuận trên một cổ phiếu) năm 2021 đạt 3.011 đồng.

Các doanh nghiệp bất động sản với bức tranh lợi nhuận đối lập - Ảnh 2
Diễn biến kinh doanh của Nam Long trong 10 năm qua.

Với tình hình kinh doanh khả quan cũng ghi nhận ở các doanh nghiệp BĐS khác. Trong đó, CTCP Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (Hodeco, mã chứng khoán HDC) ghi nhận doanh thu quý IV/2021 tăng 51,3% lên mức 437,3 tỷ đồng. Tuy nhiên do chi phí tăng cao nên lợi nhuận sau thuế lại giảm gần 17% so với cùng kỳ, còn 101,6 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2021, Hodeco đạt 1.357,3 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 62% so với năm trước đó. Mặc dù chi phí tăng cao, song lợi nhuận sau thuế vẫn ghi nhận 311,4 tỷ đồng, hoàn thành và vượt 22% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

CTCP Sonadezi Châu Đức (mã chứng khoán SZC) đạt doanh thu thuần gần 148 tỷ đồng trong quý IV/2021, gấp đôi so với cùng kỳ; lãi sau thuế trên 68 tỷ đồng, tăng 187% so với số lãi gần 24 tỷ đồng đạt được trong quý 4/2020.

Lũy kế năm, doanh thu của SZC đạt 713 tỷ đồng, tăng 64,7% so với năm 2020, phần lớn đến từ cho thuê đất và phí quản lý. Lợi nhuận sau thuế còn gần 324 tỷ đồng, tăng trưởng 74% so với 2020. EPS đạt 3.009 đồng.

Tính đến thời điểm 31/12/2021, tổng chi phí xây dựng dở dang của công ty đạt trên 4.800 tỷ đồng, tăng khoảng 1.100 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tổng vay nợ lên 2.200 tỷ đồng, tăng gần 550 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (mã chứng khoán API) đạt lợi nhuận sau thuế cả năm 2021 là 201,5 tỷ đồng, tăng cao gấp gần 4 lần so với năm trước và vượt 34% kế hoạch. Lợi nhuận được hình thành trên doanh thu hơn 1.168 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2020.

Riêng quý IV, doanh thu thuần của API đạt hơn 552 tỷ đồng, tăng cao gấp 3,6 lần so với quý IV/2020. Cộng với doanh thu tài chính cũng tăng gần 36% lên hơn 12 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế của API tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ, lên gần 130 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi kỷ lục quý của API từ trước tới nay.

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán KBC) đạt doanh thu và lợi nhuận với con số 4.190 tỷ đồng và 900 tỷ đồng; lần lượt tăng 70% và 180% so với 2020. Tuy nhiên so với kế hoạch, KBC chỉ hoàn thành 70% và 45%.

Ban lãnh đạo lý giải, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các khu công nghiệp và khu đô thị nằm trong kế hoạch ghi nhận doanh thu năm 2021 của Tổng công ty đều bị phong tỏa, giãn cách xã hội kéo dài.

Sang năm 2022, KBC tiếp tục đặt mục tiêu cao với doanh thu ở mức 9.800 tỷ đồng cùng lãi ròng 4.500 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp bất động sản với bức tranh lợi nhuận đối lập - Ảnh 3
Sự trồi sụt về lợi nhuận của Kinh Bắc trong các quý gần đây.

CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) có doanh thu cả năm 2021 là 3.620 tỷ đồng, giảm 7,4% so với năm 2020 và cũng chỉ hoàn thành 77% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế thu về đạt hơn 1.860 tỷ đồng, tăng trưởng 52,4% so với 2020 nhưng cũng chỉ vừa vặn hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận.

Riêng quý 4, Phát Đạt báo lãi sau thuế hơn 751 tỷ đồng (tăng gần 50% so với cùng kỳ) dù doanh thu giảm 13,1% so với quý 4/2020, đạt 1.229 tỷ đồng.

EPS của PDR năm 2021 là 3.866 đồng.

CTCP Licogi 13 (mã chứng khoán LIG) ghi nhận quý 4/2021 lỗ trong hoạt động kinh doanh chính. Cụ thể, doanh thu giảm 20,8% so với cùng kỳ, còn hơn 78 tỷ đồng. Trong khi đó vốn bỏ ra tới 115 tỷ đồng nên công ty lỗ gộp gần 37 tỷ đồng trong quý (cùng kỳ lỗ gộp hơn 3 tỷ đồng).

Bù lại trong quý, LIG đạt gần 479 tỷ đồng tiền doanh thu tài chính (tăng hơn 422 tỷ đồng so với quý 4/2020) nên vẫn báo lãi sau thuế 38 tỷ đồng, gấp 27 lần so với số lãi gần 1,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Lũy kế cả năm 2021, Licogi 13 gần như không có lãi gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ. Hoạt động tài chính giúp mang về lợi nhuận sau thuế đạt 44 tỷ đồng, gấp 7,8 tỷ đồng so với số lãi gần 6 tỷ đồng đạt được năm 2020.

CTCP Licogi 14 (mã chứng khoán L14) cũng có nét tương đồng với Licogi 13 khi đạt mức tăng trưởng gấp 22 lần trong năm 2021, lên hơn 397 tỷ đồng; Trong đó hơn 385 tỷ đồng là lãi từ đầu tư cổ phiếu. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt hơn 371 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần mức thức hiện trong năm 2020. Đây là mức lợi nhuận lớn nhất mà công ty đạt được kể từ khi thành lập.

Ở chiều ngược lại, không ít các doanh nghiệp “thụt lùi” hoặc “giậm chân tại chỗ”. Trong đó CTCP Phát triển khu công nghiệp Tín Nghĩa (mã chứng khoán TIP) công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 với doanh thu và lợi nhuận “đi lùi”. Cụ thể, công ty đạt hơn 247 tỷ đồng doanh thu, giảm 5,2% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế giảm 33,4% xuống còn hơn 92 tỷ đồng.Lợi nhuận trên một cổ phiếu (EPS) đạt 3.447 đồng.

Tính riêng quý IV, doanh thu thuần của TIP đạt hơn 62 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn 38 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp bất động sản với bức tranh lợi nhuận đối lập - Ảnh 4
Lợi nhuận của TIP năm nay “đi lùi”.

Công ty cổ phần DRH Holdings (mã chứng khoán DRH) đặt kỳ vọng tổng doanh thu đạt 870 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 90 tỷ đồng cho năm 2021. Tuy nhiên, thực tế lại khá phũ phàng.

Luỹ kế cả năm, DRH chỉ có 48 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 38% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt gần 14 tỷ đồng, giảm 72,5% so với năm 2020. Trong đó, riêng quý IV/2021, doanh thu thuần của DRH đã đạt 39 tỷ đồng.

Như vậy, công ty chỉ hoàn thành vỏn vẹn 5,5% mục tiêu về doanh thu và 18% mục tiêu về lợi nhuận. EPS năm 2021 đạt 208 đồng.

CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (mã chứng khoán NTC) ghi nhận doanh thu hơn 106 tỷ đồng trong quý IV/2021, tăng 55% so cùng kỳ, chủ yếu đến từ mảng kinh doanh chính về cho thuê khu công nghiệp. Nhờ giá vốn giảm và doanh thu tài chính tăng trưởng nên lãi sau thuế của công ty gần 83 tỷ đồng, tăng 59% so với quý 4/2020.

Mặc dù quý cuối năm có mức tăng trưởng tốt nhưng 9 tháng đầu năm của NTC lại kém khả quan. Luỹ kế cả năm 2021, doanh thu thuần của công ty đạt 271 tỷ đồng, lợi nhuận sau thế đạt 295 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm 2020.

Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội (mã chứng khoán NHA) ghi nhận doanh thu đạt 42,77 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 0,75 tỷ đồng trong quý 4/2021; lần lượt giảm 54,6% và 95,2% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm, Công ty đạt 122,48 tỷ đồng doanh thu, 2,39 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; Lần lượt giảm 24,2% và 93,4% so với cùng kỳ năm trước; chỉ hoàn thành 4,8% kế hoạch lợi nhuận năm (50 tỷ đồng).

CTCP Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc (mã chứng khoán IDV) ghi nhận tổng doanh thu trong năm 2021 là 220 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 156 tỷ đồng, so với cùng kỳ lần lượt giảm 33% và 26%.

Bùi Hằng (T/h) – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Ảnh minh họa

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/cac-doanh-nghiep-bat-dong-san-voi-buc-tranh-loi-nhuan-doi-lap-63710.html