Trang thông tin về khoa học The Economist dự báo và liệt kê 22 công nghệ mới nổi sẽ được mong chờ nhất trong năm 2022.
Lẽ thường, trong ngành công nghệ, phải mất nhiều năm để tạo ra thành công và gây được tiếng vang. Tuy nhiên, các công nghệ được liệt kê dưới đây là những trường hợp khác. Nhiều công nghệ gần như có thể trở nên nổi tiếng và nếu thành công nó có ảnh hưởng đến cả thể giới chỉ sau 1 đêm.
1. Quản trị bức xạ mặt trời
Ý tưởng đằng sau công nghệ này rất đơn giản: Nếu thế giới đang trở nên quá nóng, tại sao không tạo ra bóng râm? Chẳng hạn, bụi và tro do núi lửa giải phóng vào khí quyển có tác dụng làm mát. Vụ phun trào Núi Pinatubo vào năm 1991 đã làm mát Trái đất tới 0,5°C trong 4 năm. Kỹ thuật quản lý bức xạ mặt trời tìm cách làm điều tương tự.
2. Máy bơm nhiệt
Gradient, công ty có trụ sở tại San Francisco, là một trong số các công ty cung cấp máy bơm nhiệt sưởi ấm và làm mát. Sản phẩm của Gradient có kích thước nhỏ, có thể gắn vào cửa sổ, và sẽ được bán ra vào năm 2022. Máy bơm nhiệt hoạt động theo nguyên lý nhiệt động lực, sử dụng một lượng nhỏ năng lượng để hấp thụ và điều chỉnh nhiệt độ, sau đó di chuyển nó đến nơi mong muốn.
3. Máy bay chạy bằng khí hydro
Một máy bay chở khách chạy bằng hydro, được chế tạo tại Đại học Công nghệ Delft ở Hà Lan, sẽ bay thử vào năm 2022. ZeroAvia, công ty có trụ sở tại California, có kế hoạch thử nghiệm một máy bay 20 chỗ ngồi chạy bằng hydro. Universal Hydrogen, cũng tại California, hy vọng chiếc máy bay 40 chỗ chạy bằng hydro của họ sẽ cất cánh lần đầu tiên vào tháng 9/2022.
4. Thu giữ không khí trực tiếp
Một số công ty khởi nghiệp đang theo đuổi công nghệ thu giữ không khí trực tiếp (DAC). Năm tới, Carbon Engineering, một công ty của Canada, sẽ bắt đầu xây dựng cơ sở DAC lớn nhất thế giới ở Texas, Mỹ, có khả năng thu được 1 triệu tấn CO2 mỗi năm. ClimeWorks, một công ty Thụy Sĩ, đã mở nhà máy DAC ở Iceland trong năm nay, có khả năng thu giữ và chôn lấp CO2 ở dạng khoáng với tốc độ 4.000 tấn/năm. DAC có thể là công nghệ quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và cuộc đua hiện nay là giảm chi phí và mở rộng quy mô công nghệ.
5. Canh tác dọc
Trồng cây trên các khay xếp chồng lên nhau trong một môi trường khép kín, có kiểm soát. Lợi thế là các trang trại thẳng đứng có thể được đặt gần khách hàng, giảm chi phí vận chuyển và khí thải, tiết kiệm nước và không còn sâu bọ, do đó không cần dùng đến thuốc trừ sâu. Tuy nhiên đến nay, chi phí năng lượng chiếu sáng vẫn là một gánh nặng đối với công nghệ này.
6. Tàu container có buồm
Tàu thủy tạo ra 3% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Việc đốt cháy nhiên liệu trong ngành hàng hải cũng góp phần tạo ra mưa axit. Buồm không gây ra các vấn đề ô nhiễm như vậy, đó là lý do tại sao buồm đang quay trở lại ngành hàng hải, dưới dạng công nghệ cao, để cắt giảm chi phí và phát thải. Năm 2022, tập đoàn Michelin của Pháp sẽ trang bị cho tàu chở hàng một cánh buồm bơm hơi, dự kiến giúp giảm 20% tiêu thụ nhiên liệu. Mol, một công ty vận tải biển của Nhật Bản, có kế hoạch thử nghiệm đưa cánh buồm cứng lên một con tàu vào tháng 8/2022. Vào cuối năm 2022, số lượng các tàu chở hàng lớn có buồm sẽ tăng gấp 4 lần lên 40 chiếc, theo Hiệp hội Windship Quốc tế.
7. Tập luyện bằng thực tế ảo
Tập luyện bằng VR đã trở nên phổ biến hơn trong đại dịch khi người dân không được ra khỏi nhà, và các thiết bị VR, chẳng hạn như Oculus Quest 2, ra đời. Một mẫu kính VR mới với các tính năng hỗ trợ tập thể dục sẽ ra mắt vào năm 2022. Và Supernatural, ứng dụng tập luyện VR được đánh giá cao chỉ có ở Bắc Mỹ, có thể sẽ được phát hành ở các châu lục khác vào năm 2022.
8. Vaccine HIV và sốt rét
Thành công ấn tượng của vaccine COVID-19 dựa trên mRNA có vẻ như đang dự báo một kỷ nguyên mới của công nghệ này. Moderna đang phát triển vaccine HIV dựa trên mRNA, đã đưa vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu vào năm 2021 và dự kiến có kết quả sơ bộ vào năm 2022. BioNTech cũng đang nghiên cứu vaccine mRNA cho bệnh sốt rét, các thử nghiệm lâm sàng dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2022. Còn Đại học Oxford đang phát triển cả hai loại vaccine này.
9. Cấy ghép xương in 3D
Hai công ty khởi nghiệp, Particle3D và Adam, hy vọng sẽ tạo ra xương in 3D để cấy ghép cho người vào năm 2022. Cả hai công ty đều sử dụng khoáng chất dựa trên canxi để in ra xương; thông số kích thước dựa trên kết quả quét CT bệnh nhân. Particle3D đã thử nghiệm trên lợn và chuột, và phát hiện ra rằng tủy xương và mạch máu sẽ phát triển trong xương 3D trong vòng tám tuần. Adam thì cho biết xương cấy ghép in 3D của họ kích thích sự phát triển xương tự nhiên và xương cấy ghép sẽ phân hủy sinh học dần dần, cuối cùng được thay thế hoàn toàn bằng mô xương của bệnh nhân. Nếu mọi việc suôn sẻ, các nhà nghiên cứu cho biết các mạch máu in 3D và van tim in 3D sẽ là các mục tiêu tiếp theo.
10. Taxi bay
Joby Aviation, công ty có trụ sở tại California, có kế hoạch chế tạo khoảng 10 chiếc ô tô bay 5 chỗ ngồi, có phạm vi di chuyển khoảng 250 km. Volocopter của Đức đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ taxi bay tại Thế vận hội Paris 2024. Các công ty khác bao gồm eHang, Lilium và Vertical Aerospace, tất cả đều đang chạy đua phát triển phương tiện “viễn tưởng” này.
11. Du lịch vũ trụ
Năm 2021, liên tiếp có các chuyến bay đưa các tỉ phú lên vũ trụ, và các hãng bay đang đặt mục tiêu thương mại hóa rộng rãi hơn vào năm 2022. Virgin Galactic của Sir Richard Branson và Blue Origin của Jeff Bezos đều đang muốn thương mại hóa các chuyến du hành không gian dưới quỹ đạo.
12. Máy bay không người lái giao hàng
Dự kiến phương tiện này sẽ đi vào hoạt động rộng rãi trong năm tới. Manna, một công ty khởi nghiệp của Ireland đã giao sách, đồ ăn và thuốc ở thành phố County Galway, và có kế hoạch mở rộng dịch vụ ra toàn Ireland và Anh trong năm sau. Wing, công ty cùng tập đoàn với Google, đang giao hàng thử nghiệm ở Mỹ, Úc và Phần Lan và sẽ ra mắt dịch vụ giao hàng từ trung tâm thương mại đến tận nhà vào cuối năm nay. Dronamics, một công ty khởi nghiệp của Bulgaria, sẽ bắt đầu sử dụng máy bay không người lái có cánh để vận chuyển hàng hóa giữa 39 sân bay châu Âu.
13. Máy bay siêu thanh êm hơn
Trong nửa thế kỷ qua, các nhà khoa học tìm cách làm tiếng nổ siêu thanh của máy bay siêu thanh trở nên êm hơn, bằng cách thay đổi hình dạng máy bay. Và gần đây, các hệ thống máy tính mới trở nên đủ mạnh để chạy các mô phỏng cần thiết để kiểm chứng các thiết kế máy bay. Trong năm 2022, x-59 Quesst (viết tắt của “Quiet Supersonic Technology”) của NASA sẽ bay thử nghiệm lần đầu. Đặc biệt, x-59 sẽ bay thử trong khu vực đất liền – cụ thể là Căn cứ Không quân Edwards ở California.
14. Những ngôi nhà in 3D
Mighty Buildings, có trụ sở tại California, sẽ hoàn thành việc phát triển 15 ngôi nhà in 3D thân thiện với môi trường tại Rancho Mirage, California, trong năm 2022. Và icon, công ty có trụ sở tại Texas, có kế hoạch xây dựng một khu dân cư gồm 100 ngôi nhà in 3D gần Austin, Texas. Nếu thành công, đây sẽ khu nhà in 3D lớn nhất đến nay. Ngôi nhà sẽ được “in” ngay tại chỗ, hoặc in nhiều mảnh bộ phận trong nhà máy rồi sau đó mang đến vị trí đất nền để lắp ráp.
15. Công nghệ ngủ
Công nghệ này đang trở thành một cơn sốt ở Thung lũng Silicon, nhằm tối ưu hóa giấc ngủ. Bộ công nghệ hiện bao gồm nhẫn và băng đô ghi lại dữ liệu và theo dõi chất lượng giấc ngủ, cùng với máy tạo âm thanh nhẹ nhàng, thiết bị sưởi và làm mát nệm, đồng hồ báo thức thông minh đánh thức người dùng vào thời điểm hoàn hảo nhất.
16. Dinh dưỡng cá nhân hóa
Sau khi đã ra mắt thành công ở Mỹ, các công ty dinh dưỡng cá nhân hóa đang để mắt đến các thị trường khác trong năm 2022. Thực tế, sự trao đổi chất của mỗi người là duy nhất và việc lựa chọn thực phẩm cũng nên như vậy. Chế độ dinh dưỡng cá nhân hóa dựa trên các thuật toán máy học, xét nghiệm máu và hệ vi sinh vật đường ruột để cho bạn biết nên ăn gì và ăn khi nào. Các thiết bị có kích thước như một đồng xu sẽ gắn vào da để theo dõi lượng đường trong máu theo thời gian thực.
17. Thiết bị đeo theo dõi sức khỏe
Một số đồng hồ thông minh hiện nay đã có thể đo lượng oxy trong máu, thực hiện điện tâm đồ và phát hiện rung tâm nhĩ. Phiên bản tiếp theo của Apple Watch, dự kiến ra mắt vào năm 2022, có thể bao gồm các cảm biến mới có khả năng đo cả nồng độ glucose và cồn trong máu, cùng với huyết áp và nhiệt độ cơ thể. Rockley Photonics, công ty cung cấp công nghệ cảm biến, gọi hệ thống của họ là “phòng khám trên cổ tay”.
18. Thế giới ảo Metaverse
Khái niệm này được đặt ra vào năm 1992 bởi Neal Stephenson trong cuốn tiểu thuyết “Snow Crash”. “Metaverse” dùng để chỉ một thế giới ảo mà người dùng có thể truy cập thông qua một thiết bị kính đặc biệt – ở đó, mọi người có thể gặp gỡ, chơi trò chơi, mua và bán mọi thứ, v.v… Năm 2022, khái niệm này được các công ty công nghệ, như Facebook hoặc các công ty trò chơi điện tử như Minecraft, Roblox, Fornite, sử dụng để đề cập đến sự kết hợp giữa trò chơi điện tử, mạng xã hội và giải trí để tạo ra những trải nghiệm mới, “đắm chìm” và giống thật hơn.
19. Tính toán lượng tử
Làm sao để khai thác các đặc tính kỳ lạ của vật lý lượng tử để chế tạo một loại máy tính mới tính toán nhanh gấp hàng triệu lần các máy tính hiện nay. Nhưng khi nào mới có máy tính lượng tử? Một thước đo khả năng của máy tính lượng tử là số qubit. Một nhóm nghiên cứu Trung Quốc đã chế tạo ra máy tính có 66 qubit. Công ty IBM của Mỹ thì hy vọng sẽ đạt 433 qubit vào năm 2022 và 1.000 qubit vào năm 2023.
20. Những người nổi tiếng “ảo”
Người nổi tiếng ảo được biết đến nhiều nhất là Miquela Sousa, hay “Lil Miquela”, cô gái 19 tuổi người Mỹ gốc Brazil với 3 triệu người theo dõi trên Instagram. Dự kiến thị trường quảng cáo sẽ chi 15 tỷ USD cho quảng cáo thông qua người nổi tiếng vào năm 2022, do đó công nghệ người nổi tiếng ảo ngày càng triển vọng. Aya Stellar, phi hành gia hư cấu do công ty quảng cáo Cosmiq Universe tạo ra, dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 2/2022.
21. Tăng cường não
Tháng 4/2021, doanh nhân Elon Musk đã hào hứng tweet rằng một con khỉ đang “chơi trò chơi điện tử” bằng cách sử dụng một con chip cấy vào não. Công ty của Musk, Neuralink, đã cấy hai bộ điện cực nhỏ vào não khỉ. Tín hiệu từ các điện cực này được giải mã bởi một máy tính gần đó, cho phép con khỉ điều khiển trò chơi điện tử chỉ bằng suy nghĩ. Vào năm 2022, Neuralink hy vọng sẽ thử nghiệm thiết bị của mình trên người để giúp những người bị liệt vận hành máy tính. Một công ty khác, Synchron, đã được Mỹ cho phép thử nghiệm một thiết bị tương tự trên người.
22. Thịt và cá nhân tạo
Khoảng 70 công ty đang “nuôi trồng” các loại thịt trong lò phản ứng sinh học: Tế bào lấy từ động vật được nuôi dưỡng trong dung dịch giàu protein, đường, chất béo, vitamin và khoáng chất để trở thành một miếng thịt ăn được. Vào năm 2020, Eat Just, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại San Francisco, đã trở thành công ty đầu tiên được phép bán thịt nhân tạo tại Singapore.
Năm 2022 dự kiến sẽ có thêm các sản phẩm thịt nhân tạo từ các công ty khác. Công ty khởi nghiệp của Israel, SuperMeat dự kiến sẽ được phép bán bánh mì kẹp thịt gà nhân tạo ở Singapore với giá 10 USD/phần. Finless Foods, có trụ sở tại California, hy vọng sẽ được chấp thuận bán cá ngừ vây xanh nhân tạo với giá 440 USD/kg.
Minh Anh
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Alvaro Bernis