Những ngày này, dịch Covid-19 ở tỉnh Bắc Giang diễn biến ngày càng phức tạp. Nhiều địa phương, đơn vị trong cả nước đang hướng về Bắc Giang chi viện cả về nhân lực, vật lực với mong muốn sớm khống chế, dập tắt ổ dịch đang bùng phát dữ dội trên địa bàn tỉnh.
Những ngày này, dịch Covid-19 ở tỉnh Bắc Giang diễn biến ngày càng phức tạp. Nhiều địa phương, đơn vị trong cả nước đang hướng về Bắc Giang chi viện cả về nhân lực, vật lực với mong muốn sớm khống chế, dập tắt ổ dịch đang bùng phát dữ dội trên địa bàn tỉnh.
Xung kích về Bắc Giang chống dịch
Sớm tinh mơ, trong sân của nhà khách UBND tỉnh Bắc Giang đã phủ xanh mầu áo của 200 y, bác sĩ tình nguyện của Bệnh viện Việt Nam – Thụy Ðiển Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh về hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân và công nhân trong các khu công nghiệp. Hôm nào cũng vậy, trước 6 giờ sáng, 10 tổ công tác của đoàn đã hàng ngũ chỉnh tề nghe tổ trưởng phân công nhiệm vụ trong ngày. Có tổ đi vào nhà máy, có tổ lại về các khu dân cư, nhưng dù đi đâu thì đến khi màn đêm phủ kín, công việc của họ mới tạm gác lại. Thậm chí ở nhiều điểm dịch bệnh phức tạp, các anh chị phải làm việc tới tận khuya, tảng sáng mới về. Bác sĩ, Thạc sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hồng Hoa, Trưởng đoàn công tác chia sẻ: Ngay khi về Bắc Giang, đoàn đã có mặt kịp thời tại trung tâm hai ổ dịch ở Khu công nghiệp Vân Trung và Quang Châu để triển khai lấy mẫu xét nghiệm xuyên đêm cho công nhân. Các ngày tiếp theo đoàn hoạt động theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, mỗi ngày lấy hàng chục nghìn mẫu phục vụ công tác xét nghiệm. Từ ngày 15 đến hết ngày 19-5, đoàn đã lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng gần 40 nghìn người dân và công nhân. Tuy vất vả nhưng các thành viên luôn nhiệt huyết, hết lòng vì công việc. Tỉnh Bắc Giang đã tạo điều kiện rất tốt về ăn nghỉ và đi lại cho đoàn, nhất là công tác phối hợp tổ chức phân luồng cho người dân đến để lấy mẫu xét nghiệm được làm chu đáo, bài bản giúp việc triển khai lấy mẫu thuận lợi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ðiệp, thành viên đoàn công tác cho biết thêm: Mặc dù có nhiều hôm làm việc đến đêm khuya hay những buổi làm việc thông trưa giữa trời nắng như đổ lửa nhưng tinh thần anh em trong đoàn rất hăng hái. Có nhiều bữa trưa, mọi người chỉ ăn uống qua loa, dựa lưng vào ghế nghỉ một chút là lại dậy bắt tay vào công việc. “Chúng tôi rất xúc động trước tình cảm của người dân Bắc Giang dành cho đoàn, nhiều nơi người dân nấu chè, làm nước ép trái cây, làm đồ uống bổ dưỡng mang đến cho các y, bác sĩ. Ðó là những kỷ niệm đẹp, những tình cảm sâu lắng sẽ mãi đi theo chúng tôi trong cuộc đời làm nghề. Chúng tôi xác định lần xung kích chi viện dập dịch này không chỉ là trách nhiệm của những người thầy thuốc mà đó còn là niềm vinh dự, tự hào được cống hiến phần sức lực nhỏ bé của mình khi Tổ quốc cần” – chị Ngọc Ðiệp nói.
Chia tay với đoàn thầy thuốc đến từ Quảng Ninh, chúng tôi gặp Thượng tá Hoàng Ðức Hậu, Trưởng đoàn công tác Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga khi anh luôn tay ghi chép các số liệu về tình hình dịch bệnh. Anh Hậu cho biết: Ðoàn có bảy cán bộ, bác sĩ chủ yếu vận hành xe lưu động chuyên dụng xét nghiệm Covid-19. Hiện đoàn đã nhận được hơn 21 nghìn mẫu bệnh phẩm, thực hiện xét nghiệm thành công 4.724 mẫu, trong đó đã xác định được bảy mẫu dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. “Tuy chỉ có bảy cán bộ, bác sĩ nhưng anh em chia nhau thành nhiều ca làm việc liên tục cả ngày và đêm để có thể trả kết quả nhanh nhất, chính xác nhất vì hiện nay khâu xét nghiệm đang là điểm yếu trong công tác phòng, chống dịch tại Bắc Giang. Với tinh thần là những người chiến sĩ, bác sĩ, chúng tôi cố gắng đem hết khả năng của mình để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất, góp phần đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh” – Thượng tá Hoàng Ðức Hậu khẳng định.
Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát ở Bắc Giang, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc đề nghị Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương chi viện cho Bắc Giang chống dịch. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, trên tinh thần xung kích tự nguyện, 215 sinh viên của nhà trường cùng giảng viên đã lên đường đến Bắc Giang. Các bạn sinh viên sinh sống ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, học tập ở nhiều khoa, ngành khác nhau nhưng đã cùng một ý chí quyết tâm, đi vào vùng tâm dịch. Thầy giáo Ngụy Ðình Hoàn, Trưởng khoa Xét nghiệm, Trưởng đoàn công tác của nhà trường cho biết: Hiện nay do thời tiết rất oi bức, môi trường làm việc căng thẳng, cường độ công việc rất lớn cho nên đoàn công tác chia làm hai ca hoạt động trong ngày, mỗi ca lại chia thành nhiều tổ công tác đến từng thôn, xóm, tổ dân phố để lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Trung bình mỗi ngày đoàn lấy được khoảng 20 nghìn mẫu bệnh phẩm để mang đi xét nghiệm. Sinh viên Nguyễn Thị Phương Liên, lớp điều dưỡng 11A cho biết: Chúng em đã có kinh nghiệm trong lần chống dịch ở tỉnh Hải Dương trước đây, do vậy, lớp em có hơn 30 bạn cùng xung phong đi đợt này. Chúng em nhận được sự ủng hộ từ người thân, gia đình và thấy tự hào khi được góp phần sức lực nhỏ bé của mình hỗ trợ quê hương Bắc Giang vượt qua dịch bệnh.
Ngăn chặn phát sinh ổ dịch
Người dân cả nước đang hướng về Bắc Giang theo dõi những biến động phức tạp của dịch Covid-19. Hàng trăm đoàn cứu trợ từ thiện, cùng nhiều tổ chức cá nhân ủng hộ Bắc Giang dập dịch bằng cả vật chất và tinh thần. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, những suất cơm miễn phí, những gói hàng cứu trợ đã kịp thời đến tay những người công nhân, giúp họ vượt qua những ngày thực hiện cách ly nghiêm ngặt. Ở đó cũng đã tỏa sáng biết bao tấm lòng thiện nguyện như: anh Trương Viết Công ở huyện Lạng Giang; nhóm thiện nguyện của các chị Ngọc Hằng, Ðặng Dung, Dương Hiền ở thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên mỗi ngày nấu và cấp phát hàng nghìn suất cơm miễn phí cho công nhân nghèo đang phải cách ly. Hay vợ chồng anh Phùng Văn Trí, chị Thân Thị Hải ở My Ðiền, huyện Việt Yên vận động hàng nghìn suất quà và tổ chức đội thiện nguyện hằng ngày đóng gói vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ giúp Ủy ban MTTQ huyện gửi quà đến các đối tượng cần trợ cấp.
Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng đã cử hàng nghìn cán bộ, chuyên gia, y, bác sĩ về vùng tâm dịch chung tay với các cấp chính quyền và người dân để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ðáng chú ý, trong bốn ngày vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam đã trực tiếp điều hành hai cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và lãnh đạo Bộ Y tế để bàn và đưa ra nhiều quyết sách trong công tác phòng, chống dịch tại Bắc Giang. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bắc Giang cần tổ chức và duy trì hiệu quả nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 sẵn có, đồng thời nghiên cứu kỹ về việc lập thêm bệnh viện dã chiến khi cần thiết. Trong điều trị các ca nhiễm, đội ngũ y tế cần theo dõi sát tình hình người bệnh để phân loại, có phương án xử lý kịp thời với những trường hợp có bệnh nền, tiến triển xấu, không để có trường hợp tử vong. Về công tác truy vết, lực lượng công an cần rà soát, nắm sát lịch trình di chuyển của những trường hợp tiếp xúc gần, nguy cơ cao. Dữ liệu truy vết chuyển về T.Ư để Bộ Y tế và các cơ quan T.Ư phối hợp hỗ trợ việc nhập dữ liệu, phân tích, lập sơ đồ nhằm truy vết triệt để, không để dịch lây lan rộng. Ðặc biệt, trên cơ sở kiên định nguyên tắc khoanh gọn nhất có thể để rà soát, truy vết, ngăn chặn phát sinh ổ dịch, tỉnh cần dồn lực cho công tác xét nghiệm nhanh để sàng lọc sớm, kịp thời triển khai các giải pháp cần thiết.
Nhận định trong thời gian tới tình hình bệnh dịch còn diễn biến phức tạp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành chỉ thị chỉ đạo cả hệ thống chính trị thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Lê Anh Dương cho biết: Tỉnh đã hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân các khu công nghiệp, và một phần khu vực dân cư có nguy cơ cao, tiến tới xét nghiệm tầm soát toàn dân để sàng lọc ca nhiễm.
Theo Nhân Dân
Ảnh: Lực lượng quân đội xây dựng Bệnh viện dã chiến tại Bắc Giang ngày 19-5.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/ca-nuoc-dong-long-ho-tro-bac-giang-chong-dich-covid-19-646839/