(Phapluatmoitruong.vn) – Sáng 26/8, Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Gaia và British American Tobacco (BAT) tại Việt Nam đã tổ chức chương trình khoanh nuôi và chuyển hóa 40 ha bãi bồi thành rừng tại vùng lõi Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển).
Chương trình có sự tham dự của các nhân viên, tình nguyện viên Gaia, các cán bộ thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và đặc biệt là hơn 40 quản lý, nhân viên của BAT đã di chuyển từ Tp. Hồ Chí Minh để trực tiếp tham gia vào hoạt động khoanh nuôi, cùng sự giúp sức của người dân địa phương. Hơn 200.000 cây Mắm trắng đã được trồng trong sự kiện này.
Trước đó, trong tháng 7, hơn 50 quản lý và nhân viên BAT cũng đã tham gia trồng 1.000 cây rừng cùng Gaia tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai. Các hoạt động này là một phần trong dự án hợp tác giữa BAT Việt Nam và Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Gaia trong giai đoạn 2022-2025 nhằm phủ xanh hơn 120 ha rừng, dự kiến bao gồm 4 ha tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai và 120 ha tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Trong năm đầu tiên thực hiện, BAT Việt Nam đã cùng Gaia trồng 2 ha tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai và 40 ha tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Bà Đỗ Hoàng Anh, Giám đốc phụ trách Pháp chế và Đối ngoại của BAT tại Việt Nam, chia sẻ: “Đồng hành với Gaia suốt mùa hè qua, tôi cảm thấy được sự tự tin và niềm hy vọng về một Việt Nam xanh hơn, cùng nhau chúng ta có thể đẩy lùi biến đổi khí hậu bằng những hành động thiết thực, ngay lúc này. Tại BAT, phát triển bền vững không chỉ thông qua dự án hợp tác trồng rừng hay những hoạt động về quản trị môi trường trong sản xuất mà nó là một hành trình toàn diện, không ngừng nghỉ cả ở các khía cạnh xã hội và quản trị”.
Được biết, Mũi Cà Mau là nơi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về sinh thái và quốc phòng, nhưng cũng là nơi hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu mực nước biển dâng lên 1m, Việt Nam sẽ mất đi 40% diện tích ĐBSCL và 80% diện tích Cà Mau sẽ bị chìm dưới mực nước biển. Trong bối cảnh đó, việc mở rộng diện tích rừng nhằm đẩy lùi biến đổi khí hậu, ứng phó với xâm nhập mặn, tạo tấm giáp chắn mạnh mẽ cho Cà Mau là một hoạt động thiết thực.
Các tình nguyện viên của chương trình tham gia sự kiện đặc biệt tại Vườn quốc gia Cà Mau.
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là vùng trọng điểm của Khu Dự trữ Sinh Quyển thế giới Cà Mau, một trong khu RAMSAR của Việt Nam. Được thành lập năm 2003 với diện tích 41,862 ha, trong đó 15,262 ha là đất liền, còn lại 26,600 ha ở vùng bờ biển và các bãi bồi. Đây là Vườn Quốc gia ở Cực Nam của Tổ quốc, có ý nghĩa chính trị, quốc phòng to lớn. Đồng thời, đây cũng là nơi bảo tồn nguồn gen, bảo vệ các hệ sinh thái đa dạng với hơn 400 loài, trong đó có hơn 40 loài quý hiếm bị đe dọa tuyệt chủng như Rái cá, Mèo cá, Trăn gấm…
Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã phát động chương trình trồng rừng Cà Mau từ tháng 3/2020. Chương trình nhận được sự ủng hộ của hơn 6.500 đơn vị, cá nhân và nhiều nghệ sĩ, đã tiến hành khoanh nuôi 50 ha rừng. Tính đến nay, khu vực này có khoảng 300.000 cây tái sinh, vượt xa mục tiêu 185.000 cây. Trong 6 năm liên tiếp, Gaia và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tiếp tục giám sát khu rừng này để đảm bảo số cây sẽ mọc và phát triển thành rừng là khoảng 185.000 cây.
Huy Diệu – Phan Hải
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Các tình nguyện viên của chương trình tham gia sự kiện đặc biệt tại Vườn quốc gia Cà Mau.