Cà Mau: DN kêu cứu vì tài sản bị kê biên bán đấu giá!

(Phapluatmoitruong.vn) – Doanh nghiệp bức xúc vì tài sản không thế chấp nhưng lại bị cưỡng chế kê biên cùng với đối tác hợp tác đầu tư để thi hành án.

Chỉ thế chấp tài sản theo giấy chủ quyền

Thông tin từ bà Trần Thị Nhẫn (ngụ phường 1, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau, đại diện pháp luật Công ty Cổ phần Thiên Phong) cho biết, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận đơn khiếu nại Quyết định giải quyết khiếu nại số 304/QĐ-CCTHADS ngày 10/6/2024 của Chi cục trưởng chi cục THADS TP Cà Mau. Hiện đang chờ quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục THADS tỉnh Cà Mau.

Theo hồ sơ, ngày 15/11/2004, UBND tỉnh Cà Mau cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 9501060744 cho ông Tô Thiên Phong và bà Huỳnh Thị Hiên, thể hiện: nhà ở tại địa chỉ số 13A Hùng Vương (khóm 1, phường 7, TP. Cà Mau) có tổng diện tích sử dụng 439,66 m2 (nhà có có 5 tầng + lửng). Còn đất ở gồm thửa số 262, 284, tờ bản đồ số 2, diện tích 118,95 m2.

Liền kề với căn nhà số 13A Hùng Vương còn thửa đất chưa xây dựng (thửa số 284), nên giữa Công ty Thiên Phong và bà Huỳnh Thị Hiên (chủ DNTN Thiên Phong, vợ ông Tô Thiên Phong) có ký hợp đồng hợp tác đầu tư số 198 (ngày 26/5/2007) và số 212 (ngày 15/6/2007). Theo thỏa thuận, Công ty Thiên Phong bỏ tiền ra xây dựng căn nhà 7 tầng trên thửa đất 284 (ngang 2,5 x dài 18,3). Đồng thời cải tạo, xây thêm phần diện tích phía trên căn nhà số 13A Hùng Vương (nhà có 5 tầng + lửng). Cả diện tích xây dựng mới căn nhà 7 tầng và phần cải tạo (diện tích hơn 615 m2) xây dựng xong và làm hồ sơ hoàn công vào tháng 12/2007. Công ty Thiên Phong cũng bỏ tiền mua thang máy lắp đặt, sử dụng cho căn nhà số 13A Hùng Vương. 

Do cần vốn làm ăn, ngày 28/01/2010, bà Huỳnh Thị Hiên ký hợp đồng tín dụng số 1-2010 với Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, chi nhánh tỉnh Cà Mau (gọi tắt là Agribank Cà Mau) vay 8 tỷ đồng. Trong số tài sản thế chấp có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 9501060744 do UBND tỉnh Cà Mau cấp ngày 15/11/2004. Quá trình vay, bà Hiên đã thanh toán xong khoản nợ vay của hợp đồng số 1-2010. Sau đó, ngày 24/10/2011, bà Hiên ký tiếp ký hợp đồng tín dụng số 1-2011 với Agribank Cà Mau để vay số tiền 10,5 tỷ đồng. Quá trình vay, bà Hiên không trả nợ theo cam kết nên bị ngân hàng kiện ra tòa.

Theo bản án dân sự sơ thẩm số 05/2018/KDTM-ST, ngày 02/5/2018 của TAND TP Cà Mau và bản án dân sự phúc thẩm số 11/2018/DTM-PT, ngày 19/11/2018 của TAND tỉnh Cà Mau V/v tranh chấp hợp đồng tín dụng có quyết định; tuyên xử: buộc ông Tô Thiên Phong liên đới cùng với bà Huỳnh Thị Hiên – Chủ DNTN Thiên Phong, thanh toán cho ngân hàng các khoản nợ gốc, tiền lãi trong hạn và quá hạn tính đến ngày 27/4/2018 với tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng.

Ngoài ra, tòa cũng buộc ông Tô Thiên Phong, bà Huỳnh Thị Hiên giao tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tọa lạc tại số 13A đường Hùng Vương thuộc các thửa 262, 284 tờ bản đồ số 2 theo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 9501060744 do UBND tỉnh Cà Mau cấp ngày 15/11/2004 để phát mãi theo quy định của luật thi hành án dân sự thu hồi nợ cho ngân hàng.

Căn nhà số 13A Hùng Vương được UBND tỉnh Cà Mau được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở ngày 15/11/2004.

Tài sản không thế chấp cũng bị kê biên

Sau khi án sơ thẩm và phúc thẩm có hiệu lực, Chi cục THADS TP Cà Mau ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản. Ngày 16/7/2019, chấp hành viên Trần Hữu Lộc tiến hành cưỡng chế, kê biên để thi hành án gồm: quyền sử dụng đất diện tích 118,9 m2; toàn bộ căn nhà số 13A Hùng Vương (nhà 1 trệt, 1 tầng lửng, 5 tầng + sân thượng), tổng diện tích xây dựng theo hiện trạng thực tế 1.055,29 m2.

Cũng tại biên bản cưỡng chế kê biên, các bên Agribank Cà Mau, người phải thi hành án (ông Phong, bà Hiên) và người có quyền lợi liên quan là Công ty Thiên Phong thỏa thuận: thuê Công ty thẩm định giá T.V. thẩm định giá tài sản đã kê biên; phần kiến trúc xây dựng thêm của Công ty Thiên Phong thẩm định riêng, khi bán đấu giá bán chung, bán đấu giá thành trả lại phần đầu tư, xây dựng thêm cho Công ty Thiên Phong. Nhưng sau đó ba bên lại không tìm được tiếng nói chung.

Cho rằng kết quả thẩm định giá tài sản của Công ty Thiên Phong quá thấp, nên ngày 24/9/2019, bà Nhẫn có làm đơn yêu cầu dừng thẩm định giá trị tài sản. Công ty Thiên Phong tự bán, không bán tài sản cùng ngân hàng. Tuy nhiên, yêu cầu này không được Chi cục THADS TP Cà Mau chấp nhận.

Trong văn bản trả lời Công ty Thiên Phong, Chi cục THADS TP Cà Mau cho rằng: Mặc dù thực tế phần kiến trúc có diện tích lớn hơn so với giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu đất ở số 5901060744 do UBND tỉnh Cà Mau cấp ngày 15/11/2004, nhưng phần kiến trúc phát sinh này được xây dựng trên diện tích đất đã thế chấp, là một khối thống nhất, không thể tách rời được, việc tách rời làm giảm đáng kể giá trị tài sản nên chấp hành viên kê biên xử lý quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để đảm bảo thi hành án.

Ngoài ra, ngày 21/4/2020, Chấp hành viên Trần Hữu Lộc có đơn yêu cầu TAND TP Cà Mau giải quyết việc dân sự “xác định giá trị tài sản chung không thể phân chia được để thi hành án”. Tuy nhiên, tại quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự số 18/2020/QĐST-DS ngày 31/8/2020, TAND TP Cà Mau cho rằng: Tài sản nêu trên đã được kê biên thi hành án. Yêu cầu này không thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án theo quy định tại Điều 27 Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 74 Luật thi hành án.

Cũng theo bà Trần Thị Nhẫn, ngày 16/7/2019, Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản (bao gồm tài sản của Công ty Thiên Phong) rồi đến ngày 21/4/2020, mới yêu cầu TAND TP Cà Mau giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Vì vậy, TAND TP Cà Mau từ chối với lý do việc xử lý tài sản đã kê biên thuộc thẩm quyền chấp hành viên. Chính việc chấp hành viên cưỡng chế kê biên, xử lý “tài sản chung” chưa đảm bảo trình tự thời gian tại điều 74 Luật thi hành án dân sự năm 2008; sửa đổi bổ sung năm 2014 đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Công ty Thiên Phong. Vì vậy, ngày 30/11/2022, TAND TP Cà Mau có thông báo số 658/TB-TA trả lại đơn kiện của Công ty CP Thiên Phong với lý do: Tòa không giải quyết việc cưỡng chế thi hành án đúng hay sai.

Phiếu nhận đơn của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau.

Từ những lý do kể trên, bà Trần Thị Nhẫn làm đơn khiếu nại này đến Cục trưởng Cục THADS tỉnh Cà Mau với yêu cầu: Buộc Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Cà Mau sửa đổi quyết định số 304/QĐ-CCTHADS ngày 10/6/2024 theo hướng đưa tài sản của Công ty Thiên Phong ra khỏi biên bản cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản ngày 16/7/2019. Bà cũng mong tài sản hợp pháp chính đáng của Công ty Thiên Phong được giải quyết thỏa đáng, để không vướng vào tranh chấp khi bị đưa ra bán đấu giá.

Không chịu trách nhiệm khi bán đấu giá thành công

Theo hồ sơ, lần đầu tiên Chi cục THADS TP Cà Mau thông báo bán đấu giá tài sản ngày 11/11/2021. Theo đó, tại phần hiện trạng thể hiện: công trình đã qua sử dụng (chi tiết theo biên bản kê biên, xử lý tài sản của Chi cục THADS TP. Cà Mau ngày 16/7/2019).

Tuy nhiên, gần đây, khi thông báo bán đấu giá tài sản trên (hiện đã lần thứ 11, bán chưa thành công) thì tại phần hiện trạng, Chi cục THADS TP Cà Mau có thêm thông tin thêm: Tài sản được đấu giá theo phương thức “bán theo hiện trạng thực tế tài sản”. Khách hàng phải tự xác minh về hiện trạng, tình trạng tài sản, các thông tin quy hoạch liên quan đến tài sản và tự chịu trách nhiệm các vấn đề trên khi đăng ký tham gia đấu giá, có sự sai lệch về thông tin tài sản phải báo cho Chi cục và Công ty đấu giá hợp danh Đất Mũi biết trước phiên đấu giá diễn ra 3 ngày làm việc. Sau khi đấu giá viên công bố kết quả đấu giá thành công thì Chi cục và công ty không chịu trách nhiệm mọi khiếu nại về sau.

Luật sư Ngô Đình Chiến, Đoàn luật sư tỉnh Cà Mau nêu quan điểm: Tôi cho rằng khi tài sản được đưa ra bán đấu giá phải công khai, minh bạch, rõ ràng, tránh phát sinh tranh chấp. Vì trong thực tế, khi người đứng ra mua tài sản bán đấu giá mà tài sản “không sạch” dễ vướng vào tranh chấp, kiện tụng, gây thiệt hại cho người trúng đấu giá. Với thông báo và những thông tin về tài sản đưa ra bán đấu giá như vậy thì Chi cục THADS TP Cà Mau đẩy phần rủi ro (nếu có) cho người mua đấu giá.

Cũng theo luật sư Ngô Đình Chiến, nếu có căn cứ xác định hành vi của chấp hành viên làm ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình thì đương sự có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên theo theo quy định tại khoản 1 Điều 140 luật THADS năm 2008.

Nhóm PV

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Căn nhà số 13A Hùng Vương theo hiện trạng thực tế, đường gạch nối màu đỏ là do Công ty cổ phần Thiên Phong xây dựng theo hợp đồng hợp tác đầu tư.