Bóc mẽ loạt dự án điện mặt trời ‘núp bóng’ nông nghiệp được hợp thức hóa

Hàng loạt dự án làm nông nghiệp kết hợp điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) chưa có giấy chứng nhận kinh tế trang trại, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thậm chí chưa thi công xong đã được công ty điện lực cho đấu nối vào hệ thống điện. Các dự án này đang được cho hợp thức hóa bằng nhiều cách.

Sáng 4/1, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết, đã báo cáo UBND tỉnh kết quả kiểm tra các dự án nông nghiệp kết hợp ĐMTMN.

Trước đó, sở này phối hợp công ty điện lực, chính quyền địa phương, kiểm tra về việc tuân thủ các quy định kinh tế trang trại, sử dụng đất… đối với các trang trại nông nghiệp có lắp đặt ĐMTMN tại Buôn Đôn, Cư Kuin và TP Buôn Ma Thuột. Mỗi địa phương, đoàn cũng kiểm tra ngẫu nhiên 1 số trang trại nhưng đã phát hiện hàng loạt sai phạm.

Nấm mốc meo trong trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời

Tại TP. Buôn Ma Thuột, đoàn kiểm tra 7 trang trại trồng trọt thì có tới 4 trại xây dựng chưa hoàn thiện các hạng mục sản xuất. Chủ trang trại chủ yếu tập trung lắp hệ thống ĐMTMN và đã được Cty Điện lực Đắk Lắk cho thỏa thuận đấu nối vào lưới điện.

Huyện Buôn Đôn có 29 trang trại thì 21 trại chưa có xác nhận trang trại, chỉ mới có chủ trương cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, nhưng đã được Cty điện lực Đắk Lắk thỏa thuận, đấu nối vào lưới điện. Cụ thể, đoàn kiểm tra thực tế 5 trang trại thì 4 công trình chưa hoàn thiện thủ tục xác nhận trang trại, chưa trồng, nuôi con gì, đang trong giai đoạn thi công (chủ yếu lắp đặt hệ thống ĐMTMN) nhưng đã được phép đấu nối vào hệ thống điện.

Tình trạng trên cũng xảy ra tại huyện Cư Kuin. Trong 20 trang trại (16 trồng trọt, 3 chăn nuôi và 1 hỗn hợp) lắp đặt hệ thống ĐMTMN, mới có 4 dự án được xác nhận là trang trại, 1 trang trại không đủ tiêu chí, 15 trang trại còn lại chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, đến nay, 14 trang trại đã được ngành điện lực cho đấu nối vào hệ thống điện, và 6 trại đã có thỏa thuận đấu nối.

Nhiều dự án làm nông nghiệp nhưng chỉ lo lắp hệ thống điện mặt trời

Để hợp thức hóa cho sai phạm trên, UBND huyện Cư Kuin đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk đưa toàn bộ phần đất của 15 trang trại (chưa chuyển đổi mục đích sử dụng) vào quy hoạch cho chuyển đổi đất vào năm 2021.

Trao đổi với Tiền Phong về hướng xử lý các sai phạm trên, ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết, những công trình thiếu chứng nhận kinh tế trang trại, đoàn đã yêu cầu bổ sung; đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng liên quan đến ngành tài nguyên môi trường, còn đấu nối lại thuộc quản lý của ngành điện… Do đó, sở đã báo cáo kết quả kiểm tra lên UBND tỉnh, chờ hướng chỉ đạo tiếp theo.

Điện lực Đắk Nông cũng thỏa thuận, đấu nối tràn lan các dự án ĐMTMN nhưng thiếu kiểm soát. Anh Lê Ngọc Anh (thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Jut) phản ánh, tháng 5/2020, một trụ điện truyền tải ĐMTMN (của Cty Solar Tây Nguyên) đặt trong đất nhà anh và hàng xóm, bị sét đánh, gây mất điện. Gia đình yêu cầu cắt điện các trụ điện tự ý dựng trên đất của anh, nhưng điện lực không được đồng ý. Sau đó, UBND huyện Cư Jut, Tổng Cty điện lực Miền Trung vào cuộc, xác định Cty Solar Tây Nguyên tự ý dựng 5 trụ điện vào đất của dân nên di dời đi nơi khác.

“Trách nhiệm của ngành điện lực, chính quyền ở đâu, khi cho phép nối ĐMTMN nhưng không kiểm soát hành lang lưới điện; việc các công ty năng lượng chưa đủ điều kiện vận hành nhưng điện lực vẫn cho đấu nối để hưởng giá ưu đãi, sao không làm rõ, truy thu tiền thuế thất thoát của nhà nước. Sự việc xảy ra hơn 7 tháng nhưng tôi chưa thấy xử lý sai phạm trên…”, anh Anh ý kiến.

Trụ điện tự ý đặt vào đất dân nhưng không được giải quyết dứt điểm

Việc Cty Điện lực Đắk Nông thỏa thuận đấu nối công trình điện mặt trời chưa đúng quy định, nhiều công trình chưa có mái nhà, chưa có vị trí đấu nối… nhưng điện lực đã thỏa thuận đấu nối đã được UBND Đắk Nông chỉ rõ, yêu cầu nghiêm túc chấn chỉnh.

Trước đó, báo Tiền Phong đã có nhiều bài viết phản ánh về những bất cập trong việc cấp phép, quản lý các dự án ĐMTMN. Sau bài phản ánh “Bát nháo điện mặt trời ở Tây Nguyên” đăng trên báo Tiền Phong ngày 11/11/2020, Thủ tướng đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ chuyển nội dung phản ánh đến Bộ Công Thương xử lý.

Huỳnh Thủy – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Bên trong dự án trồng nấm kết hợp lắt đặt điện mặt trời

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.tienphong.vn/ban-doc/boc-me-loat-du-an-dien-mat-troi-nup-bong-nong-nghiep-duoc-hop-thuc-hoa-1773743.tpo